Giúp trẻ tự bảo vệ mình!

- Chủ Nhật, 23/01/2022, 06:14 - Chia sẻ
Sự việc cháu Đ.N.A, 3 tuổi tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị bạo hành dã man gây chấn động và bức xúc trong dư luận. Trước sự việc này không lâu, cháu V.A ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh bị mẹ kế hành hạ dẫn đến tử vong. Hai sự việc nổi cộm gần đây cho thấy, đã đến lúc cần có tư duy mới và hành động quyết liệt hơn để bảo vệ trẻ em và giúp trẻ em biết cách tự bảo vệ mình.

Tình trạng bạo hành trẻ em có xu hướng diễn biến xấu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ em, hơn 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục. Còn theo thống kê của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 30.000 cuộc gọi phản ánh và cầu cứu.

Các vụ bạo hành trẻ em gần đây cho thấy, xã hội đang đối mặt những vấn đề vô cùng phức tạp về hệ giá trị và cơ chế bảo vệ trẻ em. Đại đa số nạn nhân của các vụ bạo hành đều là trẻ em trong những gia đình cha mẹ bất hòa, không hạnh phúc hoặc ly hôn. 

Chuyên gia nghiên cứu tội phạm cho rằng, người liên quan trực tiếp hoặc có vai trò hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp trong các vụ việc này chính là cha, mẹ hay người thân của trẻ. Sự thờ ơ, vô cảm, ích kỷ, thiếu quan tâm của họ dù với lý do gì đã tiếp tay cho thủ phạm và đẩy chính con em mình vào đường cùng. Hôn nhân không hạnh phúc, cha mẹ bất hòa theo đó là nguyên nhân sâu xa của những vụ việc thương tâm.

Khi các vụ bạo hành trẻ em được thông tin, mô tả chi tiết trên báo chí, dư luận bức xúc, lên án, đòi hỏi trừng phạt thủ phạm một cách thích đáng. Cũng có những câu hỏi đặt ra về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ trung ương đến địa phương. Tại sao các vụ việc chỉ được phát hiện khi hậu quả đã nghiêm trọng mà không được ngăn chặn kịp thời? Thế nhưng, nếu chỉ bức xúc thì chưa đủ bởi “bức xúc không làm ta vô can” và càng không phải là giải pháp cho những vụ bạo hành trẻ em vô cùng tàn nhẫn.

Luật Trẻ em 2018 xác định ba cấp độ bảo vệ trẻ em bao gồm: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Ở cấp độ phòng ngừa, trẻ em được giáo dục, tư vấn kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Nếu trẻ em thực sự được hướng dẫn, huấn luyện để phát triển kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ, những trường hợp đáng tiếc có thể sẽ được hạn chế.

Vì thế, tư duy bảo vệ trẻ em cần được chuyển hóa thành tư duy và hành động hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em biết cách bảo vệ mình. Là đối tượng dễ bị tổn thương, trẻ em xứng đáng được dành cho những điều tốt nhất, được xã hội chăm lo, bảo vệ. Thế nhưng, việc hướng dẫn, giáo dục kỹ năng sống để trẻ em trở thành những cá nhân chủ động, tích cực phải là ưu tiên hàng đầu. Hai vụ bạo hành đáng buồn gần đây cho thấy, trẻ em không thể chờ đợi và phụ thuộc vào sự bảo vệ của người lớn.

Tại một số quốc gia trên thế giới, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em được coi là ưu tiên số một để bảo đảm quyền cơ bản nhất của trẻ em là quyền sống. Trẻ được học các kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm trong hỏa hoạn, tìm kiếm sự hỗ trợ khi đi lạc hay xử lý tình huống khi gặp người lạ ngay từ mẫu giáo, tiểu học. Việc giáo dục các kỹ năng này được thực hiện bằng các hình thức đa dạng, sinh động từ xem phim hoạt hình, huấn luyện thực tế đến giải quyết tình huống cụ thể.

Càng bức xúc về những vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng gần đây, chúng ta càng thấy rằng, người lớn có trách nhiệm thay đổi tư duy và có hành động quyết liệt hơn không chỉ để bảo vệ trẻ em mà còn để huấn luyện trẻ em biết cách bảo vệ mình. Dù chúng ta bức xúc đến bao nhiêu thì cháu V.A không thể sống lại, cháu Đ.N.A không bị đóng đinh vào đầu nhưng chúng ta có thể hành động để những sự việc đáng tiếc tương tự không còn xảy ra.

TS. Vũ Thanh Vân