Giao lưu trực tuyến “Vì môi trường không khói thuốc”

- Thứ Năm, 05/11/2015, 11:59 - Chia sẻ
(ĐBNDO) – Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khoảng 40.000 người tử vong tại Việt Nam hàng năm và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm. Hút thuốc lá tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người là hiển hiện. Không ngoa để nói rằng, thuốc lá là kẻ giết người thầm lặng.

Để góp phần thông tin sâu rộng về phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng môi trường sống, làm việc trong lành, văn minh, Báo Điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức Giao lưu trực tuyến “Vì môi trường không khói thuốc”.

Các khách mời tham gia giao lưu gồm:

Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Thụ - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó chủ tịch công đoàn VPQH; ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Giao lưu cũng nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc về những tác hại do thuốc lá mang lại đối với sức khỏe con người; truyền tải những quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó, có các biện pháp xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Đặc biệt, việc triển khai các hoạt động này tại cơ quan Văn phòng Quốc hội…


Phó tổng biên tập Báo ĐBND Nguyễn Quốc Thắng; Trưởng Ban Trị sự, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Báo ĐBND Trần Thị Lan; Phó chủ tịch Công đoàn cơ quan VPQH Bùi Lê Minh chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời tham gia giao lưu
Ảnh: Duy Thông

Nội dung buổi giao lưu:

Ngọc Bảo (40 tuổi), Thanh Hóa: Thưa ông Nguyễn Tuấn Lâm, mặc dù có các quy định về khu vực cấm hút thuốc nhưng tình trạng vi phạm vẫn cứ xảy ra. Theo Ông đâu là nguyên nhân của việc “nhờn” quy định này?

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Theo tôi có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tuân thủ chưa tốt và vi phạm còn nhiều. Thứ nhất là do sự nhận thức, tự giác thực hiện quy định của công chúng còn hạn chế. Thứ hai là mức độ thực thi của các cơ quan có thẩm quyền còn nhiều bất cập.

Hà Khanh (40 tuổi), Hải Phòng: Thưa ông Thụ, vì một môi trường không khói thuốc lá, đồng thời để phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức không hút thuốc tại nơi làm việc. Công tác này đã được thực hiện như thế nào tại Văn phòng Quốc hội, thưa Ông?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ : Xin cảm ơn bạn đã quan tâm và có câu hỏi rất hay đối với VPQH- là cơ quan tham mưu, tổng hợp, phục vụ QH trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngay từ khi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trình QH, VPQH đã được giới thiệu nội dung của dự thảo luật, trong đó có xây dựng nội dung về môi trường không khói thuốc. Sau khi Luật được QH ban hành, VPQH đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá do đồng chí Phó chủ nhiệm VPQH làm trưởng ban với sự tham gia của các vụ, cục, đơn vị và các tổ chức chính trị xã hội (Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Đoàn thanh niên...). Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá hàng năm với các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường truyền thông về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc. Việc tuyên truyền được thực hiện trên Báo Đại biểu nhân dân, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Mạng nội bộ, Tờ tin nội bộ và các Hội nghị truyền thông đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong văn phòng.

Thứ hai, xây dựng môi trường không khói thuốc lá thông qua các hoạt động: tập huấn cho các bộ công chức, người lao động của văn phòng, hướng dẫn các tiêu chí về VPQH không khói thuốc lá; xây dựng quy chế cơ quan trong đó có nội dung về phòng, chống tác hại thuốc lá và xây dựng cơ quan VPQH không khói thuốc; treo biển cấm hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm (trong nhà), thực hiện theo dõi, kiểm tra.

Thứ ba, nâng cao năng lực phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ chủ chốt trong đơn vị, người trực tiếp tham gia chỉ đạo các hoạt động: tập huấn, tham quan học tập mô hình xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc tại các đơn vị bạn.

Nguyễn Hải An (35 tuổi), Nam Định: Thưa Ông Tiêm, triển khai phòng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, công đoàn các cấp thời gian qua đã có những hoạt động cụ thể như thế nào?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Các cấp công đoàn luôn coi trọng công tác tuyên truyền Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong công nhân viên chức lao động và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của hoạt động công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ sức khỏe người lao động.


Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm đang giao lưu cùng bạn đọc
Ảnh: Duy Thông

Từ khi có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành hai hướng dẫn đến các cấp công đoàn để tuyên truyền triển khai thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Trong đó, tập trung thành lập, củng cố các Ban chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt các cấp công đoàn, đội ngũ báo cáo viên, hướng dẫn các bước xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Đến nay, Tổng liên đoàn đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hội thảo, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo Lao động, báo Người lao động, báo Lao động thủ đô và các tập chí, website trong hệ thống công đoàn. Đồng thời, in ấn và phát hành hàng chục ngàn tờ gấp, tài liệu tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá cấp phát xuống cho cơ sở.

Bên cạnh đó, Tổng liên đoàn còn hướng dẫn việc xây dựng môi trường không khói thuốc gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, hướng dẫn các cấp công đoàn đưa tiêu chí không hút thuốc lá nơi làm việc vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.

Phạm Phương Thảo (39 tuổi), Gia Lai: Thưa ông Thụ, để bảo đảm quyền của người lao động được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá, Đảng ủy, Công đoàn VPQH đang gặp phải những khó khăn gì trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức không hút thuốc lá, thưa ông?


Phó bí thư TT Đảng ủy, Phó chủ tịch Công đoàn VPQH Nguyễn Đức Thụ đang giao lưu cùng bạn đọc
Ảnh: Duy Thông

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ: Nhìn chung việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường VPQH không khói thuốc không gặp khó khăn gì lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhất là giai đoạn đầu sau khi Luật vừa ban hành, việc tuân thủ của một số cán bộ, công chức chưa được đầy đủ, việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa nhịp nhàng; đôi khi vẫn còn cán bộ, khách đến làm việc tại VPQH có hút thuốc. Nhưng sau đó mọi hoạt động được rút kinh nghiệm và được điều chỉnh. Theo đó, mọi việc đã đi vào nề nếp và việc tuân thủ luật hiện nay đã rất tốt.

Thanh Lan (34 tuổi), Hải Phòng: Xin hỏi bác Vũ Mạnh Tiêm, được biết, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ cán bộ công đoàn, người lao động. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hoạt động này cũng như một số kết quả bước đầu?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm : Trong những năm vừa qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức 26 cuộc hội thảo cho cán bộ, công đoàn chủ chốt, cán bộ làm công tác tuyên giáo công đoàn, đội ngũ báo cáo viên về những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, những bệnh tật do thuốc lá gây ra và sự cần thiết phải xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Trong đó, hướng dẫn cụ thể các bước cần tiến hành trong việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; cấp phát hàng chục ngàn biển báo cấm hút thuốc giúp cho cơ sở triển khai đến công nhân lao động. Kết quả, đã có 78/83 đầu mối thành lập ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá của Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương. Hầu hết các đơn vị đều xây dựng kế hoạch, triển khai ký cam kết thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc. Rất nhiều ngành, địa phương đã đưa tiêu chí không hút thuốc lá nơi làm việc vào nội quy, quy chế, gắn với thi đua ở đơn vị mình để công nhân, viên chức, lao động thực hiện. Đến nay, đã có 62% số công đoàn cơ sở trong cả nước triển khai xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc.

Các cấp công đoàn đã tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho hơn 1,3 triệu lượt công nhân, viên chức, lao động. Đặc biệt, đã có trên 35 nghìn công nhân, viên chức, lao động bỏ thuốc lá và hàng chục nghìn công nhân, viên chức, lao động giảm hút thuốc.

Đức Trọng (47 tuổi), Hà Nam: Xin hỏi ông Nguyễn Tuấn Lâm, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có người hút thuốc nhiều trên thế giới. Ở góc độ chuyên gia, Ông đánh giá vấn đề này như thế nào và tại sao những người hút thuốc khó bỏ được thuốc lá?


TS- BS Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đang giao lưu cùng bạn đọc
Ảnh: Duy Thông

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao trên thế giới. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, chúng ta may mắn có tỷ lệ hút thuốc nữ giới là rất thấp. Điều này cho thấy hai khía cạnh, chúng ta phải làm sao giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới, đồng thời duy trì tỷ lệ hút thuốc thấp ở nữ giới. Việc giảm tỷ lệ hút thuốc cho cả hai giới là rất khó khăn vì lý do cơ bản là tính gây nghiện của nicotin rất mạnh và dai dẳng. Chính vì vậy, để giảm tỷ lệ hút thuốc thì Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần thực hiện đồng thời nhiều nhóm giải pháp khác nhau gọi tắt là nhóm 6 biện pháp MPOWER, trong đó bao gồm: 1M- Theo dõi tỷ lệ hút thuốc; 2P- Bảo vệ khỏi phơi nhiễm khói thuốc thụ động; 3O- Cung cấp, hỗ trợ cai thuốc lá; 4W- Cảnh báo và truyền thông về tác hại thuốc lá; 5E- Thực thi cấm quảng cáo khuyến mại tài trợ thuốc lá; 6R- Tăng thuế thuốc lá. 

Cũng cần nói thêm rằng, đa số các nước khi nền kinh tế phát triển thì có xu hướng nữ giới hút thuốc nhiều lên, đồng thời các tập đoàn, công ty thuốc lá vẫn luôn có những quảng cáo, thiết kế sản phẩm nhắm tới việc thu hút phụ nữ hút thuốc. Vì vậy, ở Việt Nam cần hết sức cảnh giác với xu hướng này. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần tăng cường các biện pháp thực thi tốt quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá.

Trần Thị Hà (30 tuổi), Hà Nam: Thưa ông Nguyễn Đức Thụ, cơ quan tôi có mấy đồng chí còn trẻ nhưng nghiện thuốc. Các anh làm chung phòng làm việc nhiều khi hút thuốc ở tại trong phòng khi bọn tôi đi vắng. Có cách nào xử lý các cá nhân ấy không, thưa ông?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ: Trường hợp như bạn nói có nghĩa là không bắt được quả tang cán bộ trẻ hút thuốc lá trong phòng thì phương pháp tốt nhất là anh chị trong cùng phòng trao đổi trực tiếp với người nghiện thuốc lá cùng làm việc trong phòng của bạn trên cơ sở tình cảm bạn bè cùng cơ quan. Nếu như bắt gặp người hút đang hút thuốc lá, bạn có thể báo ngay cho thủ trưởng cơ quan lập biên bản và xử phạt theo quy định tại Nghị định số 176 của Chính phủ (phạt từ 100.000 - 300.000 đồng/ một lần vi phạm).

Trần Anh Khoa (36 tuổi), TP Hồ Chí Minh: Xin hỏi ông Lâm, hiện nay các chiến dịch truyền thông để giảm thiểu số người hút thuốc lá, tăng kiến thức người dân biết tác hại của thuốc lá theo ông đã hiệu quả chưa? Nếu còn khó khăn, vướng mắc thì nguyên nhân do đâu?

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Các chiến dịch truyền thông để giảm thiểu số người hút thuốc lá, tăng kiến thức người dân biết tác hại của thuốc lá theo tôi đã có những kết quả bước đầu, thể hiện ở chỗ: tỷ lệ người dân biết về tác hại thuốc lá là khá cao. Tuy nhiên từ việc hiểu biết đến hành động vẫn còn một khoảng cách lớn. Điều này chứng tỏ truyền thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Để truyền thông hiệu quả, theo tôi cần 1 nguồn kinh phí lớn và sự vào cuộc đồng thời của các cơ quan, đoàn thể từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó phải sử dụng đồng thời nhiều loại hình, kênh truyền thông khác nhau. Hơn nữa việc truyền thông phải được sự hỗ trợ của các cơ quan thực thi pháp luật, khi đó các quy định pháp luật mới đi vào cuộc sống và mới phát huy được hiệu quả là giảm vi phạm hút thuốc nơi công cộng, nơi làm việc, về lâu dài sẽ giúp giảm số người hút thuốc.


Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nguồn: suckhoedoisong.vn

Đinh Hoàng Anh (44 tuổi), Thái Thụy, Thái Bình: Xin hỏi ông Nguyễn Đức Thụ, với tinh thần đảng viên luôn phải đi trước gương mẫu cho tổ chức quần chúng, trong cuộc vận động này, cấp ủy đã quán triệt tinh thần không hút thuốc lá như thế nào đối với mỗi cán bộ, đảng viên?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ: Để trả lời câu hỏi này, trước tiên tôi muốn khẳng định Luật không cấm người dân hút thuốc lá mà tập trung quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua các hoạt động giảm nhu cầu, giảm nguồn cung, bảo đảm điều kiện thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vì vậy, các hoạt động tập trung vào công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, khuyến khích người hút thuốc lá giảm hút, bỏ hút và những người chưa hút thì không hút; hướng dẫn mọi người không được hút thuốc lá trong nhà tại nơi làm việc (nếu cần thì họ hút ở nơi không có quy định cấm- ngoài trời). Cấp ủy đã quán triệt đối với tất cả các Đảng bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc để tập trung chỉ đạo thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó cấp ủy và đảng viên là người phải gương mẫu, đi đầu thực hiện các quy định của luật. Bên cạnh đó, còn theo dõi, nhắc nhở cán bộ, công chức thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trần Hà Anh (29 tuổi), Hà Nội: Bác Thụ ơi! Cháu vào làm việc với một số đơn vị của VPQH vẫn thấy mọi người hút thuốc ở hành lang và cười nói vui vẻ. Vậy trường hợp như vậy có vi phạm quy định cấm hút thuốc không? Họ có bị xử lý kỷ luật không?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ: Rất cảm ơn câu hỏi của bạn. Hành vi đó là vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và quy chế của cơ quan. Hành vi này sẽ được Ban chỉ đạo, các vụ, cục chức năng theo dõi, tổng hợp để trừ điểm thi đua của cá nhân vi phạm, tập thể có người vi phạm vào cuối năm.

Phạm Bích Ngọc (26 tuổi), Gia Lâm, TP Hà Nội: Tôi xin hỏi chuyên gia Nguyễn Tuấn Lâm, ở góc nhìn chuyên gia tại sao nói hút thuốc lá là tử thần của "cộng đồng"?

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Tôi không đồng ý với cách nói của bạn và tôi cũng ít nghe thấy câu này, tuy nhiên tôi hiểu rằng bạn muốn hỏi về tác hại của thuốc lá như thế nào. Tôi xin tóm tắt các tác hại chính như sau:

Theo các tổng kết khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới, hút thuốc gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm khác nhau, có thể xếp vào 4 nhóm chính: Thứ nhất là nhóm các bệnh ung thư, hút thuốc gây ra 11 loại ung thư khác nhau bao gồm các cơ quan như thanh, khí, phế quản, miệng, họng, hầu và các cơ quan tiêu hóa, thận, tiết niệu. Trong đó điển hình nhất của ung thư do thuốc lá gây ra là ung thư phế quản, phổi. Đây là một trong những loại ung thư thường gặp nhất đồng thời cũng là loại ung thư chủ yếu do hút thuốc gây ra. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới thì từ 75 tới 90% các ca ung thư phổi là do hút thuốc gây ra. Nhóm thứ hai là các bệnh tim, mạch bao gồm bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Ước tính khoảng 25% các bệnh tim mạch là do hút thuốc gây ra. Và cơ chế là hút thuốc gây ra sơ vữa mạch máu. Nhóm thứ ba là các bệnh về đường hô hấp. Hay gặp nhất là viêm đường hô hấp cấp và mãn và Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Theo khảo sát của Bệnh viện phổi trung ương, ước tính trên 3% dân số trưởng thành bị mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khoảng 75% các trường hợp Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do hút thuốc gây ra. Nhóm thứ tư là các ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và sinh dục ở cả nam và nữ. Ở nam giới, hút thuốc gây giảm khả năng sinh dục, bất lực, giảm chất lượng tinh trùng và tăng tỷ lệ các tinh trùng biến dị. Ở nữ giới, hút thuốc gây khó thụ thai, xảy thai, thai lưu, trẻ sơ sinh nhẹ cân và ảnh hưởng tới phát triển của thai nhi. Ngoài ra hút thuốc gây ra các bệnh răng miệng, hôi miệng, môi thâm và các nếp nhăn sớm, ảnh hưởng tới ngoại hình.

Lê Thị Trâm Anh (30 tuổi), TP Bắc Giang: Tôi xin hỏi ông Nguyễn Đức Thụ, trong VPQH có nên quy định xử phạt đối với các phòng, ban có khói thuốc không? Nếu có thì việc xử phạt như thế nào và ai sẽ là người kiểm tra, xử phạt?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ : Nếu như hút thuốc lá trong nhà, phòng tại nơi làm việc thì nên có quy định xử phạt đối với người hút và trưởng phòng, ban để cán bộ hút thuốc lá trong nhà, phòng. Mức xử phạt hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định 176 của Chính phủ; người có trách nhiệm kiểm tra và đề nghị xử phạt là Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản trị, Phòng bảo vệ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt là Chủ nhiệm VPQH.

Nguyễn Hoàng Mạnh (36 tuổi), manhhoanga@gmail.com: Xin hỏi ông Tiêm, xin ông cho biết những lợi ích trong việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá? Và để xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, công đoàn các cấp cần có các giải pháp gì?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Thứ nhất, lợi ích trong việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc là tạo môi trường làm việc trong lành; bảo đảm quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí không khói thuốc; giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do khói thuốc lá gây ra. Môi trường làm việc không khói thuốc là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc (tránh hút thuốc lá thụ động).

Thứ hai, môi trường làm việc không khói thuốc sẽ hạn chế các nguy cơ cháy nổ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà do việc hút thuốc gây ra, giảm bớt những chi phí trong vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.

Thứ ba, môi trường làm việc không khói thuốc sẽ góp phần tạo nếp sống văn minh công sở, tạo cho người lao động có tinh thần sảng khoái trong công việc và năng suất lao động được nâng cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc sẽ giúp cho những người còn đang hút thuốc có quyết tâm để bỏ thuốc lá và giảm hút thuốc.


Ảnh: Duy Thông

Để xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, các cấp công đoàn cần quan tâm: Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai thực hiện, lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Đồng thời, căn cứ vào các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các chính sách của nhà nước về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá để xây dựng nội quy, quy chế triển khai rộng rãi, thu hút công nhân, viên chức lao động tích cực hưởng ứng, tham gia. Các cấp công đoàn cần thành lập ban chỉ đạo độc lập hoặc lồng ghép, đồng thời xây dựng nội quy, quy chế phân công trách nhiệm các thành viên trong ban chỉ đạo. Khảo sát, đánh giá thực trạng những đối tượng còn hút thuốc lá ở cơ quan, đơn vị mình. Triển khai các hoạt động tuyên truyền như tờ gấp, bản tin, áp phích, các video clip… nhằm cung cấp các thông tin về tác hại của thuốc lá, nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và sự cần thiết phải xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc đến công nhân, viên chức lao động. Thông qua Hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động để người lao động dân chủ tham gia và ký cam kết thực hiện. Trong đó, có việc động viên khen thưởng, xử phạt những trường hợp vi phạm. Triển khai hệ thống biển báo cấm hút thuốc lá tại phòng họp, phòng làm việc, hội trường, hành lang của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, gắn kết việc giao ước thi đua giữa các phòng ban, các tổ trong việc thực thi, xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động giám sát, đánh giá, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích.

Lý Hoàng Mạnh (45 tuổi), Yên Bái: Thưa ông Lâm, theo nhận định của ông, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung, tại công sở nói riêng thì cần phải có giải pháp gì?

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Để thực thi hiệu quả phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo gói 6 biện pháp hiệu quả MPOWER mà tôi đã nói ở trên. Tôi xin đề xuất chi tiết hơn về việc thực thi quy định cấm hút thuốc nơi công sở. Đặc điểm của các cơ quan công sở là vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng, vì vậy khi người đứng đầu gương mẫu thực hiện và có các biện pháp triển khai quy định của Luật một cách nghiêm túc thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao. Tôi đã được biết, hiện nay có rất nhiều công sở thực thi rất tốt quy định cấm hút thuốc. Đặc điểm chung của các cơ quan này là họ có ban hành quy chế nội bộ, có gắn nhiều biển “Cấm hút thuốc” ở những nơi dễ quan sát, có phân công người chịu trách nhiệm thực thi, nhắc nhở, giám sát và báo cáo về tình hình tuân thủ quy định cấm hút thuốc nơi công sở. Có các biện pháp khuyến khích người thực hiện tốt và xử phạt những người vi phạm như: trừ thi đua, cắt thưởng hoặc các biện pháp phạt tiền nội bộ.


Ảnh minh họa - Nguồn: ITN

Trần Văn Quang (36 tuổi), TP Phủ Lý-Hà Nam: Xin hỏi ông Vũ Mạnh Tiêm, được biết ông là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông nghĩ sao khi trong cơ quan của ông vẫn còn nhiều người hút thuốc tại nơi làm việc?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Hiện nay, ở Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn còn một số người hút thuốc lá. Đó là một số đồng chí lái xe, bảo vệ và ở các phòng ban. Đây là điều không mong muốn. Như chúng ta đã biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tập trung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và thực thi xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Bản thân luật không chống lại người hút thuốc. Do đó, trách nhiệm của Ban chỉ đạo là tiếp tục tuyên truyền, vận động để những người còn hút thuốc, trong đó có các trường hợp tại Tổng liên đoàn, nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Từ đó, yêu cầu họ hút thuốc lá đúng nơi quy định của cơ quan và từng bước giảm hút và bỏ hút thuốc lá. Tôi nghĩ, đây là công việc hết sức khó khăn bởi với những người hút thuốc khi đã nghiện thì rất khó bỏ. Chính vì thế, công đoàn cần kiên trì động viên họ và người hút thuốc cũng cần có quyết tâm thì sẽ có thể bỏ hút thuốc lá.

Nguyễn Tiến (20 tuổi), Hải Phòng: Thưa bác Thụ! Tại sao thuốc lá có hại như vậy mà Nhà nước vẫn cho sản xuất và nhập khẩu? Tại sao không cấm hút thuốc luôn mà chỉ cấm ở những nơi công cộng ?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ: Xin cảm ơn bạn đã quan tâm. Mỗi người đều có quyền quyết định không hút thuốc hay hút thuốc. Đó là vấn đề quyền con người, vì vậy hầu hết các nước trong đó có Việt Nam đều vẫn sản xuất, nhập khẩu thuốc lá và người hút thuốc lá chỉ được hút tại nơi không có quy định cấm.

Hà Linh Thư (41 tuổi), Hà Nội: Xin hỏi ông Thụ, tuyên truyền, vận động không hút thuốc lá là biện pháp chủ yếu mà tổ chức công đoàn thường áp dụng đối với người lao động. Tuy nhiên, biện pháp được xem là tích cực hơn là đưa vi phạm hút thuốc lá nơi làm việc vào trong quy chế thi đua hàng năm của người lao động. Theo ông biện pháp này có nên áp dụng hay không? Để cụ thể hóa biện pháp này sẽ như thế nào?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ : Việc đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào quy chế của cơ quan là rất cần thiết, vấn đề này đã được quy định trong luật. Trong thực tế, VPQH đã xây dựng quy chế, các hành vi vi phạm sẽ bị trừ điểm đánh giá thi đua cuối năm của từng đơn vị. Vấn đề này nên áp dụng rộng rãi, đồng thời phải gắn với việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định tại Nghị định số 176 của Chính phủ về xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.


Ảnh: Duy Thông

Nguyễn Tiến Đạt (40 tuổi), Đan Phượng- Hà Nội: Tôi xin hỏi ông Nguyễn Đức Thụ, biển báo cấm hút thuốc được gắn tại những địa điểm dễ quan sát của phòng làm việc, phòng họp, lối đi để mọi người thực hiện. Nhưng tại sao trong VPQH vẫn có những thùng gạt tàn để tại các cửa phòng họp, thưa ông?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ : Xin cảm ơn bạn đã quan tâm. Tại hành lang của VPQH có đặt các thùng rác để đựng rác thải chung chứ không phải dành cho người hút thuốc lá.

Lê Thanh Thảo (42 tuổi), thaothanhhuy@yahoo.com: Thưa ông Nguyễn Tuấn Lâm, kinh phí cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng, theo Ông, với kinh phí hiện tại có bảo đảm được việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nơi công sở không, thưa ông?

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Trước đây Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức quốc tế. Nguồn này là rất quý, tuy nhiên lượng tài trợ là khá hạn chế và không ổn định. Rất may là từ khi có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời thì đã có quy định thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây là một nguồn kinh phí bền vững và rất quý báu đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam. Nếu hoạt động của Quỹ có thể được bảo đảm lâu dài thì có thể nói Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu kinh phí về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Hiện nay Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, hơn 1 năm. Vì vậy, phạm vi hoạt động và các tác động mang lại vẫn còn ở mức khiêm tốn. Điều này cũng dễ hiểu vì rất cần có thời gian để tăng cường năng lực của tất cả các tỉnh và các cơ quan đoàn thể để có thể sử dụng một cách hiệu quả nguồn kinh phí này. Tôi hy vọng rằng, trong những năm tới, các hoạt động phòng, chống tác thuốc lá từ nguồn kinh phí của Quỹ sẽ được đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc.

Phùng Hoàng Ngọc (29 tuổi), lenanguyen@gmail.com: Xin hỏi ông Vũ Mạnh Tiêm, thực tế ở cơ quan tôi vẫn có người hút thuốc lá không đúng nơi quy định, mặc dù được anh em nhắc nhở. Dường như, các hoạt động phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá mới chỉ tập trung vào phòng, chống thuốc lá lậu, thuốc lá giả mà chưa tập trung xử lý các hành vi vi phạm của người hút thuốc?


Ảnh: Duy Thông

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Hiện nay, ở các cơ quan, đơn vị, việc thực thi, xử phạt những người hút thuốc lá không đúng nơi quy định chưa thực hiện nghiêm. Nghị định 176 của Chính phủ quy định: xử phạt từ 100.000đ đến 300.000đ đối với những trường hợp hút thuốc không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trong thực tế còn rất nhiều khó khăn. Bởi vì, lực lượng xử phạt theo quy định của pháp luật còn hạn chế cả về số lượng và năng lực, cơ chế xử phạt cũng rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá đã là văn hóa tiêu dùng quá lâu của người Việt Nam. Thực tế rất nhiều ngành, địa phương đã xây dựng quy chế thưởng phạt nội bộ và được thông qua tập thể người lao động, trở thành quy định bắt buộc đối với công nhân, viên chức, lao động. Nhiều ngành đã thực hiện xử phạt việc công nhân, lao động hút thuốc lá không đúng nơi quy định 200.000/ lượt như công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam, Công đoàn ngành Xây dựng tỉnh Hải Dương. Một số công ty đã áp dụng xử phạt cao hơn như Công ty may Bình Dương xử phạt 1 triệu đồng đối với trường hợp hút thuốc lá không đúng nơi quy định, công ty Cổ phần Bao bì Bình Thuận đã xử phạt bằng hình thức buộc thôi việc đối với những trường hợp hút thuốc lá không đúng nơi quy định… Trong thời gian tới, các cơ quan đơn vị tùy theo điều kiện thực tế, Ban chỉ đạo cần thống nhất với chuyên môn để triển khai thực thi xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc hiệu quả hơn, vận dụng việc tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt từng trường hợp theo quy định của pháp luật và của đơn vị. Hướng đến tạo môi trường làm việc trong lành, không khói thuốc, góp phần đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào cuộc sống. Công tác phòng, chống thuốc lá lậu là trách nhiệm của các ngành chức năng như công an, hải quan, biên phòng.

Tuệ An (33 tuổi), Kiên Giang: Thưa ông Nguyễn Đức Thụ, Đảng ủy và công đoàn VPQH đã có những chính sách như thế nào trong việc tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tiếp cận dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá? Đặc biệt, VPQH có tính đến việc khen thưởng các cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá hay không, thưa ông?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ: Để tạo điều kiện cho cán bộ công chức, người lao động VPQH tiếp cận với dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá, VPQH đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, tư vấn về tác hại của thuốc lá và cung cấp một số địa chỉ về tư vấn, cai nghiện thuốc lá để người hút thuốc lá tiếp cận và cai nghiện (trung tâm cai nghiện tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, Hà Nội...)

Vũ Minh Trang (28 tuổi), Hạ Hòa- Phú Thọ: Tôi xin hỏi ông Tiêm, theo ông có nên lập một địa điểm riêng để hút thuốc tại cơ quan như các phòng hút thuốc tại sân bay không?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều người hút thuốc lá. Kết quả khảo sát của tỉnh Đắk Lắk cho thấy, vẫn còn tới 13 nghìn công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh này hút thuốc lá. Do đó, thực tế các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dành riêng địa điểm cho người hút thuốc là cần thiết và phù hợp với điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, địa điểm hút thuốc phải bảo đảm yêu cầu theo quy định như thông thoáng, bảo đảm phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật. Việc dành riêng địa điểm cho người hút lá vừa tạo điều kiện cho người hút khi họ chưa thể bỏ hút thuốc, đồng thời bảo đảm môi trường trong lành cho những người xung quan, tránh hút thuốc lá thụ động, người hút thuốc lá phải đến nơi hút thuốc lá theo quy định cũng tạo điều kiện để họ từng bước giảm và bỏ thuốc.

Bá Thăng (52 tuổi), Hà Nội: Xin hỏi ông Lâm, nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa cao là do các quy định pháp luật chưa có tính khả thi, trong đó có quy định về các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Ảnh: Duy Thông

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Tôi đồng ý với bạn rằng hiệu quả thực thi hiện nay còn chưa cao, nhưng tôi không đồng ý với vế sau nói rằng quy định pháp luật là chưa phù hợp. Các quy định về trách nhiệm người đứng đầu và về thẩm quyền xử phạt trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đã được thiết kế khá chặt chẽ và phù hợp. Đã có các điều khoản quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi các quy định về cấm hút thuốc, đồng thời đã giao thẩm quyền xử phạt cho rất nhiều cá nhân và đơn vị bao gồm thanh tra y tế và các thanh tra chuyên ngành khác, Chủ tịch UBND các cấp và công an, cảnh sát. 

Tuy nhiên, mấu chốt là các cơ quan có trách nhiệm chưa quan tâm thực thi một cách đúng mức các quy định của pháp luật. Nếu các cơ quan có thẩm quyền thường xuyên thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các đơn vị vi phạm một cách nghiêm túc theo quy định của Luật và Nghị định thì chắc chắn rằng mức độ tuân thủ sẽ rất cao. Ví dụ như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã được thực thi rất nghiêm túc.

Hồ Thăng Nguyên (50 tuổi), nguyenanhthang26@gmail.com: Như ông Vũ Mạnh Tiêm chia sẻ, công đoàn các cấp đã vận động được rất nhiều đoàn viên công đoàn bỏ thuốc và nhiều Liên đoàn lao động các tỉnh, thành đã ký cam kết xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá. Tôi muốn hỏi, làm thế nào để duy trì các thành quả này một cách bền vững, vì rất nhiều trường hợp bỏ thuốc một thời gian lại hút lại, thưa ông?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Đây chính là mục tiêu của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá các cấp. Để duy trì các kết quả một cách bền vững theo tôi, cần lưu ý một số vấn đề sau: Thường xuyên tuyên truyền, cập nhật thông tin về tác hại của thuốc lá và những chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá đến với người lao động, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về sự ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe và sự cần thiết phải xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, từ đó, chuyển đổi hành vi của họ. Ban chỉ đạo nắm chắc những đối tượng còn hút thuốc để có kế hoạch giúp họ cai nghiện, giảm hút và bỏ hút. Duy trì hiệu quả của môi trường làm việc không khói thuốc theo quy định của điều 11, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát; đồng thời bổ sung xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về tiêu chí không hút thuốc nơi làm việc gắn với việc xây dựng cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Để đạt được hiệu quả, rất cần sự ủng hộ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và sự hưởng ứng của đông đảo công nhân viên chức lao động, trong đó công tác thi đua khen thưởng, xử phạt là hết thức cần thiết.

Bùi Văn Hùng (30 tuổi), Hải Hậu- Nam Định: Xin hỏi chuyên gia Nguyễn Tuấn Lâm, theo đại diện của Tổ chức y tế thế giới nhận định, nếu thực hiện đầy đủ Luật kiểm soát thuốc lá và thực hiện tăng thuế thuốc lá lên gấp đôi thì có thể cứu được 16.000 sinh mạng khỏi tử vong do thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam. Con số này căn cứ vào đâu, thưa chuyên gia?

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Hiện nay ước tính mỗi năm có 40.000 ca tử vong sớm do bệnh tật gây ra bởi thuốc lá. Nếu thực hiện việc tăng thuế thuốc lá gấp đôi và các biện pháp khác như khuyến cáo trong gói 6 biện pháp MPOWER của Tổ chức Y tế thế giới thì sẽ giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc và thông qua đó sẽ giúp giảm được số tử vong do thuốc lá trong tương lai như con số mà bạn đã nêu trong câu hỏi.


Chia sẻ kinh nghiệm cai thuốc lá ở Hong Kong - tại lễ khai trương "Phòng - Tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí"
Ảnh: Thanh Bình

Lê Nguyễn Trần (45 tuổi), Hà Nam: Thưa bác Tiêm, công đoàn có vai trò như thế nào trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá? Tại sao có nhiều công đoàn tốt nhưng vẫn có nhiều người hút thuốc ở ngay nơi làm việc?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Công đoàn với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, trong đó việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho người lao động là rất cần thiết. Với tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường, các cấp công đoàn cần tuyên truyền sâu rộng trong công nhân, viên chức, lao động để không có người hút mới và những người còn hút thì giảm và dẫn đến bỏ hút. Đồng thời, công đoàn triển khai hiệu quả môi trường làm việc không khói thuốc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc bạn nêu một số nơi làm việc chưa thực hiện nghiêm là trách nhiệm của công đoàn cơ sở, Tổng liên đoàn sẽ chỉ đạo và đôn đốc kiểm tra.

Trần Mai Lam (28 tuổi), Yên Mỹ- Hải Hưng: Tôi xin hỏi ông Nguyễn Đức Thụ, được biết VPQH đã rất chủ động trong việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm này tại cơ quan của mình?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ: Trước tiên thủ trưởng cơ quan phải quan tâm thành lập Ban chỉ đạo, lồng ghép quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong quy chế của cơ quan; hàng năm phải xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; hàng tháng phải kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử phạt đối với các hành vi vi phạm hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm. Cuối năm chúng tôi đều tổng kết, đánh giá, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Lê Thị Thơm (28 tuổi), Hà Nội: Xin hỏi anh Nguyễn Tuấn Lâm, tại sao thuốc lá có hại đến sức khỏe như vậy mà nhiều người vẫn nghiện hút? Nhà nước vẫn sản xuất và cho nhập khẩu thuốc lá?

ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm: Thứ nhất, tại sao nhiều người biết về tác hại thuốc lá nhưng vẫn nghiện. Lý do là phần lớn những người nghiện thuốc lá đã bắt đầu hút thuốc từ khi rất trẻ, khi họ chưa có khả năng nhận thức một cách đầy đủ về tác hại của thuốc lá và cũng chưa đủ chín chắn để cân nhắc về những hành vi có hại của mình. Khi những người hút thuốc đã cảm nhận được tác hại của thuốc lá thì họ lại đã bị lệ thuộc vào nicotin, bị nghiện. Khi đó bỏ thuốc sẽ vô cùng khó khăn. Trong các cuộc khảo sát nghiên cứu cho thấy đại đa số những người nghiện thuốc lá đều nói rằng họ lấy làm tiếc vì đã bắt đầu hút thuốc và khi đã nghiện thì họ chịu rất nhiều tác động có hại của thuốc lá đối với sức khỏe và nhiều phiền toái trong cuộc sống nhưng vẫn không bỏ được thuốc lá. 

Thứ hai, tại sao Nhà nước vẫn sản xuất và cho nhập khẩu thuốc lá. Như đã nói ở trên, nicotin là chất gây nghiện rất mạnh và hiện nay số lượng người nghiện thuốc lá là rất lớn, ước tính trên 15 triệu người ở Việt Nam. Nếu như không có nguồn cung cấp thuốc lá hợp pháp cho những người này thì họ sẽ tìm đến những nguồn cung cấp bất hợp pháp khác, bao gồm thuốc lá nhập lậu từ các nước khác và các hình thức sản xuất thuốc lá nhỏ lẻ, không theo quy định pháp luật. Với mức độ giao thương giữa các nước rất lớn như hiện nay và với số người nghiện thuốc lá quá lớn thì sẽ không khả thi để ngăn chặn các nguồn cung cấp lậu nêu trên. Chính vì vậy Nhà nước vẫn phải tiếp tục sản xuất và cho nhập khẩu thuốc lá. Nhưng đồng thời Nhà nước cũng ban hành quy định pháp luật và tiến hành truyền thông và các biện pháp khác nhằm giảm số người hút thuốc. Đây cũng là cách tiếp cận của các quốc gia khác trên thế giới.


Tuổi trẻ Đà Nẵng hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc.
Nguồn: suckhoedoisong.vn

Nguyễn Thị Ánh Hồng (30 tuổi), TP Cần Thơ: Tôi xin hỏi ông Vũ Mạnh Tiêm, theo ông làm thế nào để vận động, tuyên truyền, tư vấn để hạn chế những người không hút thuốc lá tại nơi công sở cũng như trong gia đình được hiệu quả?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Đây là vấn đề phong phú và phức tạp. Để đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, cần có những thông tin đủ mạnh bằng hình ảnh trực quan như việc hút thu ốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi, ung thư vòm họng, tim mạch, huyết áp… và những ngưởi sử dụng thuốc lá sẽ giảm tuổi thọ từ 8 – 23 năm. Qua đó, người hút thuốc nhận thức được hết tác hại của thuốc lá, từ đó có ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân và có kế hoạch từ bỏ thuốc lá. Bên cạnh đó, cần sử dụng những người đã bỏ thuốc thành công để tuyên truyền vận động, dùng người thân thiết (vợ, người yêu, bố mẹ…) để động viên, chia sẻ, thuyết phục người hút thuốc bỏ thuốc.

Vũ Diệp Anh (37 tuổi), Thái Nguyên: Thưa ông Thụ, từ kinh nghiệm sau các cuộc vận động cán bộ, công chức không hút thuốc lá, ông có đề xuất gì để công tác này đạt hiệu quả hơn nữa, nhằm hướng tới một môi trường không có khói thuốc lá?

Phó bí thư TT Đảng ủy VPQH Nguyễn Đức Thụ: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Để hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đạt hiệu quả tốt hơn. Theo tôi cần chú trọng một số hoạt động sau: Thứ nhất, gắn cuộc vận động xây dựng môi trường không khói thuốc với việc phát động phong trào thi đua hàng năm của chính quyền, công đoàn, trong đó đảng viên là nòng cốt. Thứ hai, kiên trì thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc gắn với việc đánh giá khen thưởng. Thứ ba, kiên quyết trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm, vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

ĐBND: Sau hơn hai năm triển khai, việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan, đơn vị, nơi làm việc đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật còn vô vàn khó khăn như: thực hiện chế tài xử phạt chưa quyết liệt, do đó sự răn đe chưa đủ mạnh; nhận thức về tác hại thuốc lá của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động còn hời hợt, xem nhẹ…

Để xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá cần được đặt lên hàng đầu; xây dựng và nhân rộng mô hình cơ quan, đơn vị, công đoàn cơ sở không khói thuốc lá. Quan trọng hơn, cần gắn xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc với tiêu chí thi đua, khen thưởng của đơn vị, doanh nghiệp.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đã nhận được nhiều câu hỏi hay, thẳng thắn của bạn đọc gửi tới các vị khách mời. Vì thời gian dành cho giao lưu trực tuyến có giới hạn, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân xin trân trọng cảm ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp theo.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm: Thay mặt các khách mời, chân thành cảm ơn bạn đọc của Báo điện tử Đại biểu Nhân dân.

ĐBND