Gìn giữ màu xanh của rừng

- Thứ Tư, 25/11/2020, 09:22 - Chia sẻ
Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên đang quản lý hơn 2.400ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ và sản xuất. Hiểu rõ tầm quan trọng của rừng trong việc cải thiện môi trường, người dân ở các địa phương có rừng đã nâng cao ý thức và có các hoạt động thiết thực để bảo vệ rừng.

HTX Ngàn Hoa được tỉnh Hà Giang giao cho quản lý và bảo vệ gần 2.000ha rừng phòng hộ. Anh Hoàng Văn Hải, đại diện HTX cho biết, để đảm bảo công tác PCCCR, HTX trang bị 2 máy bơm chữa cháy, 2 vỏ lãi phục vụ công tác tuần tra và vận chuyển thiết bị chữa cháy. Ngoài việc trang bị phương tiện chữa cháy, Công ty còn thành lập tổ PCCC gồm 6 thành viên bảo đảm yêu cầu chữa cháy tại chỗ và phối hợp các đơn vị, địa phương xung quanh chủ động ứng cứu khi cần thiết. Đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực, sửa chữa các chòi canh để thực hiện công tác bảo vệ rừng, phát hiện sớm đám cháy, kịp thời xử lý không để lan rộng. Đặc biệt, vào thời điểm mùa khô, cán bộ, công nhân viên luôn bảo đảm trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Trồng keo tại Vị Xuyên
Trồng keo tại Vị Xuyên

Hơn 20 năm gắn bó với khu rừng, mỗi vạt cây, lối mòn… đều đã trở thành những kỷ niệm khó quên đối với anh Hải. Theo chân anh Hải, chúng tôi vào khu rừng keo ở xã Ngọc Linh. Con đường quanh co, uốn lượn dẫn chúng tôi đi tới những vạt rừng xanh thẳm. Anh Hải cho biết: cả khu rừng phòng hộ này trước đây, để đi tuần hết khu rừng này phải mất vài tiếng đi bộ. Nhưng giờ chỉ mất chừng hơn 1 tiếng đồng hồ đi xe máy, anh đã có thể tuần tra kỹ lưỡng toàn bộ khu rừng này. Khu rừng này chủ yếu là trồng keo. Vì vậy, thời điểm mùa nắng nóng này, anh em trong đội làm nhiệm vụ bảo vệ rừng phải tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý ngay những nguy cơ có thể gây cháy rừng.

Nhìn những vạt cây mới được gieo trồng năm nào, nay đã vươn cao tỏa bóng mát, anh Hải không giấu được xúc động. Thanh xuân của anh gắn với rừng, đi bộ đội về rồi thành lập ra HTX trồng rừng bởi anh nhận thấy mô hình hợp tác xã trồng rừng không chỉ có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội mà còn góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa tác hại của thiên tai, bão lũ và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng nền kinh tế lâm nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Bằng việc làm cụ thể  đã tận dụng triệt để diện tích đất được giao, cải tạo môi trường sinh thái, giống cây trồng, thực hiện các biện pháp lâm sinh, trồng mới cây nguyên liệu, tìm đầu ra thực hiện ký kết các hợp đồng bán sản phẩm…

Thời điểm đầu, người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng như anh Hải gặp nhiều khó khăn do ý thức, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng còn hạn chế. Người dân vào rừng đốn củi, đốt lửa bắt ong, những tốp thanh niên thì chọn rừng để tổ chức các buổi dã ngoại, đốt lửa nấu nướng… đe dọa sự bình yên cho vạt rừng già. Nhưng giờ, thì khác mọi người dân, thành viên của HTX cũng giống anh Hải, đều rất trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng.

“Nói vậy thôi, nghề rừng vất vả, cực nhọc lắm, không đam mê, quyết tâm sẽ không trụ được đâu. Tôi đặc biệt đam mê với cây rừng. Làm nghề nào cũng phải tính đến thu nhập, lợi nhuận và mỗi nghề sẽ có những đặc trưng, đòi hỏi riêng biệt. Nghề trồng rừng cho lợi nhuận bền vững nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tâm huyết. Mỗi chu kỳ 7 năm, mồ hôi, công sức, hy vọng ấp ủ hơn 2.500 ngày với bao rủi ro không thể lường trước. Thế nhưng, ngoài lợi nhuận kinh tế, màu xanh của rừng khép tán, không khí trong lành, thực phẩm sạch từ rừng là phần thưởng vô giá với những ai chọn lâm làm nghiệp…”, anh Hải chia sẻ.

 Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên Nông Đức Thành cho biết: Trước đây, cuộc sống của người dân ven rừng khó khăn, họ bám vào rừng mà sống nhờ lấy củi, chặt cây bán, tìm tổ ong… nên công việc của kiểm lâm rất vất vả. Việc tuần tra, bảo vệ rừng phải thực hiện thường xuyên không kể ngày hay đêm. Đa số, bà con do nghèo, do nhận thức còn hạn chế mà phá rừng. Nên phương pháp của chúng tôi là phải gần gũi với bà con để làm công tác tuyên truyền, vận động. Những lúc rảnh rỗi, anh em kiểm lâm lại rủ nhau vào các thôn lân cận chơi, tiếp xúc với người dân để lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của họ, cùng làm việc để hướng dẫn họ cách phát triển kinh tế và nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Vận động nhân dân chuyển từ trồng cây ngắn ngày sang loại cây dài ngày cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng hiểu và chung sức với kiểm lâm, Ban lâm nghiệp của các xã để cùng nhau bảo vệ rừng. Đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, chủ rừng và người dân trên địa bàn thành phố đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm phòng là chính.

Đặc biệt, để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống cháy rừng. Ngoài ra, trong các tháng vừa qua, Hạt đã hướng dẫn, chỉ đạo các hộ nhận khoán phát dọn thực bì làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng thông. Tuyên truyền, vận động các hộ nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, người dân trên địa bàn chủ động thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Bổ sung nhiều trang thiết bị như máy thổi gió, dao phát thực bì… phục vụ phòng chống cháy rừng.

Những ngày thời tiết nắng nóng, Ban lâm nghiệp các xã, phường thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ trong ngày. Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên phối hợp với các xã có rừng tăng cường kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát nguồn lửa đem vào rừng, kịp thông báo tình hình thời tiết, cấp cháy rừng đến các phòng, ban chuyên môn, các trạm bảo vệ rừng trực thuộc và các hộ tham gia nhận khoán đất lâm nghiệp và rừng trên địa bàn để chủ động bố trí lực lượng, dụng cụ, phương tiện, sẵn sàng tác chiến bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng.

Việt Anh