Giúp đồng bào “sống khỏe” tại quê nhà

- Thứ Tư, 08/12/2021, 06:50 - Chia sẻ
Gần 30 nghìn lao động là dân tộc thiểu số hồi hương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo áp lực lớn cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An. “Vấn đề trước mắt là phải giúp đồng bào ổn định cuộc sống một cách nhanh nhất nhưng về lâu dài, cần tạo cho bà con môi trường làm việc để họ có thể yên tâm cống hiến và làm giàu ngay tại quê hương…” - đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân tộc tỉnh VI VĂN SƠN chia sẻ.
 ĐBQH Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An với bà con Đan Lai ở huyện Con Cuông.
ĐBQH Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An với bà con Đan Lai ở huyện Con Cuông.

- Thưa ông, đến thời điểm này có bao nhiêu lao động là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19? Sự “hồi hương” này đã tác động thế nào đến tình hình kinh tế, xã hội của địa phương?

- Tính đến thời điểm 25.11.2021, toàn tỉnh Nghệ An có 29.054 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số từ các địa bàn có dịch trở về địa phương do dịch Covid-19. Sự di cư này đã tạo áp lực rất lớn cho địa phương.

Trước hết là việc tác động đến sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở. Đó là áp lực về lĩnh vực an sinh xã hội, áp lực về việc làm và một số vấn đề xã hội khác. Mặt khác, nhiều người thuộc diện lao động tự do không có hợp đồng lao động nên khi dịch bệnh bùng phát, không được hưởng các chế độ chính sách theo Bộ luật Lao động. Nhiều hộ gia đình khi trở về địa phương gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và điều kiện sống. Có nhiều hộ khi về quê thì nhà cửa đã xuống cấp, hư hỏng nặng, một số hộ trước khi đi đã bán nhà hoặc mới lập gia đình nên chưa có nhà ở…

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã khiến một số tệ nạn xã hội có dấu hiệu gia tăng như trộm cắp vặt, say rượu bia gây mất trật tự xã hội… Đặc biệt, tình trạng tảo hôn ở một số vùng đồng bào người Mông tăng hơn so với năm 2020.

- Đến nay, những lao động này đã được hỗ trợ những chính sách gì để ổn định cuộc sống, thưa ông?

- Ngoài việc triển khai thực hiện hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, UBMTTQVN tỉnh và các huyện cũng đã tiến hành kêu gọi, quyên góp ủng hộ cho đồng bào các dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động; ngoài ra, một số lao động cũng đã quay lại làm việc tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc khi các doanh nghiệp tổ chức đón công nhân lao động trở lại.

- Còn chính sách cho lao động hồi hương vay giải quyết việc làm do Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đang thực hiện thì sao?

- Về mặt chủ trương, đây là một chính sách nhân văn và kịp thời. Về mặt thực thi, tôi đánh giá cao tinh thần, thái độ phục vụ của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, nhất là cán bộ tín dụng làm việc trực tiếp dưới địa bàn thôn, bản.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An đã đưa ra phương châm "Dịch bệnh được đẩy lùi tới đâu, Ngân hàng phục vụ tới đó". Với phương châm này, nhiều hộ đồng bào người dân tộc thiểu số gặp khó khăn khi trở về quê đã được tiếp cận nguồn vay để tạo việc làm ngay tại quê hương, góp phần từng bước ổn định đời sống. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An cũng đưa ra một số giải pháp giãn nợ, lãi đối với khách hàng, đặc biệt là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số.

- Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, theo ông, cần có những giải pháp gì để hỗ trợ những lao động trở về quê hương làm ăn sinh sống, nhất là những lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

- Theo tôi, cần có chính sách căn cơn hơn để kịp thời hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, để làm được việc này thì điều đầu tiên là phải tạo cơ chế thông thoáng nhằm mời gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có như vậy mới khai thác được thế mạnh của địa phương, tạo công ăn việc làm tại chỗ. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu công nghiệp nhằm tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.

Thứ nữa, cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng nhu cầu tham gia công việc tại các doanh nghiệp, nhà máy, các khu chế xuất trong nước và nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh tại các trường THCS, THPT và các trường dân tộc nội trú để các em sớm có định hướng việc làm…

Điều quan trọng, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ  năm 2021 - 2025. Đây là cơ hội tốt để giúp đồng bào có thể yên tâm cống hiến, làm giàu ngay tại quê hương. Bởi, trong Chương trình có nhiều dự án có khả năng tạo ra việc làm một cách bền vững cho người lao động như cơ hội được tiếp cận vốn vay để tạo việc làm; khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương vào phát triển các loại hình dịch vụ du lịch; phát triển các khu nguyên dược liệu có giá trị kinh tế cao; phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp đặc trưng của địa phương để tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn yêu cầu của thị trường…

- Xin cảm ơn ông!

Đức Kiên thực hiện