Thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế

Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện

- Thứ Hai, 25/10/2021, 06:44 - Chia sẻ

Nhiều quyết sách mạnh mẽ, chưa có tiền lệ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện thời gian qua đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, hỗ trợ rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19. Nhấn mạnh các quyết đáp đặc biệt này là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm cao nhất với đất nước, với Nhân dân, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.

ĐBQH, Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam: Nhiều quyết sách cụ thể, mạnh mẽ

	Đại tướng Lương Cường, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại tướng Lương Cường, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Ảnh: Q.Khánh

Năm 2021, trước những khó khăn, tác động lớn của dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã rất chủ động, tích cực, đồng hành sát sao với Chính phủ với trách nhiệm cao nhất với đất nước, với dân tộc, có rất nhiều quyết sách cụ thể, mạnh mẽ để tạo điều kiện cho Chính phủ, các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, với sự điều hành trực tiếp của Chính phủ, sự đồng thuận của Nhân dân, chúng ta đã đạt được những kết quả tốt.

Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá về tình hình Covid-19 nhưng cần cụ thể hơn nữa, kể cả trong nhận thức và đánh giá tình hình. Dịch Covid-19 gây ra những hậu quả rất lớn về kinh tế - xã hội và tính mạng của người dân, nhưng cũng là dịp để nhìn lại toàn bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của chúng ta, đồng thời, cũng có những cơ hội mở ra như thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số… Trong đó, phải đánh giá kỹ lưỡng hơn về chất lượng, hiệu quả và sự vận hành của cả bộ máy trong hệ thống chính trị các cấp.

Qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 lần này, nếu tới đây xảy ra những dịch bệnh khác, những tình huống khác thì khả năng của từng cấp như thế nào? Cái được thì rất dễ nhìn thấy nhưng qua những hạn chế được chỉ ra trong công tác phòng, chống dịch cũng phải đánh giá việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, từng cấp phải theo chức năng, nhiệm vụ, còn cán bộ thì phải theo chức trách, quyền hạn được giao. Kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề. Nơi nào làm tốt phải khen thưởng, động viên, nơi nào làm sai, làm trái phải nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Vấn đề nào vướng về cơ chế, chính sách, pháp luật thì phải tập trung sửa, thuộc trách nhiệm cấp nào thì cấp đó phải sửa; còn vấn đề nào do tổ chức thực hiện, do trách nhiệm cá nhân thì cũng phải làm rõ, xử lý, chấn chỉnh.

ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Gói hỗ trợ chưa có tiền lệ

	Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Đào Ngọc Dung 
Ảnh: Q.Khánh

Tôi rất đồng tình với các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, ngân sách nhà nước. Các báo cáo này phản biện các báo cáo của Chính phủ nhưng nhận định, đánh giá rất khách quan, đúng mực và có trách nhiệm.

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các gói hỗ trợ an sinh xã hội năm nay được thực hiện hiệu quả. Năm nay, chúng ta đã làm rất bài bản, có lộ trình, bước đi cụ thể. Khi dịch bệnh bùng phát đã có 3 chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội được ban hành và thực hiện chỉ trong thời gian ngắn từ sáng kiến của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ, bằng “tiền tươi thóc thật”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp đột xuất để thông qua Nghị quyết cho phép thực hiện chính sách này. Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết trong đêm thì sáng hôm sau, Chính phủ họp triển khai ngay. Chỉ trong 5 ngày sau đó, đã giải ngân được cho 363 nghìn trên tổng số 386 nghìn doanh nghiệp, đến nay cơ bản xong. Rà soát lại toàn bộ đối tượng người lao động thì ai có tài khoản là chuyển tiền ngay, ai chưa có thì cho mở tài khoản hoặc thông qua doanh nghiệp để hỗ trợ. Hay chính sách hỗ trợ gạo cho người dân, trong bối cảnh đặc biệt như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng ý xuất cấp tới 152 nghìn tấn gạo trong thời gian rất ngắn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chi 2.100 tỷ đồng để mua bù dự trữ gạo.

Về vấn đề lao động, chúng tôi đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động. Vừa qua, việc dịch chuyển lao động hầu như rơi vào nhóm lao động ngoài khu công nghiệp, lao động tự do. Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Trong trường hợp thị trường lao động căng thẳng thì cũng đã có phương án cung cấp khoảng 200 nghìn lực lượng lao động mới.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng): Đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (TP Hải Phòng)
ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (TP Hải Phòng) 
Ảnh: Q.Khánh

“Cuộc chiến” chống Covid-19 là chưa có tiền lệ. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 là Nghị quyết chưa có tiền lệ, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và đồng hành với Chính phủ. Đến nay, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, thực hiện chủ trương mới của Hội nghị Trung ương 4 vừa qua về thích ứng an toàn với dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Tôi cho rằng, việc thích ứng an toàn với dịch Covid-19, bảo đảm có điều kiện “bình thường mới” và phục hồi kinh tế là hai mặt của một vấn đề. Cử tri nói với tôi rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước rất đúng nhưng quá trình tổ chức thực hiện lại rất vướng. Và hình như những cái chưa đạt được vừa qua đều thuộc về khâu tổ chức thực hiện, trong đó có cả vấn đề nhận thức. Nếu chúng ta không tập trung thích ứng an toàn thì cũng không thể có “bình thường mới”, đồng nghĩa với việc sẽ không thể phục hồi kinh tế như kế hoạch và mong muốn. Dịch bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại, giữ được “bình thường mới” là không đơn giản. Do đó, phải tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lưu ý, yêu cầu trong các tài liệu gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, phải nhấn mạnh hơn nữa một số giải pháp cả về “phòng” và “chống” dịch Covid-19. Trong công tác “phòng”, khâu dự báo, cảnh báo là hết sức quan trọng, nhất là chúng ta phải “chiến đấu” với những kẻ thù vô hình như Covid-19. Đưa vấn đề nâng cao năng lực dự báo vào nguyên tắc chung về điều hành kinh tế - xã hội trong thời gian tới thì rất dễ nhưng nếu không nhấn mạnh hơn, không có yêu cầu rõ ràng, cụ thể hơn thì việc triển khai tới đây sẽ còn khó khăn. Để cảnh báo, dự báo hiệu quả thì phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Cùng với đó là mức độ tuân thủ của xã hội, khi chúng ta áp dụng giãn cách xã hội một thời gian dài thì hiện đang có xu hướng người dân trở nên chủ quan, không thực hiện nghiêm 5K. Vì thế, phải tiếp tục xử lý nghiêm minh các vi phạm như trước đây.

Đối với công tác “chống” dịch, phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuốc và phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Ngoài ngoại giao vaccine, tăng tốc độ phủ vaccine thì cần hết sức chú trọng việc tìm kiếm các loại thuốc, nguồn cung cấp thuốc, chế biến thuốc để chữa bệnh Covid -19 để khi người dân nhiễm virus thì có thuốc chữa và có niềm tin sẽ khỏi bệnh. Chữa bệnh phải ngang với phòng bệnh.

Hải Lam ghi