Ngăn chặn lộ, lọt thông tin bí mật Nhà nước

Giáo dục ý thức trách nhiệm

- Chủ Nhật, 04/10/2020, 06:54 - Chia sẻ
Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm làm lộ, lọt thông tin bí mật Nhà nước, song tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau...

Sơ suất trong xác định mức độ bảo mật

Báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ về việc thực hiện Quyết định số 960/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ cho thấy, thời gian qua với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin và các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng đa dạng, vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau. Phổ biến là vi phạm khi thực hiện xác định mức độ mật; thống kê, lưu giữ, bảo quản; sao chụp tài liệu bí mật nhà nước; sử dụng máy tính và các thiết bị trong soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa bí mật Nhà nước....

Nguồn: ITN

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trong khoảng 10 năm qua đã phát hiện hơn 1.000 vụ làm lộ bí mật Nhà nước.

Đặc biệt, tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, số vụ được phát hiện gần đây năm sau đều cao hơn năm trước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, hải đảo… đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước. “Những sơ hở, tồn tại trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đã và đang tạo ra những nguy cơ xấu, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn khắc phục”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết.

Để xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị và lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động mặt trái của thời đại công nghệ số và mạng xã hội không dễ quản lý, kiểm soát một sớm một chiều, còn xuất phát từ ý thức chủ quan của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện công tác phòng gian, bảo mật và quản lý thông tin nội bộ. Đồng thời, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên lơ là, mất cảnh giác dẫn đến vô ý làm rò rỉ thông tin nội bộ và lộ bí mật Nhà nước. Cùng với đó, tình trạng lưu trữ tài liệu mật trong máy tính xách tay và trong các thiết bị lưu trữ có kết nối internet còn khá phổ biến cũng làm cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả.

Cụ thể, tại Bộ Nội vụ, nhiều thủ trưởng đơn vị chưa thường xuyên quán triệt công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đến công chức, viên chức, người lao động, dẫn đến ý thức, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa cao. Một số công chức, viên chức và người lao động còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, còn có hiện tượng thực hiện không đúng pháp luật khi lưu giữ, sao chụp, cung cấp tài liệu bí mật Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm… đã trực tiếp dẫn đến những vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước thời gian gần đây. Bên cạnh đó, cũng có đơn vị còn lạm dụng việc xác định độ mật của văn bản để gây khó khăn, cản trở trong việc tiếp cận và sử dụng văn bản...

Chủ động phòng ngừa

Thực tế thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật của các cơ quan Đảng, Nhà nước luôn được quan tâm chỉ đạo; thể chế chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới; nhiều giải pháp quan trọng được đề ra để công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đi vào nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt năm 2018, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 7.7.2020 về danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực nội vụ. Đây là những văn bản quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật ngành nội vụ, tạo hành lang pháp lý và là cơ sở để công tác bảo vệ bí mật Nhà nước nói chung và bí mật Nhà nước ngành nội vụ nói riêng từng bước đi vào nền nếp.

Tuy vậy, từ thực tiễn áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này các chuyên gia cũng cho rằng: Theo luật định, hình thức chứa bí mật Nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. Song thực tế, không ít người làm việc trong bộ máy công quyền vẫn nghĩ rằng, chỉ có các tài liệu dán các nhãn “tuyệt mật", "tối mật", "mật” mới thuộc danh mục bí mật Nhà nước, nên tự ý đưa lên mạng xã hội những địa điểm, hoạt động, lời nói thuộc diện bí mật Nhà nước mà không biết rằng mình đang phạm luật.

Trưởng khoa Khoa An ninh Chính trị nội bộ - Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, internet, cách thức thu thập bí mật Nhà nước vô cùng đa dạng… chỉ cần cán bộ công chức, viên chức soạn thảo tài liệu bí mật Nhà nước trên máy tính kết nối internet hoặc có lịch sử kết nối internet có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, sử dụng mã độc, phần mềm gián điệp xâm nhập máy tính và các thiết bị lưu trữ di động nhằm đánh cắp, thu thập bí mật Nhà nước.

Chính vì thế, để góp phần ngăn chặn lộ, lọt thông tin bí mật Nhà nước, các cấp, ngành, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ bí mật Nhà nước cho mọi người dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định, thường xuyên quan tâm, kiểm tra, rà soát, chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các vi phạm pháp luật bảo vệ bí mật Nhà nước, Đại tá Nguyễn Trung Kiên đề xuất.

Hải Thanh