Giáo viên thích ứng, chủ động vượt khó

- Thứ Ba, 27/10/2020, 17:35 - Chia sẻ
Để thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, trong 2 tháng triển khai, các nhà trường, giáo viên đã sáng tạo, chủ động lựa chọn kiến thức để dạy học, phân loại đối tượng học sinh để kèm cặp...

Phân loại đối tượng học sinh để kèm cặp

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, THCS Đồng Lâm 2, Quảng Ninh, phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, tiếng Việt đối với học sinh ở đây không phải là tiếng mẹ đẻ, mà là ngôn ngữ thứ hai. Nhiều em do hoàn cảnh gia đình, nhà ở xa, nên ở lại bán trú tại trường. Phụ huynh đều là người dân tộc thiểu số, chủ yếu làm nông và ít có điều kiện kèm cặp con em học tại nhà. Với khó khăn như vậy, cùng với việc SGK mới có lượng kiến thức trong 1 bài học lớn, như sách “Kết nối tri thức” với cuộc sống mà nhà trường chọn có nhiều bài học yêu cầu học sinh học đến 2-3 vần một lúc, nên các em không theo kịp.

Hình ảnh học Tiếng Việt sôi nổi tại lớp 1, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, THCS Đồng Lâm 2, Tỉnh Quảng Ninh.

Ảnh: Đỗ Sơn 

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường lạc quan cho rằng, dù SGK tiếng Việt lớp 1 có một số bài học “nặng” với học sinh, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số, nhưng may mắn là chương trình giáo dục phổ thông mới lại đặc biệt chú trọng giao quyền tự chủ cho giáo viên đứng lớp. Do đó, đến thời điểm này, cô giáo khối lớp 1 ở trường đã khắc phục được khó khăn và bắt nhịp cùng chương trình.

Cụ thể,  giáo viên tiến hành soạn giáo án trước buổi học 1 tuần, nếu gặp khó khăn sẽ trực tiếp nêu ý kiến và đề xuất phương án giảng dạy phù hợp trong các cuộc họp chuyên môn của nhà trường. Đồng thời, hàng tuần, Ban giám hiệu cũng sẽ dự giờ để nắm bắt khó khăn thực tế của giáo viên.

 “Trải qua một thời gian giảng dạy, tôi thấy môn Tiếng Việt 1 bắt đầu từ tuần 4, 5 yêu cầu bài đọc khá nhiều, giáo viên và học sinh không thể thực hiện trong một tiết học. Qua trao đổi với giáo viên, chúng tôi đã thống nhất chia kiến thức trong các bài học để dạy thành 2 buổi chính - phụ, để quá trình tiếp thu của học sinh đạt hiệu quả tốt nhất và giáo viên không bị áp lực quá nhiều"- Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH, THCS Đồng Lâm 2 chia sẻ.

Cùng với đó, Cô Bàn Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH, THCS Đồng Lâm 2 cho biết, để học sinh lĩnh hội tri thức một cách tốt nhất, cô dành nhiều thời gian để nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa mới để có phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Để học sinh nhớ bài tốt hơn, cô đã tham khảo các cách dạy học của các cô giáo khác, phân loại đối tượng học sinh trong lớp để kèm cặp.

Chẳng hạn trong một bài, những em học tốt, giáo viên cho đọc hết bài còn những em chậm hơn có thể chỉ đọc các từ và dành thời gian nhiều hơn để kèm cặp đối tượng này. Nhờ vậy, sau gần 2 tháng, cả cô và trò đã vượt qua những khó khăn ban đầu. Hiện học sinh lớp 1 của trường đã giảm bớt tình trạng học trước quên sau, 50% học sinh đã có thể đọc trơn tru.

Giáo viên chủ động lựa chọn kiến thức để dạy

Giờ học giáo dục thể chất ở Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Nam Định, không khí học tại đây rất sôi nổi, học sinh không chỉ được kết hợp với hoạt động vận động mà còn được học thêm kiến thức của các bộ môn khác. Cô giáo Trần Thị Phương Nhung, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất chia sẻ: Do chương trình GDPT mới là chương trình mở, giáo viên hoàn toàn chủ động và sáng tạo trong giờ học, vì vậy, giáo viên đã chủ động thay đổi phương pháp, tích hợp các môn học như âm nhạc, tiếng việt, tự nhiên xã hội để học sinh vừa được rèn luyện thể chất, vừa được lĩnh hội kiến thức. Ví dụ, giáo viên đã chủ động tìm kiếm những hình ảnh có những vần mà học sinh đã được học ở môn tiếng Việt để học sinh đọc, việc làm này giúp các con ghi nhớ được kiến thức lâu hơn.

Giờ học giáo dục thể chất ở Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, tỉnh Nam Định.

Ảnh: Đỗ Sơn 

Để làm được điều này, giáo viên phải phải “đầu tư” nhiều hơn về thời gian, chuyên môn, làm sao để phát huy được tính tích cực của học sinh và tổ chức các hoạt động để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất. Bên cạnh đó, giáo viên đã phát huy thế mạnh của tổ chuyên môn, thường xuyên trao đổi chuyên môn, dự giờ để học hỏi kinh nghiệm và thống nhất về quy trình dạy học sinh sao cho đạt hiệu quả nhất.

Tại trường tiểu học Đại An (Vụ Bản, Nam Định), Hiệu trưởng Mai Thị Ngọc Quỳnh cho biết: Quá trình triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, nhà trường đã có sự điều chỉnh linh hoạt cụ thể trong từng môn học để phù hợp với thực tế. Ngoài ra, hàng tháng, nhà trường tổ chức hai buổi chuyên môn tại trường, một buổi chuyên môn theo cụm cho giáo viên khối lớp 1, để từ đó các giáo viên cùng nhau góp ý, phát hiện ra những vướng mắc để rút kinh nghiệm kịp thời, điều chỉnh khối lượng kiến thức, phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Trước những đổi mới, không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng của nhiều phụ huynh, hiểu được tâm lý này, cô giáo Hoàng Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Nhân Tông cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình GDPT mới là làm tốt công tác truyền thông với phụ huynh. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, hiệu trưởng đã trực tiếp chia sẻ với phụ huynh về bản chất cốt lõi của chương trình GDPT mới, hiểu về dạy học phát triển năng lực; hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ cho các con sau mỗi buổi học. Nhờ những biện pháp đó, cho đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện chương trình GDPT mới ở trường khá suôn sẻ, phụ huynh cùng đồng hành, chia sẻ và tin tưởng nhà trường trong quá trình đổi mới.

Khải Minh