Thảo luận tại tổ 7:

Giúp các địa phương khai thông nguồn lực phát triển

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 13:18 - Chia sẻ
Sáng 22.10, Quốc hội thảo luận tại Tổ, cho ý kiến về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre họp tổ
Ảnh: Quang Khánh

Tổ 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre.

Cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, việc Quốc hội ban hành các Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là đúng thẩm quyền và thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đồng thời, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội của từng địa phương, có ý nghĩa rất quan trọng để hỗ trợ cho các địa phương có động lực để phát triển hơn nữa.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) nêu rõ, trên tinh thần xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương này cần suy nghĩ để có cơ chế đặc thù cho một số các tỉnh khác nhằm phát huy được tiềm năng, lợi thế, đặc điểm và khắc phục tình trạng một chính sách chung cho tất cả các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, cần quy định cụ thể để không buông lỏng quản lý nhưng cũng không làm thay cho địa phương và giúp các địa phương khai thông nguồn lực phát triển.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái)
Ảnh: Quang Khánh

Đối với thành phố Hải Phòng, ĐBQH Nguyễn Thành Trung cho rằng, trước đây đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố này, song chưa biết tận dụng và chưa tạo được nguồn lực cho sự phát triển đột phá. Quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa thực sự mạnh, chưa phát huy tốt vai trò tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. ĐBQH Nguyễn Thành Trung thống nhất với các cơ chế, chính sách về quản lý về tài chính và ngân sách nhà nước như mức dư nợ vay về ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố, về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thành Trung đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu một số chính sách để phát triển kinh tế biển, du lịch biển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng và cũng là để triển khai Nghị quyết số 36 của Trung ương về phát triển kinh tế biển.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, ĐBQH Nguyễn Thành Trung đồng tình với các nội dung, cơ chế, chính sách; nhấn mạnh việc xác định phạm vi các cơ chế, chính sách cho Thừa Thiên Huế là phù hợp với mục tiêu xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Đối với quy định: Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh)”, ĐBQH Nguyễn Thành Trung đề nghị, khoản thu này cần được tính sau khi trừ đi phần chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan, đơn vị này trên địa bàn tỉnh để tránh gây áp lực lên ngân sách Trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: 

Bảo đảm tính vượt trội, đặc thù cho từng vùng miền, tạo động lực phát triển

Thảo luận tại Tổ 7 về dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đây là bước cụ thể hóa trên cơ sở các Nghị quyết của Bộ Chính trị. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm tính vượt trội, đặc thù cho từng vùng miền, với mục tiêu phải tạo động lực phát triển, nếu không sẽ không tạo sự đột phá. Và cơ chế ở đây không phải là "Trung ương lấy tiền của các tỉnh khác mà là cho điều kiện để các tỉnh vượt lên".

Với Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc dự thảo Nghị quyết quy định thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ tạo điều kiện cho địa phương này có thêm nguồn lực để phát triển. Phó Chủ tịch Quốc hội đưa ra dẫn chứng về cơ chế đặc thù với Huế khi vừa qua, với việc di dời dân ở khu vực kinh thành Huế, Quốc hội cũng đã quyết định thêm 500 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư và Huế đã làm rất tốt với hàng chục nghìn người ổn định tái định cư.

Về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn đối với Thanh Hóa, dự thảo Nghị quyết quy định: hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, "đây là Thanh Hóa xin cơ chế để Nghi Sơn đầu tư, tạo sự đột phá cho Nghi Sơn".

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phân biệt giữa 2 loại đặc thù, đó là đặc thù tạo động lực phát triển và đặc thù để giải quyết những vấn đề khác nhau về đặc thù các địa phương. Với đặc thù để giải quyết những vấn đề khác nhau về đặc thù các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chi thường xuyên và chi đầu tư. Chi thường xuyên và chi đầu tư đã chú ý tới những vùng như vùng biên giới, xã biên giới, xã vùng ngang, vùng núi cao… thông qua Nghị quyết riêng về các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình riêng… để tạo sự bình đẳng giữa các vùng miền.

 

Thành Trung