Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội

Giảm tối đa các khoản chi không cần thiết

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:12 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam 2020 với chủ đề "Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội", ngày 25.11, có ý kiến cho rằng, song song với việc tìm các nguồn bù đắp thâm hụt ngân sách, Chính phủ cần quản lý tốt các hạng mục chi, giảm tối đa các khoản chi không cần thiết để giảm thiểu mức độ thâm hụt ngân sách.

Rủi ro hụt thu ngân sách

Chuyên gia độc lập Lê Hoài Nam dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tuy nước ta là một trong ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương nhưng việc giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 7,02% (năm 2019) xuống 1,6% (ước năm 2020) sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước so với năm trước khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, với việc triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính dự kiến ngân sách nhà nước năm nay sẽ hụt thu khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5% so với dự toán và 14,7% so với thực hiện năm 2019.

Dư địa của tài khóa của Việt Nam rất hạn hẹp, TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét. Trong khi thu ngân sách sụt giảm thì chi ngân sách lại không sụt giảm tương ứng. Chính phủ thậm chí phải tăng chi cho việc chống dịch càng gia tăng áp lực lên ngân sách. Đó là chưa nói tình trạng chi tiêu bất hợp lý vẫn xảy ra ở các địa phương. Trong thời gian dịch bệnh, có nơi vẫn xây tượng đài, cổng chào - một hành vi phi kinh tế và phản cảm.

Theo TS. Phạm Thế Anh, hụt thu ngân sách là một rủi ro của nền kinh tế. Vì vậy, tiếp tục cải cách hệ thống ngân sách phải được ưu tiên hàng đầu vì chi thường xuyên chiếm 65% tổng thu ngân sách, thậm chí năm nay có khả năng cao hơn. “Cải cách hệ thống ngân sách không thể không gắn liền cải cách thể chế”, ông Anh nhấn mạnh. Theo đó, ngoài việc chống dịch Covid-19, chúng ta không thể trì hoãn các cải cách căn bản của nền kinh tế nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai. “Tăng chi để kích thích kinh tế là cần thiết nhưng phải chi cho các dự án trọng điểm quốc gia, không dàn trải tăng chi ở địa phương trong khi Chính phủ đang phải cân đối từng khoản một trong tình thế rất khó khăn như hiện nay”.

Nguồn: ITN

Có nên đánh đổi trong ngắn hạn?

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến nhấn mạnh, trong dài hạn, để củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển, cần xây dựng một hệ thống ngân sách minh bạch, tuân thủ những chuẩn mực quốc tế trong vấn đề hạch toán, công bố và giám sát ngân sách. Các khoản thu - chi ngân sách cần được hợp nhất. Các khoản thu ngân sách bị hao hụt do miễn giảm thuế cũng nên được bổ sung trong công khai trong ngân sách nhà nước.

Về khả năng Chính phủ phải tăng vay nợ để chi tiêu khi thu ngân sách gặp khó khăn, chuyên gia độc lập Lê Hoài Nam cho rằng năm tới Chính phủ có thể tăng bội chi ngân sách từ 4,99% GDP lên tối đa 5,59% GDP để giảm áp lực thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp 38,5 nghìn tỷ đồng. “Khi có tiềm lực kinh tế có thể hấp thụ bán vốn, tài sản nhà nước thì sẽ thực hiện cổ phần hóa, bán vốn nhà nước cao hơn nhằm tăng thu ngân sách, bù đắp cho hụt thu trước đó”

“Đây là sự đánh đổi trong ngắn hạn”, ông Nam nói và cho rằng, việc tăng bội chi từ 5-7% GDP trong ngắn hạn 3 - 5 năm không đáng lo ngại, do hiện trần nợ công vẫn dưới 50% GDP nên vẫn có thể tiếp tục duy trì mức bội chi đó. Việc chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhà nước sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay, tạo cơ hội cho ngân sách nhà nước cơ cấu lại các khoản nợ với hạn mức phù hợp và lãi suất thấp hơn giai đoạn trước.

Song song với việc tìm các nguồn bù đắp thâm hụt như hiện nay, Thạc sỹ Lưu Huyền Trang, Học viện Tài chính cho rằng, Chính phủ cần quản lý tốt các hạng mục chi ngân sách, giảm tối đa các khoản chi không cần thiết, giảm thiểu mức độ thâm hụt ngân sách. Các nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế sẽ được đưa đến đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân. Một khi các doanh nghiệp tư nhân phát triển, sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tình trạng thâm hụt theo đó được cải thiện.

Bà Trang cũng khuyến nghị Chính phủ cân nhắc về mức độ chiếm dụng vốn trong nền kinh tế khi tăng cường vay trong nước bằng các giấy tờ có giá để bù đắp thâm hụt ngân sách. Thay vào đó có thể tăng cường tìm kiếm các khoản vay ưu đãi từ bên ngoài, giảm gánh nặng cho nợ công; đẩy mạnh việc thực hiện hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, qua đó huy động được nguồn vốn tư nhân cho các dự án đầu tư công, giảm gánh nặng chi đầu tư công và tăng tính hiệu quả của các dự án đầu tư

An Thiện