Nhịp cầu

Giám sát việc khắc phục ngập lụt

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:50 - Chia sẻ

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 18 (Kỳ họp cuối năm 2020), HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII, đại biểu đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm, giải pháp khắc phục trước mắt và căn bản đối với việc ngập lụt gây thiệt hại ở nhiều địa phương. Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết: Trong tháng 10.2020, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra 2 đợt mưa lũ lớn (15 - 21.10 và 25 - 30.10), đặc biệt là đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 15 - 21.10.2020 đã gây thiệt hại nặng cho nhiều địa phương, nhất là các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Nguyên nhân do mưa lớn cực đoan, ảnh hưởng của thủy triều; hệ thống tiêu thoát lũ chưa đáp ứng yêu cầu, hồ Kẻ Gỗ phải điều tiết xả lũ để bảo đảm an toàn cho công trình khi mực nước hồ đang lên nhanh và ở thượng nguồn đang có mưa rất to.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN - PTNT khẳng định việc tổ chức vận hành điều tiết xả lũ hồ Kẻ Gỗ vừa qua đúng quy định, có các kịch bản điều tiết linh hoạt ứng phó phù hợp với mưa lũ. Đồng thời cho biết, đối với công trình và vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ, Bộ NN - PTNT đã giao Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 chuẩn bị đầu tư Dự án tăng cường khả năng thoát lũ hạ du Kẻ Gỗ; rà soát, đánh giá lại quy trình vận hành hồ chứa trên cơ sở nhu cầu dùng nước hiện nay và tình hình khí tượng thủy văn cực đoan thời gian gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; bổ sung, hiện đại hóa hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du...

Nhiều đại biểu cho rằng: Hậu quả ngập lụt rất nghiêm trọng, mặc dù đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là điều tiết xả lũ tại hồ Kẻ Gỗ, góp phần hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du. Tuy nhiên, câu hỏi dư luận đặt ra là tại sao mưa to từ ngày 16 - 18.10 nhưng không xả lũ mà đến chiều 18.10 khi mưa ở vùng hạ du rất to, ngập lụt nhiều nơi lại xả lũ làm ngập nặng thêm. Các đại biểu đã đề nghị Giám đốc sở cho biết phương thức tính toán, thông báo cho người dân trước khi xả lũ; nguyên nhân vì sao xả lũ vào ban đêm; quy trình xả lũ, việc kiểm soát quy trình xả lũ; mức xả tối đa của hồ Kẻ Gỗ là bao nhiêu, liệu mức xả ở thời điểm lũ lụt vừa qua đã là mức cao nhất hay chưa?...

Trả lời những vấn đề đại biểu đặt ra, Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, hiện Bộ NN - PTNT đã giao Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 chuẩn bị đầu tư Dự án tăng cường khả năng thoát lũ hạ du Kẻ Gỗ. Đại diện UBND tỉnh cũng đã cung cấp thêm một số thông tin về dung tích, mức nước của hồ Kẻ Gỗ; nguyên nhân vì sao không xả lũ thời điểm trước mưa lớn; phương thức hoạt động, quá trình vận hành của hồ Kẻ Gỗ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh thời điểm mưa lớn…

Đông đảo cử tri trên địa bàn mong muốn các đại biểu, cơ quan dân cử tiếp tục tăng cường giám sát để nâng cao hiệu quả việc thực hiện giải pháp khắc phục trước mắt và căn bản tình trạng ngập lụt gây thiệt hại ở nhiều địa phương trên địa bàn, bảo đảm sự phát triển bền vững.

THÀNH LÊ