Giảm thủ tục, giảm áp lực

- Thứ Ba, 29/03/2022, 05:51 - Chia sẻ
Để hoàn trả cho đương sự khoản tạm ứng án phí, lệ phí (dao động từ 150.000 - 300.000 đồng) chấp hành viên thi hành án dân sự phải thực hiện rất nhiều thủ tục liên quan. Trong trường hợp đương sự đến nhận lại khoản tạm ứng thì không bàn, tuy nhiên vì khoản hoàn trả không lớn nên đa phần đương sự không đến lấy lại. Thế là một chuỗi thủ tục chấp hành viên thi hành án phải thực hiện. Quá trình xử lý khoản tiền này nhiều khi kéo dài trong 5 năm, nếu đương sự không đến nhận thì mới được sung công quỹ. Điều này, tạo nên áp lực không nhỏ cho chấp hành viên và hiển nhiên loại án này lại rơi vào án tồn đọng.

Khoản 2, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền sẽ chủ động ra quyết định thi hành án khoản hoàn tạm ứng án phí, lệ phí cho đương sự trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được, bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án. Theo đó, sau khi có quyết định thi hành án, chấp hành viên sẽ phải lập hồ sơ thi hành án, tiến hành thông báo mời người được nhận tiền hoàn tạm ứng án phí, lệ phí đến cơ quan thi hành án để nhận tiền.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi xét xử, có bản án thì một số đương sự không quan tâm đến việc nhận lại tiền tạm ứng đã nộp, có đương sự được mời nhiều lần nhưng vẫn không đến nhận, một số đương sự thì đã chuyển nơi ở mới không thông báo cho cơ quan thi hành án biết. 

Nếu đương sự đến nhận lại tiền theo thư mời, thì chấp hành viên lập thủ tục chi hoàn trả với các loại giấy tờ thủ tục viết đề xuất chi; chuyển lãnh đạo duyệt chi; chuyển bộ phận kế toán lập thủ tục chi trả… Còn đương sự không đến - thực tế đa phần không đến vì số tiền ít - chấp hành viên lại phải tiếp tục thông báo mời lần 2; nếu hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo lần 2, đương sự không đến thì chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước. Mỗi một lần như vậy lại có những thủ tục, giấy tờ các loại kèm theo.

Trong khi đó, tổng số vụ việc thụ lý giải quyết của Tòa án nhân dân các cấp hàng năm là rất lớn. Chẳng hạn năm 2020 Tòa án các cấp đã xét xử được 1.842.684 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Như vậy, số việc có khoản phải thi hành án hoàn tạm ứng án phí, lệ phí của Tòa án cũng sẽ rất lớn. Điều này cũng có nghĩa chi phí thời gian, công sức để thực hiện các thủ tục liên quan tại hệ thống cơ quan thi hành án cũng bị kéo theo; trở thành áp lực không nhỏ đối với chấp hành viên, nhất là ở những địa phương có số lượng án dân sự lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính trung bình cả nước, năm 2018 mỗi chấp hành viên thụ lý 222 việc, tương ứng với số tiền 43 tỷ đồng; năm 2019 là 232 việc, tương ứng với số tiền 66 tỷ đồng/chấp hành viên/năm; năm 2020 là 216 việc, tương ứng với 72 tỷ đồng/chấp hành viên/năm. 

Bình Khang