Giảm tải mục tiêu chính sách cho "đạo luật về internet"

- Thứ Sáu, 18/02/2022, 06:08 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để bắt kịp sự phát triển vượt bậc của kinh tế số. Trong quá trình sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, được gọi là “đạo luật về internet ở Việt Nam”, cần giảm tải mục tiêu chính sách bởi dự thảo Nghị định đang gánh quá nhiều mục tiêu.

Tiềm năng lớn phát triển kinh tế số

Tại tọa đàm trực tuyến “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên Internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam” do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp Liên minh Internet châu Á (AIC) tổ chức sáng 17.2, ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành AIC cho biết, hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Chính phủ và các doanh nghiệp toàn cầu. Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều gặp phải những thách thức và hệ lụy do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, điều này cũng như một nguồn động lực để có thể thúc đẩy và làm phát triển kinh tế số một cách mạnh mẽ. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường rất lớn, có tiềm năng khổng lồ trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đây cũng là nền tảng để mở rộng các dịch vụ của kinh tế số. Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020. Đây là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế toàn cảnh của Việt Nam trước bối cảnh dịch bệnh bùng phát và có những diễn biến phức tạp.   

Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP
Nguồn: ITN

Theo Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống của con người và thay đổi cách mọi người tương tác với thế giới. Các trò chơi trực tuyến xuyên biên giới phát triển mạnh, các dòng dữ liệu dịch chuyển trên toàn thế giới, chứng minh rằng công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế là phương thức quan trọng trong việc phục hồi, duy trì, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Cùng với đó, sự bùng nổ các dịch vụ nội dung số không chỉ đóng góp cho khu vực kinh tế số nói riêng mà toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung, tuy nhiên đi kèm là việc gia tăng hiện tượng tin giả, thông tin không chính xác, nội dung không lành mạnh với trẻ em, lệch chuẩn văn hóa, đạo đức nói chung. Với kỳ vọng tới năm 2025 tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP, bên cạnh việc thúc đẩy hạ tầng kỹ thuật số, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thành hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh tế trên không gian mạng.

"Dự thảo Nghị định 72 gánh quá nhiều mục tiêu!"

Bà Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Legal Việt Nam cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động thường ngày dần được chuyển sang hình thức trực tuyến như học tập, làm việc, kinh doanh, mua sắm,… Nhìn về mặt tích cực, thời gian vừa qua là cơ hội hiếm có để kinh tế số có bước phát triển mạnh mẽ vượt bậc. Và để kinh tế số phát triển bền vững, điều đầu tiên cần làm là tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ cho lĩnh vực này.

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (dự thảo Nghị định). Nghị định này được biết đến như văn bản pháp luật chủ đạo về Internet ở Việt Nam hay còn được gọi là “đạo luật về Internet ở Việt Nam” với phạm vi điều chỉnh rộng.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định 72 rất rộng, rất phức tạp. Dự thảo Nghị định dài hơn 180 trang cả biểu mẫu hướng dẫn, mang tầm cỡ một đạo luật và đặc biệt là gánh quá nhiều mục tiêu. Nhiều vấn đề đang quá sức khi đưa vào dự thảo Nghị định như các mục tiêu chống vi phạm bản quyền, quản lý doanh thu/thuế, bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân,…

Ông Đồng cho rằng nên san sẻ, chuyển những quy định như vậy sang một số lĩnh vực quy phạm pháp luật khác chứ không nên đưa tất cả vào dự thảo Nghị định 72, dẫn đến việc Nghị định có quá nhiều quy định ràng buộc và tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục cho doanh nghiệp. “Để doanh nghiệp tiếp cận rõ ràng, rành mạch, trước tiên phải giảm tải mục tiêu chính sách trong dự thảo Nghị định 72 như đã nêu. Đồng thời, kết hợp giải pháp pháp lý và giải pháp công nghệ để quản lý, như phân loại nội dung theo độ tuổi, xây dựng các tiêu chuẩn cộng đồng, thành lập trung tâm chống tin giả, đào tạo kỹ năng số cho người dùng. Khi có tranh chấp về nội dung giữa người dùng với người dùng, nên giải quyết qua kênh tòa án”.

Ông Jeff Paine bổ sung, trong dự thảo Nghị định, một số quy định có quy mô quá rộng, chưa rõ ràng hoặc quá khắt khe; một số yêu cầu vượt khả năng thực hiện đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Những quy định này sẽ tác động tiêu cực tới các công ty trong nước và nước ngoài, người sử dụng dịch vụ và nền kinh tế số của Việt Nam nói chung. Đơn cử như việc yêu cầu địa phương hóa dữ liệu tại Điều 22 của dự thảo sẽ dẫn đến những hệ quả không mong muốn. Các công ty Việt Nam có thể sẽ mất đi những dịch vụ mà họ đang sử dụng để phục vụ khách hàng Việt Nam và quốc tế; gây gián đoạn dịch vụ nghiêm trọng.

Minh Trang