Chiến dịch lan tỏa yêu thương

Giáo dục không bạo lực

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 23:57 - Chia sẻ
Với chủ đề “Giáo dục không bạo lực”, chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2021 được phát động từ tháng 10-11.2021, tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em. Cùng với đó, tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Bạo lực hay kỷ luật - ranh giới rất mong manh

Chia sẻ về chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2021, bà Nguyễn Phương Linh -Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho rằng: 2021 thực sự là năm đầy thử thách bởi đại dịch Covid- 19. Và trẻ em - đối tượng chúng ta quan tâm, yêu thương, coi là mầm non tương lai của đất nước là một trong các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Không chỉ không được vui chơi, không được tới trường học tập, mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ thể chất tinh thần rất nhiều. Không ít trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, trừng phạt thể chất và tinh thần.

Bà Nguyễn Phương Linh -Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD): Bạo lực hay kỷ luật, ranh giới ấy rất mong manh

Có một sự thật là nhiều cha mẹ lên án các ông bố, bà mẹ khác dùng bạo lực với con, tức giận vì ông bố đánh con gái 6 tuổi tới tử vong, nhưng lại thấy chuyện đánh mắng con là chuyện bình thường, nhân danh để giáo dục con, rèn nề nếp, hay ủng hộ những quan điểm phi khoa học phải trừng phạt trẻ.

“Bạo lực hay kỷ luật, ranh giới ấy rất mong manh, nếu cha mẹ, thầy cô chúng ta đồng nhất kỷ luật và bạo lực, đáp án chỉ có 1, đó là bạo lực”, bà Linh nhấn mạnh.

Kỷ luật tích cực

Thực tế cho thấy, nhiều người trong chúng ta có quan niệm “yêu cho roi cho vọt”. Quan điểm này hiện nay đã không còn phù hợp. Nhấn mạnh không có phương pháp giáo dục nào gọi là giáo dục bằng bạo lực, cũng không có phương pháp nào là giáo dục bằng nuông chiều, giáo dục bằng khuyên nhủ, nhưng bà Linh cho rằng có phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực để xây dựng nề nếp, tính tự chủ, tự tôn của trẻ, xuất pháp từ tình yêu thương của cha mẹ.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

Theo bà Linh, trẻ học được từ cha mẹ mình sự tự trọng, tự tôn, sự nề nếp, kỷ luật và biết tự ý thức, nhận biết đúng sai. Có thể trẻ vẫn sẽ sai nhưng ít nhất sẽ biết là mình sai và có cơ hội sửa đổi chứ không phải bị trừng phạt.

Chiến dịch Lan tỏa yêu thương sẽ được thực hiện từ nay đến ngày 15.11.2021 với các hoạt động đa dạng như: truyền thông mạng xã hội, talkshow, tập huấn, diễn đàn trẻ em, hội thảo - đối thoại giữa các bên liên quan.

Chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2021 nhấn mạnh vào phương pháp kỷ luật tích cực nhằm hỗ trợ giải đáp những khúc mắc của cha mẹ và thầy cô những phương pháp kỷ luật hiệu quả, các ranh giới của bạo lực và kỷ luật, của nuông chiều hay hỗ trợ phát triển trẻ. Qua đó, để mỗi bậc cha mẹ có thể học và trải nghiệm, để chiêm nghiệm lại những gì mình đã làm được, và những gì mình cần cải thiện để mỗi ngày, đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu thương, môi trường an toàn và tối đa hóa những tiềm năng phát triển của trẻ.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ tại tọa đàm

Đại diện Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - đơn vị đã có nhiều năm phối hợp thực hiện chiến dịch Lan tỏa yêu thương, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em bày tỏ vui mừng vì đã phối hợp cùng với Ban tổ chức chiến dịch Lan tỏa yêu thương trong những năm vừa qua.

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực trong việc xây dựng các hoạt động đa dạng, thú vị của chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2021. Mong rằng với sự chung tay, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và sự tham gia lan tỏa của các gia đình, nhà trường, cộng đồng, chiến dịch sẽ lan tỏa được những thông điệp ý nghĩa và thu được nhiều kết quả tốt đẹp”, bà Nga nói.

Việc tạo dựng môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ là điều rất cần thiết. Qua đó, thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Lê Hùng