Giao lưu trực tuyến “Kết nối Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

- Thứ Sáu, 10/11/2017, 18:13 - Chia sẻ
Nhằm cung cấp thông tin về kết quả, thành tích đáng ghi nhận trong việc hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ban, ngành trong hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt sau 1 năm triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST (Đề án 844), Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và công nghệ tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Kết nối Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Phương Thanh (29 tuổi), Nam Định: Ông có thể chia sẻ với độc giả báo ĐBND về sự khác nhau giữa khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Khởi nghiệp có thể hiểu đơn giản là bắt đầu một hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường. Trong khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là việc bắt đầu sản xuất kinh doanh nhưng phải dựa trên yếu tố tài sản trí tuệ, công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới. Hầu hết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hướng đến mô hình tăng trưởng nhanh. Hai yếu tố quan trọng nhất của khởi nghiệp ĐMST (hay còn gọi là startup), đó là khả năng tăng trưởng nhanh (scalability) và khả năng lặp lại mô hình nhanh (repeatability). Nói cách khác, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là 1 loại hình đặc trưng của khởi nghiệp.


Ông Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN đang giao lưu cùng bạn đọc Báo ĐBND...

Lê Văn Tạo (50 tuổi), Hà Nội: Được biết, thời gian qua VSV đã hỗ trợ rất nhiều nhóm khởi nghiệp thành công. Bà có thể chia sẻ với độc giả báo ĐBND rõ hơn về điều này?

Bà Thạch Lê Anh: Từ năm 2014 đến nay chúng tôi đã đầu tư và cố vấn cho 53 nhóm khởi nghiệp sáng tạo (Startup). Trong đó có 30 công ty Startup đang hoạt động tốt và 16 nhóm đã gọi được vốn vòng tiếp theo. Từ những thành công ban đầu, VSV đã trở thành địa điểm của cộng đồng đầu tư quốc tế, các tổ chức phi chính chủ của các nước có hệ thống đầu tư mạo hiểm phát triển.

VSV là nơi cung cấp thông tin chi tiết về tình hình của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam từ lộ trình làm chính sách của nhà nước, cho đến sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. VSV đã trở thành cầu nối giữa các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài và các Startup Việt. Qua mạng lưới này, VSV có cơ hội tìm kiếm các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm tham gia hỗ trợ huấn luyện Startup đồng thời đầu tư gieo mầm cho các startup mà họ huấn luyện.

Trịnh Tuấn Anh (47 tuổi), Sóc Trăng: Xin chào ông Trịnh Minh Giang. Ông có thể giới thiệu với độc giả báo ĐBND được biết về VMCG?

Chủ tịch Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: VMCG (Venture Management Consulting Group) phát triển trên nền tảng các hoạt động đầu tư và kinh doanh của chúng tôi từ 2007 và có thể nói là trên nền tảng tri thức mà chúng tôi đã xây dựng từ những năm 2003 - 2004 qua forum online Viet Management. Bên cạnh một số lĩnh vực kinh doanh chính của mình, VMCG vừa được xây dựng như một công ty holdings đầu tư vào nhiều lĩnh vực và vừa theo mô hình một eco-builder góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy bên cạnh hoạt động đầu tư, VMCG có nhiều hoạt động khác như từ cố vấn khởi nghiệp (mentoring), tổ chức hội thảo/toạ đàm dành cho nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức ươm tạo và kết nối đầu tư…

Với những nỗ lực hỗ trợ cộng đồng của mình, hiện VMCG cũng là tổ chức có nhiều đóng góp cho các hoạt động của Sáng kiến Mạng lưới các Tổ chức Cố vấn Khởi nghiệp Việt Nam VMI (Vietnam Mentor Initiative), của Nhóm Công tác về Khởi nghiệp sáng tạo thuộc Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam VPSF (Vietnam Private Sector Forum), của Mạng lưới các Nhà đầu tư Thiên thần Việt Nam iAngel (Vietnam Angel Investor Network)… Sắp tới đây, chúng tôi cũng đang cùng Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội HanoiBA (mà VMCG là một thành viên Ban chấp hành) xúc tiến thành lập CLB Khởi nghiệp và Đầu tư Hà Nội.

Nguyễn Thị Lụa (48 tuổi), TP Hồ Chí Minh: Trong quá trình khởi nghiệp, phần lớn các bạn trẻ cho rằng, vướng mắc lớn nhất là vấn đề tài chính, vậy điều đó có đúng không thưa ông? Tại sao?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa chị Lụa, đối với tôi thì không. Tài chính không phải là vấn đề lớn trong khởi nghiệp. Thời đại công nghệ thông tin này cho phép mỗi người có thể khởi nghiệp với kiến thức mình đang có với các công cụ máy tính đơn giản. Vốn ban đầu có thể tìm thấy dễ dàng nếu ý tưởng bạn tốt, thái độ bạn tốt và chủ động hợp tác với nhau.

Theo tôi, vướng mắc lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp là tinh thần, thái độ làm việc. Bởi, thực tế sẽ có nhiều bạn còn ảo tưởng về sự thành công sớm dẫn đến đầu tư công sức sai, thiếu sự quan sát và làm theo từng bước một cách nghiêm túc.

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Tài chính luôn luôn là vấn đề quan trọng đối với khởi nghiệp nói chung và là suy nghĩ chung của các bạn trẻ khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì việc có ý tưởng tốt mới là vấn đề quan trọng nhất. Bên cạnh sự hỗ trợ của các chuyên gia, các cố vấn cùng với sự tổ chức công việc tốt thì việc bạn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư không còn là việc quá khó khăn.

Trần Hoàng Mạnh (60 tuổi), Tây Sơn: Bà đánh giá thế nào về thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay?

Bà Thạch Lê Anh: Nếu nói về phong trào thì rất tốt, dường như việc khởi động bắt đầu từ Bộ KHCN đã tác động rất tích cực tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ mục đích của việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là để thu hút nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp (DN) thay vì chỉ có vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Đứng ở góc độ vĩ mô thì thu hút đầu tư mạo hiểm sẽ giúp các DN đổi mới sáng tạo có thể tăng trưởng đột biến chỉ trong vòng 3 đến 5 năm, như vậy quốc gia có cơ hội tăng GDP và tăng số lượng việc làm ngay trong ngắn hạn.

Hiện nay chưa nhiều người hiểu rõ mục đích này, nên còn lúng túng khi thực hiện. Có những nơi thì cho rằng họ đã quá nhiều việc nay lại thêm một việc nữa là hỗ trợ khởi nghiệp. Có ý kiến cho rằng: “Từ xưa không thấy nói đến hỗ trợ và cũng không có hệ sinh thái mà vẫn có DN. Vậy tại sao bây giờ phải làm rầm rộ lên như vậy?” Có nơi thì chủ động tích cực tham gia phong trào này, họ đã thuê cố vấn, nhưng tiếc thay cố vấn không phải ai cũng hiểu mục đích là để thu hút đầu tư về cho địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách và tăng số lượng việc làm. Do đó, phía tư vấn đã rất máy móc áp dụng Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để đưa ra các chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên, mà không hề biết địa phương này chẳng có một trường Đại học nào!

Và đặc biệt, trong hệ sinh thái còn có một thành tố vô cùng quan trọng đó là các DN lớn, vừa và nhỏ. Chúng ta còn chưa làm cho các DN này biết về Startup vì thế chưa biết đầu tư Startup là cơ hội để tăng tính cạnh tranh và có cơ hội để bứt phá, tăng giá trị thị trường của DN. Cho đến nay, các chủ DN nhỏ, vừa và lớn còn đang thờ ơ với Startup và thậm chí còn có những phản ứng tiêu cực theo kiểu “sáng nào mở TV cũng nói về khởi nghiệp, chẳng hiểu là cái gì, tôi tắt luôn TV”!

Như vậy, nếu chúng ta hiểu sai về mục đích của việc xây dựng hệ sinh thái thì “đi càng nhanh, lạc càng xa”, chúng ta sẽ ngày càng xa với mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư cho quốc gia cũng như cho từng tỉnh, thành phố.


Bà Thạch Lê Anh – Chủ nhiệm Đề án Vietnam Silion Valley - VSV, Bộ Khoa học và Công nghệ đang giao lưu cùng độc giả Báo ĐBND

Nguyễn Giang Anh (29 tuổi), Đống Đa Hà Nội: Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước hiện nay?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên cả nước hiện nay hết sức sôi động. Số lượng giao dịch, đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST ngày càng tăng về chất và lượng. Nếu như năm 2016, Ví điện tử Momo đã gọi được 28 triệu đô-la Mỹ vốn đầu tư, được coi là thương vụ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì gần đây, nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến Foody đã có khoản bán cổ phần lên tới 64 triệu đô-la Mỹ, hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Tiền mã hóa Kyber Network đã gây tiếng vang lớn khi thực hiện chào bán công chúng bằng tiền ảo (Initial Coin Offering – ICO) thu được khoảng 52 triệu đô-la Mỹ, không thua kém bất cứ thương vụ đầu tư, gọi vốn nào trên thế giới.

Một số doanh nghiệp đã có sự nhìn nhận, đánh giá nổi bật trên thị trường quốc tế, ví dụ như GotIt, nền tảng chia sẻ kiến thức của Hùng Trần, Foody – nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến,...

Lưu Thanh (35 tuổi), TP Hồ Chí Minh: Xin ông cho biết tình hình chung phong trào khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên hiện nay?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay có khoảng 25 triệu thanh niên ở Việt Nam, đây là lực lượng lao động hết sức quan trọng, chiếm hơn 50% lực lượng lao động của cả nước. Trong số đó, các bạn lựa chọn công việc và ngành nghề khác nhau, có người chọn làm công ăn lương, có người chọn công nhân, công chức viên chức, làm kinh tế cùng gia đình, cũng có người chọn khởi nghiệp con đường riêng cho mình...

Thuật ngữ khởi nghiệp được nhắc đến nhiều trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng về bản chất thì từ khi đất nước đổi mới, hội nhập, đặc biệt là từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế tư nhân đã có rất nhiều bạn trẻ lựa chọn con đường khởi nghiệp làm đường đi riêng cho mình. Kết quả đến hôm nay, chúng ta có 500.000 doanh nghiệp, có gần 10 triệu hộ kinh tế cá thể, đây chính là kết quả khởi nghiệp của suốt 30 năm vừa qua.

Tôi cho rằng, phong trào khởi nghiệp đã được định hình và phát triển, nhưng chưa đạt được đến như tiềm năng vốn có của chúng ta. Chính vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, cùng thông điệp đầu khóa của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, coi đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho thanh niên.

Từ chủ trương này, 2 - 3 năm trở lại đây, hoạt động khởi nghiệp có những bước tiến mới, tốc độ tăng trưởng tương đối bứt phá. Thể hiện qua số lượng doanh nghiệp mới được thành lập mới hàng năm đều tăng, mặc dù trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Khi xuất hiện cuộc cách mạng 4.0, cùng với công nghệ internet, công nghệ số lớn, thì khái niệm khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu được du nhập vào Việt Nam, được đón nhận và trở thành một trào lưu đối với các bạn trẻ hiện nay.

Theo tôi được biết, hiện chúng ta có khoảng 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, hầu hết những người sáng lập đều có độ tuổi rất trẻ, dưới 30 tuổi. Và tôi tin rằng, con số này còn tăng rất nhanh trong thời gian tới. Đặc biệt, khi Chính phủ quyết tâm có một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đồng bộ.

Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có dành hẳn một chương để quy định về các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Như vậy, đây chính là thời điểm, là cơ hội hết sức thuận lợi cho các bạn trẻ để lựa chọn con đường đi của mình thông qua hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.


Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư BCH Trung ương Đoàn đang giao lưu cùng bạn đọc Báo ĐBND

Lê Thị Anh (45 tuổi), Thanh Hóa: Theo bà khó khăn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là gì? (Kỹ năng khởi nghiệp? Vốn cho khởi nghiệp? Văn hóa làm chủ, chấp nhận thất bại? Chính sách của nhà nước?)

Bà Thạch Lê Anh: Đối với DN khởi nghiệp (DNKN) nói chung đã rất khó khăn, và DN Startup còn khó khăn hơn bội phần. Khó từ việc chưa có kỹ năng khởi nghiệp ĐMST mà lại thiếu sự dẫn dắt, khó vì áp lực của gia đình và xã hội chưa chấp nhận thất bại và còn hạn chế một phần bởi cơ chế chính sách…  Vì các khó khăn trên nên, hầu hết các kết quả khảo sát trên thị trường đều chỉ ra rằng vấn đề lớn nhất của Startup Việt Nam gặp phải là gọi vốn, đặc biệt là vốn gieo mầm.

Nguyên nhân do đây là giai đoạn rủi ro nhất trong đầu tư về khởi nghiệp, các Startup vẫn đang trong giai đoạn phát triển ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm mẫu, chưa thử nghiệm được trên thị trường. Startup ở giai đoạn này không có khả năng huy động vốn ở các kênh khác do không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư mạo hiểm chưa có trong khi đầu tư mạo hiểm rủi ro lớn sẽ dễ khiến các nhà đầu tư chùn bước trong quyết định đầu tư vào Startup.

Từ trước đến nay, nhắc đến đầu tư Việt Nam là nói đến thị trường bất động sản, tài chính, tài nguyên. Những doanh nhân thành công từ những lĩnh vực này thường có cái nhìn rất khác và không nắm rõ về Startup cũng như đầu tư mạo hiểm. Vì vậy, họ sẵn sàng bỏ tiền vào lĩnh vực có thế mạnh, nơi có nhiều mối quan hệ và hiểu rõ thị trường thay vì đầu tư vào Startup.

Một phân tích khác cho thấy DN SME tăng vốn để mở rộng kinh doanh hoặc sớm hơn là để bắt đầu kinh doanh, tiền đầu tư được phục vụ cho việc mua máy móc thiết bị hoặc mua nguyên vật liệu để sản xuất ra thành phẩm đem bán hoặc nhập luôn thành phẩm để bán lấy chênh lệch. Đặc thù của các hoạt động này là máy móc thiết bị và các món hàng được nhập về là Tài Sản và thường có giá trị được mua bán trên thị trường và trong trường hợp xấu nhất, SME đó có thể bán lại các máy móc này để lấy tiền trả lại cho nhà đầu tư hoặc ngân hàng. Đối với Startup, nhất là Startup ở giai đoạn vốn mồi, tiền đầu tư thường được sử dụng để xây sản phẩm công nghệ. Cái khó cho nhà đầu tư trong việc cấp vốn cho Startup nằm ở tính chất sử dụng của nguồn vốn thực chất là chi trả cho chi phí nhân sự, marketing và bán hàng. Đây chính xác là chi phí và không có khả năng thu hồi nếu Startup không phát triển thành công.

Nguyễn Văn Tri (60 tuổi), Thanh Hóa: Xin hỏi ông Đinh Anh TUấn, ông có thể cho biết lĩnh vực hoạt động chính và các sản phẩm nổi bật của Công ty? Để thành công như ngày hôm nay, Công ty đã trải qua những khó khăn gì trên con đường khởi nghiệp thưa ông?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa ông Tri, lĩnh vực hoạt động chính của Holomia cung cấp giải pháp hình ảnh cho Marketing Bất động sản với các sản phẩm ứng dụng 3D, thực tế ảo, 3D scanning số hóa công trình thực thành ảo. Chúng tôi giúp người xem dễ dàng kết nối tới một không gian khác, thời gian khác, tiết kiệm thời gian và chi phí xây dựng, đi lại…

Holomia là một thành viên trong hệ sinh thái hình ảnh sáng tạo công nghệ cao VNi, được sự hỗ trợ tốt bởi các thành viên trong nhóm về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Holomia đã gặp một số khó khăn, nhất là về vấn đề nhân sự. Các sản phẩm Holomia làm áp dụng công nghệ mới, ít người biết đến, học viên từ các trung tâm đào tạo chưa có sẵn nên chúng tôi phải tự tìm và huấn luyện từng người một.


Ông Đinh Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Holomia đang giao lưu cùng bạn đọc Báo ĐBND

Hoàng Nam (44 tuổi), Đống Đa Hà Nội: Là 1 starup được xem là có những thành công bước đầu, ông có thể chia sẻ điều gì làm nên thành công của công ty ông và quan điểm cá nhân ông: startup Việt Nam cần điều gì nhất từ phía Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, vốn mồi? cơ chế chính sách? hay thị trường?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa anh Nam, đối với chúng tôi, Holomia mới chỉ chập chững những bước đi đầu tiên chứ chưa có gì là thành công, còn rất nhiều thách thức cần phải vượt qua. Lợi thế của chúng tôi là người đi trước trong lĩnh vực công nghệ 3D, Thực tế ảo nên được nhiều người biết đến hơn thôi. Với tinh thần chủ động và vai trò của người khai phá thị trường, từng thành viên trong công ty nhận thức rõ rủi ro cũng như cơ hội nên cùng tập trung góp sức nghiên cứu những giải pháp phù hợp nhất theo định hướng chung, hướng tới người dùng.

Từ khi triển khai dự án đến nay, chúng tôi chưa dùng đến sự hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên tôi thấy trong thời gian qua vai trò của nhà nước đã giúp các startup khác khá hiệu quả bằng cách triển khai các diễn đàn, hỗ trợ thông tin về thị trường, tạo môi trường tốt. Nếu có thể thành lập các hiệp hội chuyên môn dưới sự quản lý của Nhà nước – giúp đỡ nhau bằng cách tư vấn định hướng, hỗ trợ lập mô hình sản phẩm từ đầu thì các startup sẽ có thể phát triển tốt hơn.

Việt Tú (47 tuổi), Nghệ An: Các nhà đầu tư thiên thần không chỉ giữ vai trò là nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp, mà còn là các cố vấn, đối tác kinh doanh có bề dày kinh nghiệp và bản lĩnh hỗ trợ các startup. Thời gian qua, VMCG đã hỗ trợ các startup như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: VMCG cùng một số mentor (nhà cố vấn) của mình đã tham gia nhiều chương trình cũng như trực tiếp cố vấn cho nhiều startup. Có lẽ ấn tượng nhất là chuỗi workshop dành cho nhà sáng lập (founder) các công ty (tất nhiên trong đó bao gồm các công ty khởi nghiệp) mà chúng tôi đặt tên là M&F Series, viết tắt của Mentors & Founders.

Tại chuỗi workshop hàng tháng này, chúng tôi mời các chuyên gia xuất sắc của từng lĩnh vực tới nói chuyện với các founders, tạo cầu nối ban đầu cho các founders tiếp cận được những mentor giỏi nhất. Với M&F, chúng tôi cũng muốn tăng cường nhận thức của chính các chuyên gia về giới khởi nghiệp. Với kinh nghiệm bản thân tôi, khi các chuyên gia thực sự đồng hành cùng startup, họ không chỉ làm tốt vai trò mentor mà rất có khả năng trở thành nhà đầu tư thiên thần. Như vậy một công mà đôi ba cái lợi cho cộng đồng.

Ấn tượng thứ hai là khi chúng tôi tham gia vào Chương trình tăng tốc khởi nghiệp iAA (iAngel Accelerator) của iAngel. Nhất là khi đầu ra của iAA lại gắn bó chặt chẽ với đầu vào của show Truyền hình thực tế Shark Tank về khởi nghiệp và gọi vốn sẽ lên sóng VTV3 ngày mai, 11.11. Tham gia vào chuỗi hoạt động là cả cộng đồng khởi nghiệp, rất gắn bó và năng động.

Ấn tượng thứ ba chính là Tech Fest 2017. Hiện VMCG đang được giao phó phụ trách khu vực quan trọng nhất là Làng các Tổ chức Xây dựng Cộng đồng Khởi nghiệp (Community Builder Village) tại Tech Fest.

Lê Thanh (30 tuổi), Thạch Thất, Hà Tây: Theo ông, để gọi vốn thành công, bản thân các startup cần phải đáp ứng những tiêu chí gì để thu hút các nhà đầu tư?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Tùy vào thời điểm gọi vốn, nhà đầu tư sẽ có các góc nhìn và đòi hỏi khác nhau. Với chúng tôi thiên về giai đoạn vốn mồi (seeding) hoặc đầu tư thiên thần (angel investment), chúng tôi thường đánh giá ý tưởng sản phẩm đang giải quyết bài toán nào của thị trường, khả năng tăng trưởng đột phá (về quy mô) ra sao, và quan trọng hơn cả là con người sáng lập (founder) có những phẩm chất gì để chinh phục thách thức mà startup sẽ đương đầu.

Các nhà đầu tư cũng thường chú ý tới những startup có nhà đầu tư thiên thần uy tín hoặc có cố vấn uy tín. VMCG có thể trở thành một bộ lọc cho các giai đoạn đầu tư tiếp theo khi mà chúng tôi đã tự chủ động đầu tư trước và trực tiếp cố vấn, để từ đó nắm bắt được chất lượng của từng startup, giúp phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của startup cho các nhà đầu tư khác.


Ông Trịnh Minh Giang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quản lý Tư vấn Liên doanh VMCG đang giao lưu cùng bạn đọc Báo ĐBND

Lê Thị Thành (27 tuổi), ĐH Tổng hợp Hà Nội: Ông có thể cho biết, yếu tố quan trọng nhất giúp các bạn trẻ có thể khởi nghiệp thành công là gì? Tại sao?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Tôi không phải là một người khởi nghiệp nên lời khuyên chỉ mang tính cá nhân và có thể không chính xác. Tôi được biết, chỉ khoảng 2% các ý tưởng và dự án khởi nghiệp là thành công, và rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra nguyên nhân của những thất bại. Từ đó cho thấy, ngoài đam mê khát vọng, kiến thức, kỹ năng thì việc kiên trì theo đuổi và kỷ luật là 2 tố chất quan trọng nhất của những người đã khởi nghiệp thành công.

Trần Lê (29 tuổi), Thái Nguyên: Năm 2017 là năm thứ hai tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) quy mô quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2020”. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật sau 1 năm triển khai Đề án 844?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Nhận thức được vai trò chiến lược và trọng yếu của phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18.5.2016 đã có sự vào cuộc đồng lòng, thống nhất của các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, của các nhà sáng lập, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, huấn luyện viên, tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp... Một số kết quả nổi bật có thể kể đến bao gồm:

Thứ nhất, hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đã được các cơ quan chức năng quyết liệt xây dựng, ban hành. Giữa năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) số 04/2017/QH14, Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14, đều có những nội dung trọng tâm liên quan tới đăng ký, thành lập, phát triển và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Quốc hội ban hành.

Thứ hai, cụ thể hơn, các tập đoàn lớn, ngân hàng lớn cũng tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp ĐMST. Trong hai năm 2016-2017 đã chứng kiến sự ra đời của: Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture, hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV).

Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng hết sức quan tâm và chung tay hỗ trợ phát triển khởi nghiệp ĐMST. Gần đây nhất, Sáng kiến kinh doanh khu vực sông Mekong (MBI-ADB) đã phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện sáng kiến Thành phố Thông minh – Smartcityvn, nhằm thu hút các giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo xử lý các vấn đề tồn đọng của các đô thị.

Các tổ chức trong và ngoài nước cũng đã phối hợp, liên kết tổ chức thành công rất nhiều hoạt động có ý nghĩa cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, trải dài trên khắp chiều dài đất nước. Cụ thể là sự kiện Diễn đàn khởi nghiệp APEC được tổ chức vào tháng 9.2017 do Bộ KHCN phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cuộc thi ý tưởng sinh viên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức (tháng 3.2017), sự kiện Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng (SURF 2017) do Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) tổ chức, Tuần lễ khởi nghiệp ĐMST (tổ chức vào tháng 10.2017) do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các sự kiện trong các lĩnh vực chuyên sâu như sự kiện Khởi nghiệp du lịch ASEAN, sự kiện “Startup, Cơ hội và thách thức trong ngành chế biến lương thực thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao” (SIHub tổ chức tháng 7.2017). Đặc biệt sắp tới là Ngày hội khởi nghiệp ĐMST TECHFEST 2017 do Bộ KHCN chủ trì tổ chức.

Thứ ba, về mặt thu hút đầu tư, số lượng và chất lượng thương vụ đầu tư đều có xu hướng tăng mạnh. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất năm 2016 đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD, đặc biệt, ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) tại Việt Nam đã thu hút được 129 triệu USD.

Về mặt tài chính, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư cá nhân có sự tăng trưởng cao và hoạt động bài bản hơn các năm trước. Năm 2017, đã có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups.

Về tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, tăng mạnh về số lượng ở cả khu vực tư nhân lẫn khu vực công lập, hướng tới việc hoàn thiện ý tưởng, công nghệ và gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học.

Thứ tư, về cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp, chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển nhanh chóng số lượng lớn khu làm việc chung (co-working space), với số lượng hiện tại khoảng hơn 40 khu.

Việt Anh (34 tuổi), Hà Nam: VSV có ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực để hỗ trợ, ươm tạo không thưa bà? Nhóm chúng tôi đã có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi cần đáp ứng những tiêu chí nào để có thể tham gia vào các chương trình của VSV, thưa bà?

Bà Thạch Lê Anh: Trên thế giới khi nói đến đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) thì lĩnh vực được ưu tiên hơn cả sẽ là CNTT, đầu tư vào CNTT chiếm tới 70%, mà trong đó cũng chỉ 20% đến 25% là phần cứng còn lại hơn 45% là phần mềm. VSV cũng không nằm ngoài qui luật đó, nhưng chúng ta cần hiểu rõ hơn rằng các Startup sử dụng CNTT để phát triển mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, TMĐT Viễn thông, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Giải trí, vận tải, khách sạn nhà hàng, kinh doanh bất động sản…. Hiện nay, VSV đã và đang đầu tư hầu hết các lĩnh vực kể trên.

Thông thường nếu các bạn có ý tưởng kinh doanh, có đội nhóm có khả năng thực hiện ý tưởng đó thì bạn nên đăng ký vào chương trình đầu tư gieo mầm của VSV. Bạn lên Website: http://ba.siliconvalley.com.vn/ nhấn vào nút đăng ký, bạn sẽ vào trang trả lời các câu hỏi online, sau đó các chuyên gia sẽ đánh giá, chấm điểm, nếu nhóm của bạn đạt mức độ trên trung bình, bạn sẽ được phỏng vấn online, nếu qua được vòng phỏng vấn này, bạn sẽ được mời đến trình bày trực tiếp với hội đồng đầu tư. Nếu thuyết phục được hội đồng đầu tư thì nhóm của bạn sẽ chuyển đến khu không gian làm việc chung VSV Corner tại 24 Lý Thường Kiệt, các bạn sẽ nhận được sự cố vấn từ các nhà đầu tư và chuyên gia của VSV đồng thời nhận được khoản tiền tương đương 400 triệu đồng để chi trả một phần chi phí lương cho đội ngũ xây dựng sản phẩm và marketing. Kết thúc giai đoạn đầu tư vốn mồi và cố vấn thì các bạn tham gia ngày Hội đầu tư để gọi vốn vòng tiếp theo từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các nhà đầu tư Thiên thần.

Ngọc Lệ (32 tuổi), Thanh Trì, Hà Nội: Để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thành công, theo ông các bên liên quan cần thể hiện vai trò ra sao? (Doanh nghiệp? Nhà nước? Nhà đầu tư?)

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa bạn Ngọc Lệ, theo tôi để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thành công, các bên liên quan đều cần thể hiện vai trò tích cực của mình bằng sự hợp tác hướng tới mục tiêu chung. Trong đó, doanh nghiệp cần học hỏi và nhìn rõ nhu cầu thực tế, phân biệt được khởi nghiệp và lập nghiệp, tránh startup tràn lan với những ý tưởng không phù hợp. Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ thông tin, mở các sân chơi khởi nghiệp và mời các startup thành công chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Nhà đầu tư cần bình tĩnh, sáng suốt hỗ trợ đúng và đủ cho các startup phát triển.

Bảo Ngọc (44 tuổi), Thanh Chương: Có ý kiến cho rằng, trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nhà nước cần có sự đầu tư tập trung, chọn ra “hạt giống tốt” để đầu tư, tránh đầu tư dàn trải? Ý kiến của ông về vấn đề này?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Đối với các khoản đầu tư của Nhà nước, tôi thấy hiện đang khởi đầu đúng hướng khi thông qua Đề án 844 thực hiện cấp một phần vốn cho các tổ chức và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Cộng đồng và hệ sinh thái phải được quan tâm xây dựng trước. Dù chưa từng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ, chúng tôi cũng mong muốn quy trình sẽ được giảm tải hơn và tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước có thể trên 50% vì bản thân các hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp hiện nay đều rất khó sinh lợi nhuận. Như vậy nếu không có sự hỗ trợ tài chính thì sẽ dẫn tới tình trạng nhiều tổ chức hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả. Đối với các khoản đầu tư của Nhà nước trực tiếp vào các startup (nếu có) như một số nước đang thực hiện, theo tôi nên là đầu tư cùng, đầu tư chung với các tổ chức đầu tư có uy tín, và Nhà nước không cần phải quan tâm trực tiếp đến từng startup.

Việt Nguyễn (24 tuổi), Lam Sơn Thanh Hóa: Hiện nay phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ đang diễn ra rất sôi nổi. Tuy nhiên, có ý kiến của các bạn trẻ cho rằng phần lớn khởi nghiệp ở Việt Nam là chỉ để kiếm sống, trong khi lẽ ra khởi nghiệp phải là vươn lên, cạnh tranh và thành công ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ đây là câu chuyện bình thường ở tất cả các quốc gia, không riêng gì ở Việt Nam. Chúng ta không thể đòi hỏi 25 triệu thanh niên đi chung một con đường với nhau được. Mỗi người đều có điều kiện, hoàn cảnh, ước mơ và con đường đi riêng của mình. Trong số đó, có nhiều bạn, khởi nghiệp đơn giản chỉ là để kiếm sống, nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng chúng ta cũng rất mừng, có những bạn mang trong mình những khát vọng, những hoài bão vươn lên mạnh mẽ, khẳng định sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu từ quy mô rất bé, sau 10 - 20 năm đã trở thành những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam, có tầm ảnh hưởng đến khu vực như FPT, Trường Hải, Tôn Hoa Sen, Vietjet... Tôi tin rằng, với bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, với độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn và với quyết tâm hành động của Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân thì số lượng những doanh nghiệp có khả năng vươn lên và thành công ở cấp độ quốc gia và toàn cầu sẽ ngày càng nhiều trong thời gian tới.

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Theo tôi, mỗi con người có một con đường riêng để khởi nghiệp tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của mình. Theo tháp nhu cầu của Maslow, về căn bản nhu cầu của con người được chia làm hai nhóm chính: nhu cầu cơ bản và nhu cầu bậc cao. Vì vậy, nếu bạn đã đạt được nhu cầu cơ bản và có ý tưởng tốt thì bạn có thể khởi nghiệp với những tham vọng vươn lên cạnh tranh ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp để nuôi sống bản thân, tạo ra những việc làm mới cũng là điều rất có ý nghĩa.

Tuấn Ngọc (33 tuổi), Ba Đình Hà Nội: Theo ông, đâu là khó khăn vướng mắc của thanh niên khởi nghiệp hiện nay? Để đẩy mạnh triển khai Đề án 844, trong thời gian tới Trung ương Đoàn TNCSHCM sẽ có những hoạt động gì để khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thưa ông?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Ngoài những vướng mắc chung của cộng đồng khởi nghiệp về cơ chế chính sách, về hạ tầng, về nguồn nhân lực thì khó khăn lớn nhất mà các bạn trẻ đang gặp phải khi khởi nghiệp là thiếu đam mê và sự kiên trì. Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, các bạn tràn đầy hy vọng và nghĩ về kết quả như ở ngay trước mắt mình, dẫn đến không có một sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng, tâm thế cho một chặng đường thực ra là gian nan nhất trong quá trình lập nghiệp.

Triển khai đề án 844, Trung ương Đoàn đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ của mình để tham gia chương trình hệ sinh thái khởi nghiệp: xây dựng và vận hành các website, cổng thông tin hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; phát sóng chương trình khởi nghiệp quốc gia trên VTV1 và chỉ đạo các báo của Đoàn mở chuyên mục riêng về khởi nghiệp; hình thành các khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tại Trung ương Đoàn và các địa phương; tổ chức các cuộc thi để tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức nhiều khóa đào tạo, các buổi nói chuyện chuyên đề; kết nối với các quỹ đầu tư và tiến tới sẽ thành lập quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tham mưu cho Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (quyết định 1665/QĐ-TTg ngày 30.10.2017).

Hồ Hoàng Thái (32 tuổi), Đống Đa Hà Nội: Du lịch và ẩm thực là một trong số những thế mạnh của Việt Nam, vậy ông có thể cho biết số lượng khởi nghiệp và tỷ lệ thành công hiện nay?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Chúng tôi không có được con số chính xác về khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch và ẩm thực. Nếu nói riêng về khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này, dựa trên số lượng đăng ký tham gia Tech Fest cũng như cuộc thi tuyển chọn startup của Làng Công nghệ hỗ trợ Du lịch và Ẩm thực, qua các kênh kết nối, số lượng các startup đạt chất lượng không quá nhiều, khoảng trên dưới 50 startup đã định hình tốt về sản phẩm, khả năng thành công cao hoặc đã gọi được vốn thành công qua nhiều vòng. Tất nhiên, không kể các công ty đang khai thác trực tuyến từ rất nhiều năm nay. Các công ty khác vẫn còn rất non trẻ hoặc chưa định hình rõ về sản phẩm công nghệ.

Hoàng Anh (29 tuổi), Việt Trì: Các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có cơ hội gì khi tham dự Techfest 2017, thưa ông?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, đây là cơ hội để:

- Được tham gia một sự kiện lớn của quốc gia về khởi nghiệp ĐMST.

- Được giới thiệu, trình diễn sản phẩm, dịch vụ tới đông đảo người tham gia sự kiện (Dự kiến 4000 lượt người tham dự).

- Được tham gia kết nối đầu tư – cơ hội để nhận được khoản vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

- Được tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST – cơ hội cọ xát với hàng trăm doanh nghiệp khác và rèn luyện khả năng thuyết trình. Đồng thời, cơ hội đạt những giải thưởng có giá trị.

- Được gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả mọi thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, nói lên nhu cầu, nguyện vọng, cảm xúc... của mình về quá trình khởi nghiệp.

- Được tham gia những hội thảo, tọa đàm với diễn giả nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới...

Hoàng Thị Anh (38 tuổi), Sóc Sơn, Hà Nội: Cụm từ công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường còn khá mới lạ ở Việt Nam. Ông có thể cho độc giả biết rõ hơn về điều này?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn : Thưa bạn Anh, thực tế hiện nay trên thế giới, cụm từ này cũng vẫn còn mới lạ. Về bản chất, các hình ảnh đồ họa 3D được tạo ra bởi máy tính đều là Thực tế ảo (VR), các sản phẩm đó đã có hàng chục năm nay. Ở thời điểm này, các thiết bị kính thực tế ảo đã đại trà hơn, giúp người xem hòa nhập được vào trong môi trường ảo đó, tương tác với không gian nhân tạo và có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau nên được nhiều người biết đến hơn. Thực tế ảo tăng cường (AR) là bước phát triển tiếp theo từ VR nhằm đưa các hình ảo do máy tính tạo ra “thoát khỏi màn hình” hòa vào chính môi trường thực mà người dùng đang nhìn thấy. Với AR người dùng không mất đi cảm nhận với môi trường thực xung quanh mà họ còn có thể tương tác luôn với các thực thể ảo được máy tính “tăng cường” vào giúp trải nghiệm và học hỏi nhanh hơn.

Tuấn Anh (26 tuổi), ĐH Mỏ địa chất: Nói đến đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp người ra thường nghĩ ngay đến những người trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm. Trung ương đoàn đã và đang có những hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST cho những người trẻ ở Việt Nam?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Trung ương Đoàn đã triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ rất sớm. Ngay từ năm 1994, Trung ương Đoàn đã vận động và thành lập Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam (nay là Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam), và thông qua Hội để kết nối, tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đến nay, Hội Doanh nhân trẻ đã phát triển rộng khắp trên khắp cả nước với 67 hội thành viên ở 63 tỉnh thành và 4 ngành kinh tế trọng điểm. Chúng tôi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua 4 hoạt động chủ yếu: tuyên truyền, vận động để thúc đẩy đam mê và tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ; đào tạo, tư vấn để trang bị kỹ năng, kiến thức cho các bạn trẻ có nhu cầu khởi nghiệp; thành lập hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia và các doanh nhân trẻ thành đạt để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên; kết nối với các quỹ đầu tư và các ngân hàng với các doanh nhân trẻ đã thành đạt để trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên.

Ngày 15.10.2016, Trung ương Đoàn đã khởi động chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình hướng đến 3 đối tượng là sinh viên, thanh niên nông thôn và doanh nhân trẻ, trong đó, khởi nghiệp sáng tạo là hướng hỗ trợ ưu tiên. Hiện nay, Trung ương Đoàn đã thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp làm đầu mối để triển khai chương trình này. Nếu bạn quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ cụ thể, có thể truy cập vào website "Thanhnienkhoinghiep.vn".

Phương Ngọc Anh (30 tuổi), Ba Đình Hà Nội: Ông có chia sẻ gì với những người làm khởi nghiệp, đặc biệt là thanh niên, giới trẻ?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa bạn Ngọc Anh, theo tôi các bạn trẻ đừng vội khởi nghiệp chỉ vì ý tưởng hay, hãy nhìn vào nhu cầu xã hội, vấn đề của con người và đưa ra giải pháp giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm của cải vật chất, tiết kiệm năng lượng thì sẽ dễ được đầu tư triển khai hơn.

Đào Thị Phương (30 tuổi), Đại học Ngoại ngữ Hà Nội: Bà có lời khuyên gì với các starup trẻ khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST?

Bà Thạch Lê Anh: Với các bạn trẻ, có thể chưa khởi nghiệp ngay thì nên tìm các công ty khởi nghiệp để làm việc, thậm chí chỉ là thực tập. Hoặc nếu bạn theo học ngành công nghệ thì hãy tìm những công ty lớn không cùng ngành mà làm việc, chẳng hạn trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng…

Ở đó, bạn có cơ hội tìm hiểu và có thể phát hiện ra những vấn đề mà các DN lớn này đang không giải quyết được. Nhưng với kiến thức về công nghệ, bạn có thể tìm ra giải pháp nào đó mà bạn cho là hữu hiệu, lúc đó bạn hãy khởi nghiệp với ý tưởng mà bạn phát hiện ra. Và theo tôi, tốt nhất khi có ý định khởi nghiệp thì bạn hãy tìm đến một tổ chức Thúc đẩy kinh doanh, đăng ký vào chương trình Huấn luyện tập trung (bootcamp), ở đó bạn được cung cấp vốn mồi và có cơ hội tiếp xúc với những doanh nhân đã thành công, họ sẽ dẫn dắt bạn và quan trọng hơn cả là bạn được họ giới thiệu Startup của bạn tới khách hàng cũng như nhà đầu tư tiềm năng.

Ngọc Long (47 tuổi), Cần Thơ: "Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” là chủ đề của Techfest 2017, vậy ông có thể cho biết những đặc điểm nổi bật của Techfest 2017 so với mọi năm là gì?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Chủ đề của TECHFEST 2017 là Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST – Ecosystem Connect. Nếu như năm 2016 được Chính phủ coi là năm Quốc gia khởi nghiệp, những hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái bắt đầu được hình thành, thì năm 2017 chúng tôi hướng tới việc kết nối, gắn kết các thành phần của hệ sinh thái, cả về mặt địa lý, lĩnh vực, ngành nghề và kết nối quốc tế. Do đó, TECHFEST 2017 được chia làm 07 lĩnh vực, bao gồm: cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục, công nghệ nông nghiệp, công nghệ du lịch và ẩm thực, công nghệ tiên phong, công nghệ tiềm năng. Các hoạt động hội thảo, tọa đàm, trình diễn sản phẩm, kết nối đầu tư đều được xây dựng xoay quanh 07 lĩnh vực như trên.

Đồng thời, với sự tham gia của các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lần đầu tiên có sự tham gia của thành phần doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập đoàn, công ty lớn, đây là cơ hội tăng cường sự gắn kết giữa các thành phần của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, ước tính với sự tham gia của hàng chục quỹ đầu tư trong và ngoài nước, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để kết nối, tăng cường trao đổi, phát triển cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Nguyễn Trung Quang (35 tuổi), Bình Định: Khởi nghiệp và khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, đầu tư. Ông có thể cho độc giả biết rõ hơn về các cơ chế, chính sách cũng cho hoạt động này? Ông có thể lấy một vài ví dụ cụ thể về những hoạt động Bộ KHCN đang triển khai trong lĩnh vực này?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Trước tháng 6.2017, hầu như chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan tới việc hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Đề án 844, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg là những nỗ lực đầu tiên của Chính phủ hỗ trợ phát triển loại hình doanh nghiệp này. Tháng 6.2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực vào 01.01.2018. Trong đó, lần đầu tiên đã quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo – hay là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, vấn đề về hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp này và quy định về quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Hiện tại, Bộ KHCN cũng đang tích cực, khẩn trương làm việc cùng Bộ KHĐT xây dựng các Nghị định hướng dẫn nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành Luật này, nhằm tạo lập một hành lang pháp lý làm nền tảng cho việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST.

Đồng thời, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 cũng được Quốc hội thông qua tháng 6 năm 2017 cũng có một số điểm liên quan tới khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có quy định về cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST. Chúng tôi cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn các nội dung này.

Về mặt cụ thể, Bộ KHCN được giao triển khai Đề án 844, tập trung vào 3 mảng lớn: đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, liên kết, gắn kết, tăng cường kết nối các chủ thể của hệ sinh thái và nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi phát triển khởi nghiệp ĐMST. Chúng tôi đã lựa chọn được 09 đơn vị triển khai các hoạt động của Đề án năm 2017 và đã tiến hành nhận hồ sơ đăng ký triển khai các hoạt động của Đề án năm 2018.

Quốc Huy (36 tuổi), Thái Nguyên: Một vài năm trở lại đây, hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp đang là một trong những hoạt động thu hút thế hệ trẻ được thể hiện năng lực, mong muốn của mình để phát triển khả năng phục vụ cộng đồng, phục vụ cuộc sống và xã hội tốt hơn. Trung ương Đoàn TNCSHCM cũng đã tổ chức chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2020. Xin ông cho độc giả biết rõ hơn về Chương trình này?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn chia sẻ và những suy nghĩ hết sức tích cực của bạn. Chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021 hướng đến 3 nhóm đối tượng: sinh viên, thanh niên nông thôn và doanh nhân trẻ với 5 nội dung: truyền thông về khởi nghiệp, tìm kiếm và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên, kiến nghị chính sách khởi nghiệp cho thanh niên.

Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình đã đạt được một số kết quả bước đầu: có 37 tỉnh, thành phố đã tham mưu UBND cấp tỉnh để ban hành chương của địa phương; đã thành lập được Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi Starup student's ideas; tổ chức hơn 30 hội thảo và sự kiện về khởi nghiệp, mời các diễn giả lớn như Jack Ma, CEO của Uber để giao lưu và truyền cảm hứng cho thanh niên; thành lập hội đồng chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp; phát sóng chương trình truyền hình khởi nghiệp quốc gia và kết nối được với hơn 10 quỹ đầu tư khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân... Bạn Huy có thể truy cập vào website "Thanhnienkhoinghiep.vn" để tìm hiểu thêm.

Hoàng Thị Lan (31 tuổi), Ngọc Thụy Gia Lâm: Bà có thể cho biết các bạn trẻ thường mắc những lỗi nào nhất trong quá trình khởi nghiệp tại Việt Nam, giải pháp cho vấn đề này là gì thưa bà?

Bà Thạch Lê Anh: Lỗi hay mắc nhất đó là không xác định được GIÁ TRỊ của sản phẩm hay dịch vụ mà mình đem lại là gì? Cho ai?. Do đó, các bạn hay sa đà vào việc xây sản phẩm, ít quan tâm đến khách hàng là ai? Liệu họ có thích sản phẩm hay dịch vụ của mình hay không? Nếu thích, họ có sẵn sàng trả tiền hay không?...

VSV đưa ra giải pháp cho vấn đề này bằng cách các nhà đầu tư đồng thời là các cố vấn cùng các nhóm làm việc liên tục trong 4 tháng để xác định mô hình kinh doanh có khả năng gọi được vốn đầu tư từ các Quỹ ĐTMH. Cụ thể, trong tháng đầu tiên, các bạn nói rõ mô hình kinh doanh mà các bạn đang thử nghiệm, VSV sau khi hiểu rõ sẽ cùng các bạn ngồi lại phân tích xem Giá trị mà Startup của bạn đem lại là NHỮNG gì cho NHỮNG ai. Nghĩa là trong tháng đầu tiên, các bạn đã phải xác định không chỉ một mô hình kiếm tiền, mà là rất nhiều mô hình kiếm tiền, sau đó 2 tháng tiếp theo đi thử nghiệm để xem mô hình nào được khách hàng chấp nhận và có khả năng nhân rộng ở các thị trường khác nhau. Tháng cuối cùng trong 4 tháng là tiếp xúc các nhà đầu tư, hiểu rõ KHẨU VỊ của từng Quỹ đầu tư, tập cách thuyết phục nhà đầu tư và cuối cùng là hiểu thấu đáo bản ĐIỀU KHOẢN ĐẦU TƯ để sẵn sàng nhận vốn trong Ngày Hội Đầu tư Demo Day.

Ngọc Anh (30 tuổi), Hà Nội: Dịch vụ 3D Matterport Showcase ứng dụng trong tiếp thị bất động sản đã gắn với thương hiệu của Holomia, nó đem lại những lợi ích gì cho chúng ta, thưa ông?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa bạn Anh, dịch vụ đó của chúng tôi là dùng máy chuyên dụng quét 3D để số hóa công trình thực thành không gian ảo, đưa lên mạng internet hoặc thiết bị di động, kính thực tế ảo cho người xem dễ dàng thăm quan địa điểm đó từ bất kỳ đâu mà không phải di chuyển ra đường.

Sau khi nghiên cứu và ứng dụng thành công cho marketing bất động sản, đầu năm 2017 chúng tôi đã lập Dự án “Cuốn từ điển thực tế ảo” nhằm số hóa các công trình văn hóa lịch sử để lưu giữ trên internet tránh cho các di sản đó bị tàn phá do thiên tai hay thời gian, môi trường. Đến nay, Holomia đã số hóa xong được hơn 30 di sản giúp cho người dân ở xa có thể thăm quan các di tích đó hoặc cho du khách thế giới có thể khảo sát trước khi tới Việt Nam. Trong năm 2017, chúng tôi dự kiến hoàn thiện 100 không gian. Sau đó, tiếp tục nghiên cứu và áp dụng triển khai theo quy mô lớn hơn. 

Lê Văn Tú (30 tuổi), Cầu Dậu, Hà Nội: Ông có thể kể về hành trình của VMCG đến với khởi nghiệp như thế nào? Tại sao ông lại chọn lĩnh vực tư vấn để lập nghiệp?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Thực tế chữ “Tư vấn” trong tên gọi của VMCG xuất phát từ định hướng của diễn đàn trực tuyến vietmanagement.com mà chúng tôi xây dựng từ thời du học ở Pháp 2003 - 2004 với mong muốn trở thành địa chỉ cung cấp tri thức, tư vấn về quản trị và đầu tư cho cộng đồng internet Việt Nam khi ấy còn non trẻ, thiếu nguồn tri thức tiếng Việt. Quan điểm tư vấn với triết lý chia sẻ ấy đã đi theo chúng tôi suốt 15 năm qua.

Cùng với những hoạt động của Alpha Books và Hanoi VIP School mà tôi cũng tham gia xây dựng từ những viên gạch đầu tiên, Viet Management lớn mạnh dần, hợp tác phối hợp với rất nhiều các đối tác, phát triển nền tảng tri thức của mình trên nhiều lĩnh vực, dần dần trở thành nhà đầu tư vào các công ty khác và nay là VMCG.

Đinh Anh Tuấn (34 tuổi), Hoàng Mai Hà Nội: Công nghệ thực tế ảo là 1 trong những công nghệ thuộc top tiên phong của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ở thế giới công nghệ thực tế ảo đang áp dụng rất mạnh ở các lĩnh vực là giải trí truyền thông, game, kiến trúc, giáo dục... Tuy nhiên, ở Việt Nam nó vẫn trong giai đoạn khởi đầu, ông đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển tại Việt Nam?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa anh Tuấn, theo tôi đánh giá, thực tế trên thế giới công nghệ này cũng còn mới, đang ở trong giai đoạn khởi đầu, điểm bùng phát có thể ở 3-5 năm nữa. Tuy nhiên, hệ sinh thái của họ hỗ trợ tốt hơn nên chúng ta được biết đến nhiều hơn. Ở giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu là kiến thức, chất xám thì thực tế ảo là cơ hội cho các startup Việt Nam hòa nhập với thế giới. Việt Nam chưa làm được thiết bị phần cứng nhưng hoàn toàn có khả năng làm các ứng dụng game, giáo dục, đào tạo nghề, du lịch, y tế… Đây cũng là hướng mà Holomia đang phát triển tại Việt Nam. 

Tuấn Ngọc (33 tuổi), Nam Định: Thưa bà Thạch Lê Anh, nhắc đến thung lũng Silicon, người ta nghĩ ngay đến trung tâm khởi nghiệp nổi tiếng của Mỹ, nơi gắn liền với những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Google, Apple, Facebook, Uber... Vậy, những yếu tố làm nên thành công của Thung lũng Silicon là gì?

Bà Thạch Lê Anh: Những yếu tố làm nên thành công của Thung lũng Silicon có thể được hiểu là một sự kết hợp hoàn hảo giữa những người giàu có và những người có khả năng nghiên cứu, sáng tạo. Tại Mỹ, nếu chỉ thiếu một trong hai yếu tố thì không thể tạo nên thành công đó được. Như ở Chicago có rất nhiều trường Đại học nổi tiếng và rất nhiều nhà khoa học nhưng ở đó không có Startup phát triển...

Đào Tuấn Anh (38 tuổi), Thái Bình: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Bộ KH&CN – đơn vị được giao chủ trì Đề án 844 trong việc khởi xướng, tiếp lửa và kết nối khởi nghiệp ĐMST? Tham gia sự kiện Techfest, bản thân cũng như công ty ông kỳ vọng điều gì?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Bộ KHCN đã không chỉ triển khai tốt Đề án 844 mà thành công theo tôi to lớn hơn là đã tham gia vào hệ sinh thái như một chủ thể bình đẳng và thân thiện với các chủ thể khác. Điều này rất đáng khâm phục và đáng trân trọng. Giữa chúng tôi hiện không tồn tại những khoảng cách rõ rệt. Lấy ví dụ trong công tác tổ chức Tech Fest sắp diễn ra, chúng tôi cùng phối hợp thực hiện rất suôn sẻ và đồng bộ. Nếu nhìn toàn cục thì sẽ thấy rõ sự thành công của Bộ KHCN trong cả vai trò dẫn dắt lẫn điều phối. VMCG mong muốn Tech Fest thực sự trở thành một mốc sự kiện thường niên mang tính quốc gia và quốc tế của cộng đồng khởi nghiệp công nghệ. Và, nói một cách ngắm gọn, VMCG hay bất kỳ một bên quan tâm nào khác tới hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, cũng có thể tìm thấy đủ những gì mình cần tại Tech Fest.

Lệ Giang (39 tuổi), Quán Thánh Hà Nội: Tôi đang có ý định thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thông tin như sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà đầu tư, kinh nghiệm khởi nghiệp thành công,… Vậy tôi cũng như các startup có thể tìm kiếm thông tin ở đâu, thưa ông?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Hiện tại trong cộng đồng khởi nghiệp có những kênh thông tin trên mạng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp như cộng đồng khởi nghiệp trên facebook - Launch - với trên 36,000 thành viên. Cũng có những tạp chí online có uy tín về khởi nghiệp trong khu vực như Techinasia, Echelon hay DealstreetAsia và hàng loạt các báo, tạp chí ở Việt Nam có chuyên mục riêng cho khởi nghiệp như Vnexpress, Tuổi Trẻ.

Riêng về các hỗ trợ của nhà nước, trên quy mô quốc gia, Văn phòng Đề án 844 là địa chỉ triển khai các hoạt động của Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm hiểu các thông tin về Đề án qua trang web của Đề án này. Sắp tới, Bộ KHCN cũng sẽ ra mắt Cổng thông tin hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi tổng hợp tất cả các dữ liệu về tình hình khởi nghiệp ĐMST trong nước nói chung và là nơi cập nhật các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp từ Chính phủ để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham khảo.

Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở các địa phương có thể tìm hiểu về các chương trình riêng hỗ trợ khởi nghiệp từ địa phương.

Thạch Tú (36 tuổi), Việt Trì Phú Thọ: Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói”, việc các startup tham gia Techfest 2017 có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động quảng bá du lịch cũng như thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, thưa ông? Ông có chia sẻ gì đối với các bạn trẻ đang ấp ủ khởi nghiệp trong lĩnh vực này?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Bản thân VMCG cũng đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực Du lịch và Ẩm thực, bao gồm cả công nghệ và phi công nghệ. Tháng 12 tới, một trong các công ty mà chúng tôi đầu tư cũng tổ chức sự kiện thường niên du lịch ẩm thực Food Fest với quy mô hàng chục nghìn người tại Sala City, quận 2, TP HCM. Vì vậy, chúng tôi cũng có nhiều trải nghiệm và góc nhìn riêng của mình. Đây là có thể coi là một trong những khu vực có thể ứng dụng được nhiều nhất các công nghệ hỗ trợ, nhất là công nghệ thông tin. Tuy nhiên cần thêm nhiều những ý tưởng mới, chỉ cần tìm kiếm và suy nghĩ về các giải pháp cho những bài toán cố hữu của ngành du lịch và ẩm thực là đã có rất nhiều ngách thị trường tiềm năng rồi. 

Lan Ngọc (24 tuổi), Đại học Hà Nội: Tôi thấy rằng, mô hình Thung lũng Silicon Valey là mẫu hình ươm tạo nổi tiếng, tuy nhiên, thực tế cho thấy, không hẳn tốt ở nơi này lại tốt ở nơi khác, đặc biệt phải tính đến đặc thù kinh tế xã hội, hệ thống chính sách của Việt Nam? Bà có bình luận gì về điều này?

Bà Thạch Lê Anh: Mô hình Thung lũng Silicon thực chất là mô hình kết hợp hoàn hảo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm với những ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá. Trong hơn 4 thập kỷ qua, chưa một quốc gia nào vượt được nước Mỹ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm để tạo ra các DN đem đến các sản phẩm công nghệ từ Internet, GPS, Email, I-phone, hay gần đây như Uber, AirBnB mô hình kinh tế chia sẻ… Và ngay cả việc ươm tạo và cung cấp vốn gieo mầm cho các Startup trong giai đoạn phát triển rất sớm (very early stage) thì cũng bắt nguồn từ Thung lũng Silicon. Và mô hình này cũng mới chỉ bắt đầu được chú ý từ năm 2006, khi mà các Quỹ ĐTMH thấy khó khăn khi tìm được những thương vụ đầu tư tốt. Mô hình ươm tạo này nhanh chóng được nhân rộng vào những năm 2010 vì tính hiệu quả trong việc thu hút vốn đầu tư. Do đó, lan nhanh sang các bang khác của nước Mỹ và thậm chí ra ngoài biên giới nước Mỹ, sang các châu lục khác và tới Châu Á tại Singapore là 2012, và Việt Nam là 2014.

Với một nền kinh tế như Việt Nam có tới 97% DN vừa và nhỏ thì việc thu hút nguồn vốn này là vô khả. Vì thế, chúng ta không thể chỉ nhìn vào hiện trạng chính sách hay đặc thù nền kinh tế mà quyết định có hay không theo mô hình Thung lũng Silicon. VSV là một bằng chứng cho thấy, nếu quyết tâm thay đổi, chúng ta hoàn toàn có thể làm được, chúng ta đã có những DN chỉ sau 4 tháng huấn luyện đã gọi được vốn hàng triệu USD từ các Quỹ ĐTMH nước ngoài. Và không chỉ các Quỹ nước ngoài đến với VSV mà các DN lớn của nước ngoài cũng đã ký hợp đồng cùng đầu tư với VSV như tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Đặc biệt, VSV đã đang đón nhận và đầu tư cho các Startup đến từ các nước Hàn Quốc, Singapore, Nga, Ireland, Philippines, Ấn Độ. Điều này cho thấy hệ thống chính sách của Việt Nam đang thay đổi theo chiều hướng tích cực để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như các Startup nước ngoài đến lập nghiệp và khai thác thị trường Việt Nam. Và tôi cũng hy vọng mô hình ươm tạo như VSV đang làm sẽ được nhân rộng, góp phần thay đổi tỷ lệ các DN vừa và nhỏ đang từ 97% sẽ xuống còn 70% và thay vào đó là 27% đến 30% là các Startup có khả năng niêm yết trên thị trường chứng khoán chỉ sau 5 đến 7 năm hoạt động.

Hoài Nam (35 tuổi), Khâm Thiên Đống Đa: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về kế hoạch triển khai đề án 844 của Bộ KHCN trong thời gian tới?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Đối với Bộ KHCN, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai Đề án 844 theo 3 hướng chủ đạo đã nói đến, bao gồm: nâng cao năng lực cho các chủ thể, tăng cường liên kết giữa các thành phần, đặc biệt là liên kết quốc tế và nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách.

Về đào tạo: Tăng cường đào tạo chuyên sâu và đào tạo gọi vốn (phát triển các Business Accelerator – tổ chức thúc đẩy kinh doanh) nhằm đạt tới mục tiêu là doanh nghiệp gọi được vốn. Tăng cường đào tạo cho cán bộ quản lý, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST để việc triển khai hỗ trợ được hiệu quả, đồng nhất trên cả nước. Tăng cường đào tạo cho nhà đầu tư, huấn luyện viên khởi nghiệp.

Về liên kết: Thành lập và phát triển các mạng lưới trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, bao gồm: mạng lưới tổ chức thúc đẩy kinh doanh, mạng lưới nhà đầu tư, quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST, mạng lưới truyền thông, sự kiện khởi nghiệp ĐMST, mạng lưới huấn luyện viên, cố vấn cho khởi nghiệp ĐMST. Mô hình mạng lưới sẽ hỗ trợ phát triển nâng cao năng lực và hoạt động cho các thành viên, tận dụng được nguồn lực có sẵn để phát triển khởi nghiệp ĐMST.

Về mặt cơ chế chính sách: Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, rà soát chính sách hiện tại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hiện tại, đồng thời có những chương trình, ưu đãi để phát triển khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là việc hình thành, giải thể doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới trong thủ tục hành chính, khơi thông thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST và hình thành cơ chế để Nhà nước sử dụng vốn ngân sách làm vốn mồi hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Thanh Nga (36 tuổi), Sóc Trăng: Tại Diễn đàn “Khởi nghiệp cùng Công nghệ Thông tin” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, bà đã khẳng định: “Không có nhà đầu tư startup không thể tồn tại”, tuy nhiên minh chứng hiện nay, nhiều satrup "sống khỏe" mà không cần đến các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư... thậm chí là hỗ trợ vốn mồi. Bà có thể trao đổi thêm về vấn đề này?

Bà Thạch Lê Anh: Đây là một câu hỏi rất thú vị để chúng ta có thể phân biệt được Startup hay chỉ là khởi nghiệp thông thường theo chu trình từ Nhỏ đến Vừa và Lớn. DN Startup cần phải gọi được vốn đầu tư để nhân rộng mô hình kinh doanh tại các thị trường khác nhau, bao phủ và chiếm lĩnh thị phần là nhiệm vụ mà Startup cần phải làm để tăng giá trị vốn hoá nhằm đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư và cho chính các thành viên sáng lập. Muốn làm được điều này, Startup cần ứng dụng công nghệ để giảm tối thiểu chi phí, giảm giá thành, thậm chí bằng không để phục vụ người dùng một cách hiệu quả nhất, và chỉ có như vậy mới thay thế được những sản phẩm đã có để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Do vậy Startup trong giai đoạn đầu không thể có lợi nhuận và thậm chí doanh thu cũng chỉ để chứng minh là mô hình kinh doanh có khách hàng chấp nhận.

Để có thể Startup, con đường duy nhất là phải gọi được VỐN ĐẦU TƯ đảm bảo có DÒNG TIỀN duy trì sự phát triển nhanh chóng. Và để startup thành công thì quá trình gọi vốn là liên tục, có những startup qua tới 7 lần gọi vốn mới đến IPO hoặc được các công ty lớn mua lại. Có thể lấy ví dụ như Facebook, sau 7 năm mới có doanh thu từ quảng cáo, thời gian trước đó hoàn toàn phát triển bằng nguồn vốn đầu tư. Cho đến nay Facebook đã có gần 2 tỷ người dùng mà không phải trả một đồng phí nào, DN này vẫn liên tục hoàn thiện, cải tiến nhiều tính năng giúp người dùng có những trải nghiệm thú vị hơn, do đó không ngừng thu hút số lượt người tham gia trong cộng đồng này. Cho đến nay, Facebook đã và đang thu được rất nhiều tiền vì đã trở thành một kênh bán hàng và quảng cáo đứng đầu thế giới mà không cần phải mở thêm bất kỳ chi nhánh tại bất kỳ quốc gia nào không trải thảm đỏ cho họ.

Như vậy, nếu DN không cần gọi đầu tư mà vẫn “sống khoẻ” thì chỉ là một DN tốt trong một thời gian nào đó, cho đến khi có một DN khác đang cạnh tranh, họ gọi được đầu tư đủ để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ với giá thấp hơn hoặc bằng không để chiếm lĩnh thị trường thì lúc đó có xoay cũng không kịp. Điển hình như mô hình Uber, gọi được vốn đầu tư lớn, triển khai rất nhanh chóng trên thị trường toàn cầu mà không một hãng taxi nào có thể đuổi kịp, Uber đã buộc các hãng taxi nội địa bị rơi vào thế cạnh tranh không cân bằng. Nếu may mắn, cũng có DN phát triển theo chu trình từ Nhỏ, Vừa đến Lớn (khoảng 5%), thì cũng phải mất chừng 20 thậm chí 30 năm thì mới chứng minh mô hình kinh doanh là thành công. Nhưng với Startup, quá trình này chỉ kéo dài từ 5 đến 7 năm.

Nguyễn Ngọc Tú (27 tuổi), Sơn La: Thưa ông Tuấn, ông có thể nói rõ hơn về phần mềm Holacare – một sản phẩm sử dụng công nghệ thực tế ảo có khả năng hỗ trợ bác sỹ toàn cầu giúp hội chẩn và chẩn đoán bệnh?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn : Holomia phát triển Holocare với mục tiêu cung cấp giải pháp kết nối người bệnh tới các bác sỹ toàn cầu giúp hội chẩn và chẩn đoán bệnh trên nền tảng hình ảnh 3D ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Không chỉ giúp bác sỹ có thể chẩn đoán từ xa, hội chẩn trực tiếp, phá vỡ khoảng cách về không gian, thời gian, Holocare còn giúp các bác sỹ học hỏi lẫn nhau, tích lũy được kiến thức nhanh hơn thay vì phải học lại từng bước mà người khác đã có kinh nghiệm trải qua. Tại Hội thảo IDEAS Show APEC tháng 7.2017 tại Đài Loan vừa qua, Holocare được vinh danh là “Dự án có giá trị để đầu tư nhất”. Đây là hội thảo thường niên về công nghệ dành riêng cho các startup khu vực Châu Á Thái Bình Dương với sự tham gia cố vấn của Diễn đàn Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).

Tuấn Thơ (35 tuổi), Cần Thơ: Thực tế, start-up là những doanh nghiệp rất mới, còn non trẻ và thường hoạt động trên những lĩnh vực nhiều khi chưa thịnh hành ở Việt Nam. Vì vậy, theo ông, hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tháo gỡ những khó khăn gì về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực…để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa bạn Thơ, theo tôi, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định rõ được những khó khăn mà đơn vị đang vướng phải để có những kiến nghị cụ thể; đồng thời, tự xây dựng hệ sinh thái riêng dựa trên nguồn lực của bản thân doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả của mình. Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp tôi là sử dụng công nghệ làm nền tảng phát triển, chúng tôi chỉ quan tâm đến cơ chế, chính sách trong nhân lực nội bộ, tiếp cận thị trường và hoạt động hướng tới người dùng cuối.

Nhật Huy (35 tuổi), Cầu Giấy Hà Nội: Trung ương Đoàn có cơ chế nào để quan tâm hỗ trợ đặc biệt hơn đối với thanh niên khởi nghiệp ở nông thôn không, thưa ông Tuấn?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Thanh niên nông thôn là một trong 3 đối tượng ưu tiên của chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021. Hiện nay, ngoài hỗ trợ về vốn (vốn 120 và vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội) hỗ trợ chuyển giao tiến bộ KH-KT trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, hỗ trợ đào tạo về quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, làm marketing, làm thương hiệu kết nối thị trường... thì Trung ương Đoàn sẽ quan tâm hỗ trợ các bạn thanh niên nông thôn tham gia các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ để tăng thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho các bạn thanh niên nông thôn khi khởi nghiệp.

Anh Thư (24 tuổi), Hoàn Kiếm Hà Nội: Hiện nay, cụm từ “khởi nghiệp” đã trở thành thông dụng. Thậm chí năm ngoái, 2016 đã được chính phủ chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp. Thực tế hiện nay cho thấy, việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp chính là tiền đề để Việt Nam đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Là một trong những start-up khá thành công, theo ông, yếu tố nào là cần thiết nhất để khởi nghiệp thành công, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Chào bạn Anh Thư, đối với tôi, yếu tố cần thiết nhất để khởi nghiệp thành công là bạn tìm được một đội nhóm cùng tầm nhìn để hợp tác vượt qua những khó khăn ban đầu. KHCN ở thời đại này rất dễ tìm kiếm, chỉ bằng năng lực của mỗi con người trong nhóm thì đã có thể hợp tác đi đến thành công.

Sanh Châu (30 tuổi), Hà Giang: Bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc lựa chọn được những startup tiềm năng để hỗ trợ, đầu tư, ươm tạo?

Bà Thạch Lê Anh: Chúng tôi khuyến khích các nhóm đăng ký online thông qua website của VSV như đã trình bày. Tiêu chí để lựa chọn chủ yếu nhìn vào đội nhóm và sản phẩm thử nghiệm. Đặc biệt là thành viên sáng lập chính có phải là người quyết chí, có khả năng lãnh đạo được đội nhóm hay không? Có khả năng vạch ra chiến lược và thực thi chiến lược đó hay không? Có cầu thị và trung thực hay không? Ý tưởng hay sản phẩm thử nghiệm có khả năng thu hút cộng đồng lớn người dùng hay không? Có giải quyết được vấn đề lớn (wicked problem) của xã hội hay không?...

Đỗ Thủy (34 tuổi), Hai Bà Trưng Hà Nội: Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Theo ông, đây có phải là điều kiện thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Chính phủ đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương cũng đã có những chuyển động hết sức tích cực. Cùng với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được QH thông qua và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, tôi tin rằng hoạt động khởi nghiệp trong thời gian tới sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa.

Tú Lệ (30 tuổi), Hà Giang: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải dựa trên một công nghệ mới, hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, hoặc xây dựng một phân khúc thị trường mới. Tức là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có gì đó khác biệt không chỉ với các doanh nghiệp ở trong nước, với tất cả các công ty trước đây và cả với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Vậy theo đánh giá của ông, năng lực đổi mới của các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam hiện đang ở mức nào, và khả năng hội nhập với xu thế của thế giới tới đâu?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Lợi thế của các Công ty Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam theo tôi chính là sự hiểu biết về thị trường trong nước với những đặc thù riêng. Nếu tập trung giải quyết các tồn tại của thị trường (market's pain) các startup sẽ có ngay cơ hội thử sai đối với các sản phẩm của mình và từ đó đạt được lợi thế của người dẫn đầu tại thị trường nhất định. Có nhiều sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới đạt được quy mô toàn cầu nhưng hầu hết đều chưa giải quyết được triệt để các tồn tại vốn có của thị trường. Đây chính là cơ hội của các Startup nội địa. Chính từ khả năng giải quyết các bài toán chi tiết và dần khái quát hóa, các startup Việt Nam lại có cơ hội để thâm nhập vào các thị trường bên ngoài.

Tú Anh (30 tuổi), Thanh Hóa: Theo bà, trong thời gian tới Nhà nước cần có chính sách gì để tập trung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST?

Bà Thạch Lê Anh: Theo quan điểm cá nhân tôi, chính sách của Chính phủ nên tập trung:

Thu hút các DN Vừa và Nhỏ và DN Công chúng, tạo điều kiện ưu đãi về thuế trong trường hợp các DN này đầu tư vào các Startup.

Khuyến khích thành lập Quỹ ĐTMH vốn gieo mầm bằng cách đối ứng vốn của Chính phủ và tư nhân thì mới nhanh chóng tạo ra nhiều Startup tiềm năng.

Sớm thành lập thị trường chứng khoán dành riêng cho Startup để các nhà đầu tư cá nhân và các Quỹ đầu tư mạo hiểm thoái vốn dễ dàng.

Đối với trường Đại học, cần hướng tới thành lập các Quỹ khởi nghiệp của trường để thu hút nguồn vốn từ các cựu học viên, gia đình các sinh viên, các nguồn ODA chứ không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách vốn đã rất hạn hẹp.

Và cuối cùng, đối với các tỉnh, thành phố, nên có đầu mối liên hệ trực tiếp với văn phòng 844 hoặc với VSV để được tư vấn và hỗ trợ trong công tác xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương để tránh lãng phí nguồn lực cũng như hiểu đúng bản chất về Hệ sinh thái thì mới có khả năng thu hút đầu tư cho địa phương mình.

Oanh Oanh (30 tuổi), Cà Mau: Trong quá trình khởi nghiệp VMCG đã gặp những khó khăn gì, ông đã giải quyết khó khăn đó như thế nào?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Cũng như các công ty khởi nghiệp, VMCG hay ban đầu là Viet Management, kể cả Alpha Books cũng vậy, đều gặp khó khăn về kinh nghiệm vận hành công ty, hiểu biết về thị trường, và tất nhiên là vấn đề vốn khi công ty chưa sinh lãi hoặc khi cần vốn cho tăng trưởng.

Ở thời điểm 2005 - 2010, khái niệm nhà đầu tư thiên thần (angel investor) hay khái niệm nhà cố vấn khởi nghiệp (mentor) đều chưa xuất hiện ở Việt Nam, và vì vậy hệ sinh thái khởi nghiệp cũng chưa rõ hình hài. Các startup khi đó chủ yếu là “tự bơi”, tự xoay xở. Khi cần tháo gỡ các vấn đề về tài chính, chúng tôi chủ yếu dựa vào các mối quan hệ đối tác để cân đối dòng thu và dòng chi. Khả năng tăng trưởng đột biến trong kinh doanh khi đó cũng khó khả thi, trừ khi dành tiền đầu tư vào Bất động sản hay Chứng khoán.

Thanh Long (29 tuổi), Sơn Tây: Để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thành công, theo ông các bên liên quan cần thể hiện vai trò ra sao? (Doanh nghiệp? Nhà nước? Nhà đầu tư?)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Đối với Doanh nghiệp, nếu là startup, cần tận dung tối đa sức mạnh cộng đồng, khẳng định lợi ích mà hệ sinh thái đem lại. Nếu là các doanh nghiệp trưởng thành, cần nhìn nhận đúng tác động lan truyền của nền tảng tri thức và công nghệ mà các startup đem lại cho toàn bộ nền kinh tế để từ đó có những hoạt động hỗ trợ, cố vấn, dìu dắt và có thể cả đầu tư cho các startup tiềm năng cũng như ủng hộ cho các tổ chức và các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (ecosystem builder).

Đối với Nhà nước, luôn khẳng định vai trò định hướng và tạo điều kiện (enabling) cho tất cả các hoạt động xây dựng và bồi đắp cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Triển khai nhanh chóng và ưu tiên số một cho tất cả các hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho hệ sinh thái. Kết nối và tận dụng mọi nguồn lực xã hội hoá để cùng phối hợp xây dựng và phát triển. Tôn vinh những đóp góp cộng đồng.

Đối với các Nhà đầu tư, cần tự học hỏi, tự phát triển các kỹ năng đầu tư cũng như quản lý vốn. Tham gia vào các mạng lưới kết nối nhà đầu tư cũng như các hoạt động của cộng đồng khởi nghiệp để tự làm mới mình và cùng nâng cấp cho mặt bằng hạ tầng kinh doanh chung. Thử sức trước ở những vai trò cố vấn (mentor), diễn giả (speaker)... để gia tăng tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, từ đó có góc nhìn đầy đủ trước khi có quyết định đầu tư.

Thanh Chương (36 tuổi), TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp cần có những thủ tục gì để có thể tham dự Techfest 2017? Khó khăn nhất của Ban tổ chức khi tổ chức Techfest 2017 là gì thưa ông?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Techfest 2017 là một sân chơi với nhiều mảng hoạt động, từ hội thảo, tọa đàm chia sẻ đến kết nối đầu tư, triển lãm sản phẩm, dịch vụ và cuộc thi khởi nghiệp. Để tham gia hội thảo, tọa đàm và tham quan khu triển lãm dịch vụ, sản phẩm khởi nghiệp, chỉ cần đăng ký thông qua trang điện tử www.techfest.vn hoặc đến trực tiếp tại địa điểm tổ chức sự kiện vào ngày 14-15.11 để đăng ký tham gia. Đối với doanh nghiệp mong muốn tham gia kết nối đầu tư, doanh nghiệp cần đăng ký hồ sơ thông qua www.investmatch.net và được các chuyên gia hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư phù hợp nhất.

Ngọc Thanh (19 tuổi), Đại học Vinh: Vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp đang là vấn đề được quan tâm tại Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Vậy bà có thể cho biết hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những thành tựu cụ thể nào thời gian qua thưa bà Thạch Lê Anh?

Bà Thạch Lê Anh: Trong thời gian qua, đã có khá nhiều các DN và cá nhân tham gia trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Một số giải pháp liên quan đến phương thức canh tác, nuôi trồng giúp giảm giá thành, tăng năng suất sản phẩm như sản phẩm của Hachi, sản phẩm của Mimosa Tech… Nhưng nguồn vốn ĐTMH cho các startup này còn rất hạn chế bởi tính rủi ro quá cao.

Nhận thấy những khó khăn của các DN Startup trong lĩnh vực nông nghiệp về nguồn vốn đầu tư còn thiếu. VSV đang chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư trên diện rộng cho các Startup trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án này có tên gọi “Liên kết các giải pháp để phát triển nông nghiệp” (Agriculture Solution Alliance gọi tắt là ASA), với tầm nhìn và mục đích biến NÔNG THÔN thành nơi ĐÁNG SỐNG, ĐÁNG LÀM VIỆC, ĐÁNG HƯỞNG THỤ. Dự án này sẽ kết hợp giữa những người làm nghề nông/ngư, những nhà khoa học và những người quản lý đầu tư để cho ra đời các Startup tiềm năng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư và tạo các kênh phân phối bán lẻ theo mô hình Farm Shop giúp cho người nông dân khai thác triệt để nguồn lợi ngay trên chính quê hương của mình mà không phải thông qua thương lái. Dự án đầu tư ASA thành công sẽ đem lại không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn giúp giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm di cư đến các thành phố lớn.
 
Đoàn Thanh Giang (28 tuổi), Cầu Giấy Hà Nội: Ông có kiến nghị, đề xuất gì để thúc đẩy, kết nối hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp DMST trong thời gian tới nói chung và việc triển khai Đề án 844 nói riêng?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Như đã nói ở trên, chúng tôi đề xuất Đề án 844 cũng như các chương trình tương tự có cơ chế mở hơn và nhanh hơn trong việc lựa chọn các dự án cộng đồng có yêu cầu hỗ trợ. Chủ động tìm kiếm các dự án hoặc các tổ chức đang hoạt động hiệu quả để đề xuất và hướng dẫn tham gia vì nhiều tổ chức hiệu quả còn thấy ngại khi yêu cầu hỗ trợ, nhất là khâu chuẩn bị hồ sơ.

Bản thân VMCG sắp tới cũng cùng với Alpha Books sẽ dịch và xuất bản những cuốn sách best-seller của thế giới mang tính nền tảng học thuật cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, ví dụ cuốn “Platform Revolution” ra mắt vào dịp Tech Fest 2017. Những dự án như vậy cũng rất cần được hỗ trợ.

Cần tăng cường thêm nhiều các cuộc gặp gỡ, giao lưu và tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạm gọi là khu vực tư nhân, để từ đó gia tăng hiệu quả phối hợp và triển khai các hoạt động hỗ trợ cũng như tạo điều kiện (enabling).

Có thể dễ dàng tạo một kênh thông tin trực tuyến qua các công nghệ hiện nay để thường xuyên trao đổi và cập nhật thông tin từ xa với cộng đồng khởi nghiệp.

Bắc Giang (30 tuổi), Bắc Ninh: Khi làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhắn nhủ “Thanh niên phải đi đầu trong khởi nghiệp". Trung ương Đoàn đã có những hành động gì để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, đặc biệt giúp thanh niên khởi nghiệp gắn với ĐMST góp phần giải quyết các vấn đề của địa phương, đơn vị. Hiện đã có quỹ nào để hỗ trợ hoạt động này không, thưa ông?

Bí thư BCH Trung ương ĐoànNguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND thành phố thành lập quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh với vốn điều lệ là 100 tỷ. Thành đoàn Hà Nội cũng đang tham mưu với UBND TP Hà Nội để thành lập quỹ. Trung ương Đoàn cũng đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, hiện đang huy động nguồn lực xã hội từ cộng đồng doanh nghiệp để sớm hình thành và đưa vào hoạt động quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các bạn thanh niên ở nông thôn có thể tiếp cận nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120) và vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua đoàn thanh niên ở cở sở để phát triển kinh tế.

Yến Nhi (19 tuổi), Hà Nội: Đã có rất nhiều tấm gương khởi nghiệp, thành công có, thất bại có, ông có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ làm khởi nghiệp ĐMST, ngoài việc cần có văn hóa chấp nhận thất bại?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Văn hóa thất bại dường như chưa phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, để có thể khởi nghiệp thành công, trước hết doanh nhân khởi nghiệp phải không sợ thất bại vì đường đến thành công thực sự rất gian nan. Các thống kê cho thấy khoảng 80% số doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại trong vòng 3 năm kể từ khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng các bạn trẻ không nên chùn bước khi gặp thất bại. Rất nhiều doanh nhân trước khi đến với thành công với 1 doanh nghiệp thì cũng đã thất bại với vài ba doanh nghiệp khác. Ngoài ra, các bạn không nên coi thất bại là dấu chấm hết mà nên coi đó là sự trải nghiệm, trưởng thành và tiếp tục trên con đường khởi nghiệp của mình.

Tú Thanh (30 tuổi), Nam Định: Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, cộng thêm tác động tất yếu của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có năng lực cạnh tranh quốc tế, khu vực và không ngừng đổi mới. Theo đó, ở góc độ là cơ quan theo dõi năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo, Ông nhận thấy chất lượng và sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề này như thế nào?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Trong một vài năm gần đây, Việt Nam có chỉ số đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện rõ rệt. Đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh một số các công ty, tập đoàn có những công nghệ và khả năng cạnh tranh trên quốc tế cao như FPT, Viettel... thì đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp này cần tích cực đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ ĐMST mới có thể hòa nhập và tham gia và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủy Lê (34 tuổi), Hà Nội: Được biết, dấu ấn của Techfest Viet Nam 2017 sắp tới là sẽ chứng kiến sự ra đời của Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây sẽ nơi cung cấp các thông tin về: công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn nhân lực, nguồn đầu tư, đối tác, khách hàng, doanh nghiệp khởi nghiệp, các hoạt động, cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Vậy, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của Cổng thông tin này đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới ?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa bạn Thủy Lê, theo tôi Cổng thông tin này sẽ là nơi tập trung kiến thức, kinh nghiệm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội hợp tác, có cái nhìn bao quát hơn về sản phẩm của mình đang phát triển. Đối với tôi, đây là cơ hội để gặp gỡ các startup cùng ngành nghề để cùng chia sẻ kiến thức mới.

Đỗ Tú (30 tuổi), 30 Tây Sơn Hà Nội: Theo ông, khi khởi nghiệp thì trình độ nguồn nhân lực hay tài chính có tính chất quyết định thành công?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Chắc chắn là trình độ và phẩm chất của nhóm sáng lập là yếu tố quyết định của các công ty khởi nghiệp. Thiếu trình độ thì có được giao tài chính cũng rất khó để sử dụng hiệu quả. Thiếu những phẩm chất cần thiết thì rủi ro cho nhà đầu tư cũng rất lớn. Tuy nhiên cũng phải khẳng định thêm là trình độ hay tài chính vẫn chưa đủ làm bệ phóng tốt cho các startup mà rất cần một hệ sinh thái hoàn chỉnh để giảm thiểu được những khoảng trống kinh nghiệm và hiểu biết của các startup cũng như gia tăng thêm nguồn lực và nguồn vốn mạnh mẽ cho khởi nghiệp sáng tạo. Từ đó tối đa hoá được hiệu quả của từng cá thể startup và tạo lòng tin vững chắc cho cộng đồng.

Cẩm Anh (30 tuổi), Phú Thọ: Thực tế, có rất nhiều quỹ hay dự án hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được lập ra nhưng tiếp cận rất khó, thủ tục xin hỗ trợ, thậm chí xin vay vốn ưu đãi cũng rất khó. Theo bà, đâu là nguyên nhân?

Bà Thạch Lê Anh: Tôi chưa hiểu bạn đang đề cập đến quỹ cụ thể nào? Nhưng nếu là một quỹ của Nhà nước thì đúng là thủ tục khá phức tạp. Bởi vì theo các cơ chế tài chính cũ, chưa có các hướng dẫn cho một mô hình mới. Còn đối với các quỹ tư nhân, thì thủ tục đơn giản hơn. Ví dụ như quỹ của VSV, các bạn chỉ cần đăng ký hồ sơ online, thậm chí chưa trả lời đủ các câu hỏi thì bên chúng tôi đã cử người liên hệ hỗ trợ bạn trả lời để giúp hội đồng đánh giá hiểu rõ hơn về Startup của bạn. Nếu nhóm của bạn và ý tưởng đạt điểm từ trung bình trở lên thì sẽ được mời phỏng vấn trực tiếp. Qua vòng phỏng vấn này, hội đồng đầu tư sẽ quyết định đầu tư nếu cảm thấy ý tưởng của bạn phù hợp.

Tú Trinh (20 tuổi), Phú Thọ: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Bộ KHCN – đơn vị được giao chủ trì Đề án 844- trong việc khởi xướng, tiếp lửa và kết nối khởi nghiệp ĐMST? Tham gia sự kiện Techfest, bản thân cũng như công ty ông kỳ vọng điều gì?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Chào bạn Tú Trinh, tôi cảm thấy cơ chế của Bộ KHCN đã cởi mở cho phép các tổ chức và hội nhóm xã hội góp ý, xây dựng theo nhu cầu thực tế. Với vai trò chủ trì, tôi mong Bộ có sự sắp xếp tổ chức kết nối được các startup phù hợp lại với nhau chặt chẽ hơn để cùng hợp lực tạo ra sản phẩm ngày một giá trị hơn. Trong tương lai, tôi hy vọng Bộ KHCN có định hướng, cách làm cụ thể hỗ trợ trực tiếp cho các startup mũi nhọn, đầu tàu và có tiềm năng để thực sự giúp cho các đơn vị đó triển khai thực tế được tốt hơn.

Thanh Ngọc (35 tuổi), Nam Đồng Hà Nội: Theo ông, trong thời gian tới Nhà nước cần có chính sách gì để tập trung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST? Vai trò của Bộ KHCN, các bộ, ngành, Trung ương Đoàn,… trong hoạt động này như thế nào?

Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích: Mặc dù chúng ta đã chứng kiến những thành công nổi bật trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia trong một vài năm vừa qua, đồng thời chứng kiến sự tham gia tích cực của nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, còn rất nhiều chính sách chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng, ví dụ như: ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thiên thần; tạo cơ sở pháp lý cho nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), cơ chế visa đặc thù để thu hút nhà đầu tư, doanh nhân khởi nghiệp nước ngoài đến Việt Nam v.v… Ngoài ra, rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa Bộ KHCN với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương để có thể thống nhất và chia sẻ nguồn lực giữa các Đề án hỗ trợ khởi nghiệp ở các cấp, ngành và tổ chức.

Tiến Trịnh (32 tuổi), Hà Giang: Thưa ông, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, để phát triển đất nước nhanh và bền vững cần dựa vào KHCN. Vậy, việc kết nối hệ sinh thái Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam khi đưa các sản phẩm của mình tiếp cận với các nhà đầu tư thế giới?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa bạn Trịnh, việc làm này có thể tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có cái nhìn bao quát hơn về hệ sinh thái của chúng ta và chọn lựa đầu tư vào các doanh nghiệp phù hợp; đồng thời, cũng để các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam nhìn thấy rõ tính thực tế của sản phẩm đang xây dựng trong thị trường như thế nào.

Thạch Anh Thơ (28 tuổi), Nam Định: Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tập trung vào những vấn đề gì để hỗ trợ các starup?

Bà Thạch Lê Anh: Đề án này tập trung vào 3 vấn đề chính: Thứ nhất, nâng cao năng lực khởi nghiệp ĐMST cho các nhóm cá nhân có ý tưởng xây dựng thành DN có khả năng gọi vốn ĐTMH và giải quyết các vấn đề lớn mà xã hội đang quan tâm. Thứ hai, nâng cao năng lực cho các nhà đầu tư tiềm năng và các DN muốn thành lập quỹ đầu tư cho Startup, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư gieo mầm cho các DN Startup. Thứ ba, kết nối các quỹ ĐTMH tại Thung lũng SIlicon và tại các nước phát triển nhờ công nghệ như: Hàn Quốc, Singapore, Isarel... Mục đích của việc kết nối này giúp cho Startup Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế và nhận biết được xu hướng công nghệ trên thế giới.

Giang Thanh (30 tuổi), Hà Tĩnh: Các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều bắt đầu các hoạt động tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gắn liền đối với ĐMST. Hiện nay, con số start-up của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, và để hướng tới trở thành một quốc gia khởi nghiệp như mục tiêu của chính phủ đặt ra thì với tư cách là một nhà doanh nghiệp, theo ông, Việt Nam cần phải có ngay những giải pháp gì tăng số lượng start-up gắn với đổi mới sáng tạo của mình?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang: Đây là thời điểm khởi đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Mọi việc vẫn còn ở phía trướC. Số lượng không nói lên điều gì mà ở thời điểm này chất lượng mới là quan trọng.

Chúng ta cần những câu chuyện thành công thực sự trong 2 - 3 năm tới. Vậy nhiệm vụ chung của hệ sinh thái là tìm ra được những startup chất lượng và tập trung thúc đẩy hỗ trợ để đạt được thành công bằng mọi giá.

Thùy Linh (34 tuổi), Mai Động Hà Nội: Các Startup khó có thể tạo ra giá trị, lợi nhuận trong 1 thời gian, họ rất cần các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo bà, cần thay đổi cơ chế, chính sách hướng dẫn hay khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này như thế nào để tạo thuận lợi cho các starup?

Bà Thạch Lê Anh: Ý kiến của bạn rất đúng. Startup khó có thể tạo ra giá trị, lợi nhuận trong một thời gian. Đặc biệt trong giai đoạn đầu, Startup cần phải có nguồn vốn đầu tư để duy trì và phát triển DN của mình.

Ở Việt Nam, các khoản đầu tư thiên thần và quỹ ĐTMH giai đoạn đầu rất hạn chế. Chúng tôi đã có đề xuất chính sách khuyến khích các cá nhân khi đầu tư cho Startup sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, các hoạt động vinh danh nhà đầu tư thiên thần; khuyến khích các DN lớn, vừa và nhỏ thành lập quỹ đầu tư cho Startup sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, đặc biệt là về thuế.

Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp với mục đích tạo môi trường thuận lợi để loại hình ĐTMH có thể phát triển. Lúc đó, các Startup sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận nguồn vốn này.

Tuấn Cường (36 tuổi), Mai Động Hà Nội: Trong nhiệm kỳ mới 2017-2022 sắp tới, các cấp bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu hỗ trợ vay vốn 10.000 tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế, hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên... Con số này liệu có khả thi không thưa ông? Trung ương Đoàn sẽ làm thế nào để thực hiện điều đó?

Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Các chỉ tiêu này được tính toán trên cơ sở nhu cầu của thanh niên, kết quả của nhiệm kỳ 2012 - 2017, khả năng của các cấp bộ đoàn và cơ chế kết nối với các bộ ngành, địa phương. Chúng tôi dự kiến sẽ trình ra Đại hội Đoàn toàn quốc tổ chức vào tháng 12 tới để thông qua và tổ chức thực hiện. Bạn có thể nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội Đoàn toàn quốc để tìm hiểu về các giải pháp mà Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ thực hiện. (Dự thảo báo cáo được đăng tải toàn văn trên Thanhnien.vn, Tienphong.vn, Tuoitre.vn). Trung ương Đoàn rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, hiến kế của bạn để tổ chức tốt Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 cũng như triển khai thành công các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra cho 5 năm tới.

Nguyễn Tuấn (30 tuổi), Hai Bà Trưng Hà Nội: Yếu tố nào cần nhất để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể để có thể thuyết phục được nhà đầu tư?

Bà Thạch Lê Anh: Như tôi vừa trả lời ở trên, yếu tố cần nhất để thuyết phục nhà đầu tư là bạn phải xác định được mô hình kinh doanh có khả năng nhân rộng để tăng giá trị vốn hóa cho nhà đầu tư.

Anh Quân (30 tuổi), Bắc Giang: Nhiều ý kiến cho rằng, để huy động vốn thực hiện giấc mơ của mình, các công ty khởi nghiệp hầu hết chỉ có thể huy động vốn theo cách truyền thống từ gia đình, người thân mà chưa biết cách kêu gọi các nhà đầu tư?

Bà Thạch Lê Anh: Thông thường khi khởi nghiệp sẽ huy động nguồn vốn từ bạn bè, gia đình, người thân, tức là rất truyền thống. Tuy nhiên, nguồn lực này là hữu hạn, vì thế các Startup cần phải qua một quá trình huấn luyện tập trung ít nhất là 4 tháng để xác định được mô hình kinh doanh có khả năng nhân rộng trên các thị trường khác nhau để tăng giá trị vốn hóa của DN nhằm đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Lúc đó mới có thể kêu gọi được các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ ĐTMH đầu tư cho Startup của mình.

Nguyễn Thanh (20 tuổi), Hoàng Mai Hà Nội: Định hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Thưa bạn Thanh, thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng đội ngũ để hoàn thiện các sản phẩm, tìm cơ hội đưa sản phẩm tiếp cận ra thế giới, khẳng định tri thức sáng tạo của người Việt trong xu hướng phát triển toàn cầu.

Thế Anh (20 tuổi), Thanh Trì: Ông có kiến nghị, đề xuất gì để thúc đẩy, kết nối hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới nói chung và việc triển khai Đề án 844 nói riêng?

Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn: Để thúc đẩy, kết nối hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp ĐMST, tôi có kiến nghị lập thêm các sân chơi thực sự, do các nhà đầu tư thực sự đứng ra kiểm định, đánh giá để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, kết nối các hoạt động thực chất hơn. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp và nhà đầu tư được đẩy lên cao hơn.

ĐBND