Bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới:

Giảm tỷ lệ sinh non

- Thứ Tư, 01/12/2021, 06:42 - Chia sẻ
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ suất tử vong trẻ em: dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰. Tuy nhiên, vào thời điểm này Việt Nam ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.

Trẻ sinh non trong bối cảnh đại dịch 

Sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi và đang có chiều hướng gia tăng, trở thành hiện tượng phổ biến toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có xấp xỉ 15 triệu trẻ sinh non, chiếm tỷ lệ hơn 1/10 tổng số trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, 3/4 trong số những trẻ kém may mắn đó có thể tiếp tục sống nếu được hỗ trợ can thiệp y tế ngay từ giai đoạn đầu.

	Hãy để cha mẹ được chăm sóc trẻ sinh non ngay từ lúc chào đời
Hãy để cha mẹ được chăm sóc trẻ sinh non ngay từ lúc chào đời
Nguồn: ITN

Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Việt Nam đứng thứ 21 trên thế giới về số lượng trẻ sinh non. Trẻ sinh non luôn phải đối mặt với nguy cơ tử vong và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguy cơ được cải thiện khi tuổi thai lúc sinh tăng, mỗi tuần được ở trong bụng mẹ sẽ tăng thêm khả năng sống và giảm thiểu bệnh cho bé. Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh lúc 25 tuần là 12,1%, so với trẻ lúc 32 tuần chỉ còn 0,2% và con số này là 0% nếu trẻ được sinh lúc 34 tuần. Các bệnh như xuất huyết não thất, tăng áp lực động mạch phổi, viêm ruột hoại tử cũng giảm theo mỗi tuần tuổi thai, từ 54,8% lúc 25 tuần xuống chỉ còn 8,7% lúc 32 tuần.

Điều này càng đáng lo ngại trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bởi đại dịch đã khiến các cơ sở y tế áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn nghiêm ngặt, dẫn đến việc trẻ sơ sinh bao gồm trẻ sinh non không may bị cách ly khỏi cha mẹ của mình. Đây là sự tác động tiêu cực đến trẻ sơ sinh và cả cha mẹ của trẻ. Bên cạnh các thách thức về chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, việc trẻ sơ sinh bị cách ly khỏi cha mẹ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng và lâu dài về sức khỏe và sự phát triển của trẻ, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của cha mẹ.

Chủ đề của Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non 2021 là “Không chia cách. Hãy hành động ngay! Hãy để cha mẹ được chăm sóc trẻ sinh non ngay từ lúc chào đời”. Chính vì thế một giải pháp y tế quan trọng được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) kêu gọi là để cha mẹ được tiếp xúc và chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện trong mọi điều kiện, không kể thời gian và địa điểm. Ngay cả khi không có những rủi ro khác do đại dịch toàn cầu, trẻ sinh non là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, và như các nghiên cứu liên tục chỉ ra, trẻ cần có cha mẹ ở bên mình. Các cơ sở y tế được khuyến khích bảo đảm cân bằng giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu và gia đình của trẻ với các yêu cầu bảo đảm phòng, chống dịch bệnh để bệnh viện tiếp tục hoạt động và các nhân viên y tế được an toàn trong bối cảnh đại dịch.

Ngày 17.11 hằng năm được Liên Hợp Quốc lấy là Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non. Đây là ngày hướng tới nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non và nhấn mạnh về những rủi ro cũng như hậu quả mà trẻ sinh non và gia đình các em trên toàn thế giới phải đối mặt.

Can thiệp sớm

Theo thống kê của Bộ Y tế, so với năm 2010, tỷ lệ tử vong mẹ giảm từ 69/100,000 xuống 46/100,000 năm 2019 và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 24,1/1,000 xuống 21,0/1,000 năm 2019. Với việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em này, trong vòng 10 năm (từ 2010 - 2019), hàng trăm nghìn trẻ em dưới 5 tuổi đã được cứu sống.

Thực tế cho thấy, tử vong do sinh non/nhẹ cân chiếm tới 25% tử vong sơ sinh, nên việc chăm sóc/điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân bằng các biện pháp khoa học tiên tiến đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em nói chung. Hiện tại, Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng các trẻ sơ sinh rất thiếu tháng có cân nặng đến 500g cũng như tiếp tục chăm sóc để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường.

Hiện, UNICEF tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để hỗ trợ và nhân rộng can thiệp nhằm duy trì sự sống còn cho trẻ sơ sinh trên cả nước, chú trọng vào các tỉnh thành khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, là những nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống và có tỉ lệ tử vong sơ sinh cao.

Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em, UNICEF Việt Nam Maharajan Muthu cho biết: “Một số biện pháp can thiệp có hiệu quả cao với chi phí thấp để cứu sống trẻ sơ sinh bao gồm tiếp xúc da kề da ngay sau sinh hoặc cho trẻ bú sớm. Việc tiếp xúc da kề da sớm sau khi sinh và liên tục có tác động tích cực và bảo vệ đối với trẻ, như điều hòa nhịp tim và hô hấp, ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết (nhiễm khuẩn nặng), hạ thân nhiệt hay hạ đường huyết, cũng như giảm khả năng trẻ phải nhập viện lại. Đồng thời, việc cho trẻ bú sớm và hoàn toàn bằng sữa mẹ có tác động tích cực đến sự phát triển ngắn hạn và dài hạn về sinh lý và hệ thần kinh của trẻ. Điều quan trọng không kém là phải bảo đảm rằng trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu được đưa đến các cơ sở chăm sóc y tế có chuyên môn cao hơn một cách nhanh chóng và bình đẳng trong trường hợp cần thiết, bất kể trẻ được sinh ra ở đâu”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ trong lĩnh vực sản khoa, nhi khoa để hạn chế nguy cơ, việc điều trị dự phòng sinh non bằng các phương pháp y học hiện đại, kiểm soát tốt thai kỳ thực sự cần thiết. Trong đó, cần tập trung vào dự phòng sinh non ở thai phụ có nguy cơ sinh non cao, dự báo thời điểm chuyển dạ thật sự ở những trường hợp dọa sinh non để can thiệp, tối ưu hóa hiệu quả các can thiệp chính là cách để giảm số ca sinh non.

Nguyễn Minh