Giảm thiểu các hoạt động đốt ngoài trời

- Thứ Năm, 26/07/2018, 00:23 - Chia sẻ
Ngày 25.7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo kỹ thuật “Tích hợp quản lý chất thải nhằm giảm thiểu các hoạt động ngoài trời”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động ngoài trời nhằm thực hiện công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP).

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2002, Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 14 của Công ước Stockholm với mục đích bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước nguy cơ do các chất ô nhiễm hưu cơ khó phân hủy (POP) gây ra. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 184/2006 về việc phê chuẩn Kế hoạch Quốc gia thực hiện Công ước Stockholm.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cùng trao đổi những vấn đề cơ bản nhất về Công ước Stockholm, các chất POP và ảnh hưởng của các chất POP đến môi trường và sức khỏe. Đặc biệt, hội thảo đã nghe các tham luận chuyên đề về: Rà soát các quy định pháp lý về quản lý chất thải rắn, chất thải có chứa POP liên quan đến hoạt động đốt ngoài trời; thành phần của chất thải rắn và sự hình thành các chất thải POP do các hoạt động đốt ngoài trời; BAT/BEP trong các công nghệ xử lý chất thải rắn để giảm thiểu phát sinh các chất độc hại do đốt hở; nguồn lực hỗ trợ, các nguồn vốn vay để cải thiện công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Mục đích để đưa ra các giải pháp giảm thiểu các hoạt động đốt ngoài trời, đốt hở trong sinh hoạt.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bảo vệ môi trường thông qua việc ban hành hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nâng cao ý thức cộng đồng… Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ở nước ta một số vấn đề liên quan đến đốt ngoài trời mới chỉ được quản lý theo khung pháp lý chất thải nguy hại của quản lý môi trường nói chung như Chiến dịch quốc gia về quản lý chất thải rắn tổng hợp, tầm nhìn đến năm 2025... và chưa có quy định cụ thể về hoạt động đốt ngoài trời. Do vậy, để góp phần trong công cuộc bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân thì các cấp chính quyền địa phương, các cán bộ các hội, đoàn thể luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp xã hội hạn chế thực hiện những hành vi có tác động xấu tới môi trường và sức khỏe, đặc biệt là giảm thiểu các hoạt động đốt ngoài trời…

+ Chiều cùng ngày, các đại biểu khảo sát thực tế tại Công ty Urenco – Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tin và ảnh: CHÍ TUẤN