Giữ chân người lao động thế nào ?

- Thứ Hai, 04/10/2021, 14:04 - Chia sẻ
Ngay sau khi nới lỏng thực hiện giãn cách, hàng chục nghìn người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã trở về quê - càng làm dấy lên những quan ngại về việc thiếu hụt lao động.

Lý giải việc này, tại Tọa đàm trực tuyến Nguồn nhân lực lao động cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch diễn ra mới đây, đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng là bởi người lao động cạn kiệt và không còn thu nhập. Việc quay trở lại làm việc khi vẫn còn rủi ro khiến nhiều lao động rất đắn đo. Bên cạnh đó, thời điểm này, người lao động quay về sẽ ở lại ăn Tết chứ không quay lại khi chưa bảo đảm mức độ an toàn về dịch bệnh.

Phát biểu tại Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, Thủ tướng lưu ý các địa phương tuyên truyền vận động người dân ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát. Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc, thực hiện đồng bộ giải pháp, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố phát triển hệ thống y tế cơ sở, tăng cường y tế lưu động, để người dân tiếp cận y tế từ sớm, từ xa…t...

Đại diện một doanh nghiệp phân tích thêm: Sau khi khảo sát thực tế đã phân chia thành 4 nhóm lực lượng lao động gồm lao động làm cho các doanh nghiệp FDI; lao động làm cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; lao động làm ngoài các khu công nghiệp và lao động tự do. Cả 4 nhóm lao động đều ở trong những khu trọ có mật độ dân số cao, diện tích nhỏ. Khi dịch xảy ra quy tắc 5K gần như không có, F0 bắt đầu phát sinh ngay trong khu trọ. Với môi trường sống như vậy, lao động không thể yên tâm mà muốn được về quê. Hơn nữa, lao động tự do và lao động ngoài khu công nghiệp cũng không tiếp cận được thông tin cụ thể về cuộc sống trong tương lai. Chủ sử dụng lao động không thể trả lời được câu hỏi chính xác là ngày bao nhiêu sẽ được quay lại làm việc, được hưởng lương bình thường dẫn đến người lao động chọn phương án trở về quê - nơi được cho là có cuộc sống an toàn hơn.

Như vậy có thể thấy, xu hướng đứt gãy của thị trường lao động đã khá rõ ràng. Và để giữ chân người lao động lúc này, ưu tiên số một vẫn là thực hiện tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp để yên tâm lạc nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải thông tin thường xuyên, rõ ràng tới người lao động, ví dụ như tiêm 1 mũi thì sẽ được tiêm 2 mũi, tiêm 2 mũi thì sẽ được đi làm bình thường... Ý kiến khác thì cho rằng, các tỉnh lân cận nên cho phép người lao động trong khu công nghệ cao đủ điều kiện được trở về địa phương và đi làm từ nhà. Đây là nhu cầu thiết yếu và cấp bách của người lao động “3 tại chỗ”, khi phải xa nhà mấy tháng liền.

Bên cạnh đó, tâm lý của công nhân sau khi về quê sẽ có sự so sánh, nhiều người chọn phương án ở lại mặc dù thu nhập có thể giảm nhưng bù lại được gần gũi gia đình. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm về tiền lương, phúc lợi để người lao động thấy thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn.

Đến thời điểm này, xu hướng đứt gãy của thị trường lao động đã khá rõ ràng. Bởi vậy, không chỉ các cơ quan chức năng mà cả doanh nghiệp phải cùng vào cuộc trước khi quá muộn.

 

Ninh Khánh