Công đoàn doanh nghiệp ngoài nhà nước

"Giữ chân" công đoàn viên

- Thứ Tư, 12/05/2021, 07:27 - Chia sẻ
Để có thể phát triển hệ thống công đoàn doanh nghiệp ngoài nhà nước, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Trong đó, có những chính sách đãi ngộ cũng như cơ chế bảo vệ cho chủ tịch công đoàn cơ sở, tránh tình trạng phải ôm đồm quá nhiều việc, từ đó sao nhãng nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Có như vậy mới "giữ chân" được công đoàn viên tại doanh nghiệp.

Nguy cơ "mất" thành viên 

Là doanh nghiệp nước ngoài, 100% vốn đầu tư của Nhật Bản nhưng tại Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội, việc xây dựng công đoàn cơ sở rất được chú trọng. Đánh giá vai trò của tổ chức công đoàn, ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gần như là không có lãi, khiến việc thương lượng về lương, thưởng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau rất nhiều cuộc thương lượng, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đã thương lượng thành công, trong đó mức thưởng tăng từ 0,5 lên 1,8”.

Đánh giá vai trò của công đoàn cơ sở, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng khẳng định, các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Hà Nội đã phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ của mình trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Tuy nhiên, theo ông Thường, hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện nay vẫn còn ít nhiều tồn tại, chưa theo kịp đòi hỏi thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động. Năm 2020 và đầu năm 2021, dịch bệnh khiến trên 165.000 công nhân lao động mất việc làm, thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó sớm với diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể xảy ra và có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đáng quan tâm hơn, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực với những quy định mới, tác động đến tổ chức công đoàn với sự hình thành của tổ chức công đoàn của người lao động thì càng đòi hỏi chất lượng trong hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở. Cụ thể, từ năm 2021, Bộ luật Lao động cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp. Những tổ chức công đoàn này chỉ tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong khi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ dẫn đến chất lượng hoạt động công đoàn bị phân tán, không đáp ứng nhu cầu cũng như mong mỏi của người lao động. Điều này sẽ dẫn hệ lụy nhiều đoàn viên sẽ từ tổ chức công đoàn sang “tổ chức của người lao động” mới thành lập.

Không "ôm" quá nhiều việc

Rõ ràng, cùng với quá trình hội nhập, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức đối với tổ chức công đoàn. Nhất là hiện nay, hoạt động của công đoàn nói chung và hoạt động công đoàn cơ sở nói riêng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, chậm đổi mới. Công đoàn cơ sở nhiều nơi còn dàn trải, thiếu kỹ năng, chưa tập trung trong thực hiện các nhiệm vụ chính của tổ chức công đoàn là chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại một số công đoàn cơ sở và công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người lao động còn hạn chế, chưa rõ nét. Bên cạnh đó, vai trò của một số cán bộ công đoàn cơ sở trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động còn hạn chế.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội Nguyễn Phi Thường

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Hoàng Thu Hằng cho rằng, có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là do cán bộ công đoàn còn yếu một số kỹ năng cơ bản trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng kế hoạch hoạt động và kỹ năng thương lượng đối thoại. Vì vậy, lúng túng khi tổ chức hoạt động; chưa tự tin để trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động, chưa tạo được sức hút, sự tin tưởng, tham gia của người lao động vào các hoạt động công đoàn cũng như sự tạo điều kiện và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tổ chức công đoàn. Do đó, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ và quan tâm thực hiện chính sách đối với chủ tịch công đoàn cơ sở nói riêng, công đoàn cơ sở nói chung. 

Để có thể phát triển hệ thống công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. “Thí điểm thành lập công đoàn cơ sở ghép trong các đơn vị có dưới 25 đoàn viên; nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới mô hình tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có trên 2.000 lao động khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về nhiệm vụ của công đoàn cơ sở phù hợp từng loại hình đơn vị, doanh nghiệp và theo hướng giảm nhiệm vụ không liên quan trực tiếp đến chức năng đại diện của công đoàn trong phạm vi quan hệ lao động” - ông Lợi đề xuất.

Thực tế cho thấy, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở là tập hợp được số đoàn viên tham gia vào tổ chức của hoạt động công đoàn. Để làm được điều này không để công đoàn cơ sở ôm đồm quá nhiều việc, tập trung vào nhiệm vụ chính, trọng yếu là đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động như: Thương lượng tập thể, phúc lợi đoàn viên. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến chế độ, nâng cao kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ công đoàn cơ sở để “giữ chân” họ.

Thái Yến