Chính sách hỗ trợ kinh tế của các nước trước tác động đại dịch Covid - 19

Giữ ổn định nhân lực

- Chủ Nhật, 12/04/2020, 08:30 - Chia sẻ
Bên cạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ cùng các gói hỗ trợ nền kinh tế nhằm ứng phó với khủng hoảng do đại dịch Covid-19, nhiều nước đã áp dụng các chính sách lao động linh hoạt, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm duy trì việc làm, tạo điều kiện cho khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau đại dịch.

Các chuyên gia cho rằng, giảm hoạt động kinh tế là cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, tuy nhiên khi dịch bệnh lắng xuống, không có gì bảo đảm cho các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất nếu không có chính sách lao động phù hợp và hiệu quả. Giữ ổn định kết cấu kinh tế bằng cách duy trì hoạt động của doanh nghiệp là chiến lược tốt nhất để bảo đảm sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Chế độ làm việc ít thời gian, hay còn gọi là công việc thời vụ, được xem là biện pháp phù hợp tại thời điểm này. Các chương trình làm việc ngắn hạn cho phép chủ doanh nghiệp có thể giảm giờ làm của người lao động thay vì buộc họ phải thôi việc, giúp duy trì nguồn nhân lực ở lại công ty, trong khi tránh kịch bản phải tái tuyển dụng và đào tạo lại khi các điều kiện kinh tế dần cải thiện. Chính phủ có thể cung cấp chính sách hỗ trợ một phần nhằm giúp doanh nghiệp giảm giờ làm.

Trên thực tế, cơ chế trợ cấp giảm giờ làm đã được nhiều nước áp dụng và phát huy hiệu quả trong các giai đoạn kinh tế khó khăn của Đại suy thoái. Năm 2009, Chính phủ Đức dành khoản ngân sách trị giá 5,1 tỷ euro cho các chương trình trợ cấp việc làm ngắn hạn, nhằm bù đắp các khoản thiếu hụt trong thu nhập của hơn 1,4 triệu lao động ở nước này. Chương trình này đã được Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) đánh giá cao khi “cứu” gần 500.000 việc làm trong giai đoạn suy thoái. Trong khủng hoảng do đại dịch Covid-19, ước tính 2,35 triệu người lao động (tương đương gần 6% tổng số người có việc làm) ở Đức được nhận trợ cấp việc làm ngắn hạn Kurzarbeit. Ở Pháp, trong gian đoạn đại suy thoái, 227.000 người lao động được hưởng trợ cấp việc làm ngắn hạn và hiện có khoảng 730.000 lao động (tương đương 2,8%) đang được Chính phủ chi trả theo cơ chế trợ cấp này. Ở Bỉ, khoảng 100.000 người được hưởng trợ cấp việc làm ngắn hạn trong đỉnh điểm của cuộc đại suy thoái và hiện có trên 1 triệu lao động (tương đương 22%) được hỗ trợ theo chương trình này. Ở Mỹ, hiện 26 bang có cơ chế hỗ trợ việc làm ngắn hạn.

Mặc dù vậy, chính sách hỗ trợ này vẫn mới chỉ được áp dụng hạn chế tại một số quốc gia. Các chính sách việc làm ngắn hạn chỉ phát huy hiệu quả trong thời gian ngắn và các chính phủ cần bảo đảm ngừng chính sách này một khi tình hình cải thiện. Đồng thời, các gói kích thích kinh tế cần được tung ra kịp thời nhằm thúc đẩy nhu cầu và đưa hoạt động kinh doanh trở lại.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh giáo dục và tri thức đang là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, giai đoạn khó khăn hiện nay có thể được tận dụng làm cơ hội để cải thiện kinh tế và củng cố năng lực, cạnh tranh của lực lượng lao động trong giai đoạn sắp tới. Hiện nay, người dân được khuyến cáo ở nhà và hạn chế đi lại, nhiều công việc có thể được xử lý từ xa. Đây là dịp để các công ty, có thể tranh thủ đầu tư cho nhân sự thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn trực tuyến, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động.

N.An