Giữ vững thành trì trong khám, chữa bệnh

- Thứ Bảy, 08/05/2021, 06:32 - Chia sẻ
Sau khi phát hiện 10 ca dương tính với SARS-CoV-2, ngay trong sáng 7.5, Bệnh viện K đã quyết định tạm thời cách ly các đơn vị, gồm nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà người bệnh tại 3 cơ sở Bệnh viện K. Trước đó, cũng có 5 bệnh viện thực hiện cách ly y tế trong đợt dịch này, gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện 105, Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Bệnh viện Đa khoa Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Bệnh viện Phổi Lạng Sơn. Hơn lúc nào hết, việc bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, nhân viên y tế, cần được đặt lên hàng đầu.

Siết chặt hơn nữa việc phân luồng, phát hiện sớm ca bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn và chống lây nhiễm chéo... là những bài học đã được rút ra khi dịch Covid-19 phát tán tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng năm 2020 và giờ là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K Tân Triều… Đặc biệt, với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - nơi đã từng điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân mắc Covid-19, thì việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch lại càng trở nên quan trọng. 

Nói như lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viện là nơi có khả năng lây nhiễm và nguy cơ lây nhiễm rất cao, vì vậy các bệnh viện phải khẩn cấp xây dựng kế hoạch, bảo đảm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh đối với những người bệnh đang được cách ly điều trị, với nguyên tắc người bệnh của khoa nào giữ nguyên ở khoa đó. Mọi hoạt động tại bệnh viện phải được kiểm soát chặt chẽ với việc thiết lập chốt kiểm soát tại các lối ra vào, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Đặc biệt, tiến hành sàng lọc thật kỹ lưỡng và xét nghiệm liên tục không chỉ với người bệnh mà còn đối với nhân viên y tế - đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19. 

Bởi lẽ, sức khỏe của các bác sĩ, điều dưỡng không chỉ là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống y tế sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ. Theo thống kê, trong đợt dịch Covid-19 vào tháng 8 và 9.2020, trong số 222 ca bệnh đã có 14 trường hợp là cán bộ y tế, chiếm tỷ lệ 6%. Đây là con số rất đáng lưu tâm.

Thực tế không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, dịch Covid-19 cũng đặt các nhân viên y tế và gia đình, người thân của họ vào mức độ nguy hiểm với khả năng lây bệnh cao. Thậm chí, ngay cả những quốc gia phát triển - nơi mà đội ngũ y tế được trang bị đầy đủ thì cũng không tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm. Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Y tế Thế giới, đội ngũ nhân viên y tế chiếm chưa đầy 3% dân số ở hầu hết các nước và chưa tới 2% dân số ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, nhưng chiếm tổng số 14% các ca mắc Covid-19 được ghi nhận, thậm chí ở 1 số nước, con số này có thể lên tới 35%. Ít nhất 17.000 nhân viên y tế trên toàn cầu đã tử vong do Covid-19 trong hơn một năm qua, trung bình cứ 30 phút lại có 1 nhân viên y tế tử vong do Covid-19. Trước những con số báo động trên toàn thế giới về độ lớn các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đã yêu cầu các nước cần bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch, bởi đây là lực lượng tiên phong, mấu chốt, bảo đảm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe được vận hành trôi chảy.

Việc Bộ Y tế kịp thời có những văn bản, công điện đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch tại các địa phương với thông điệp “tất cả các bệnh viện ở Việt Nam hãy nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất để phòng, chống dịch Covid-19", đồng thời, yêu cầu giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, đã cho thấy sự quyết liệt và sát sao nhằm bảo vệ vững chắc "thành trì" của ngành y tế, bảo đảm an toàn cho tuyến đầu chống dịch. 

Song hơn hết, các cơ sở y tế cần chủ động kiện toàn, rà soát các kịch bản ứng phó, xây dựng bệnh viện dã chiến để khi có tình huống xảy ra sẽ không lúng túng, bị động. Quan trọng hơn, phải rà soát lại nguồn lực, hậu cần, các trang thiết bị, xét nghiệm; tổ chức tập huấn, đào tạo cho các bác sĩ, nhân viên y tế ở các chuyên khoa khác nhau, nhất là đào tạo ngắn hạn về hồi sức cấp cứu, để đáp ứng các công đoạn điều trị cho bệnh nhân Covid-19, khi có dịch xảy ra.

Đỗ Quyên