Gỡ khó cho dân khi giãn cách

- Thứ Sáu, 09/07/2021, 08:48 - Chia sẻ
Bắt đầu từ hôm nay, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch Covid-19. Những khó khăn về gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của người dân được dự báo là sẽ rất nghiêm trọng và đòi hỏi nỗ lực tổng thể của chính quyền, của doanh nghiệp và người dân để thích ứng. 

Ảnh minh hoạ

Thách thức đầu tiên phải kể đến là chuyện bảo đảm các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và thuốc men… cho người dân. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định “thành phố đủ lượng hàng cung ứng và duy trì ổn định các điểm bán hàng” đồng thời đề nghị “người dân không tập trung đông người, mua sắm tích trữ”. Sở Công thương đã công bố danh sách hơn 2.800 chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang hoạt động kèm theo địa chỉ, số điện thoại cụ thể. Thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các tỉnh tạo điều kiện cho các phương tiện chuyên chở hàng hóa đi lại thông suốt... Về phía các bộ liên quan, ngay trong chiều 7.7, Bộ Công thương đã thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; Bộ Giao thông Vận tải cũng họp khẩn về việc lưu thông hàng hóa ở phía Nam… Điều quan trọng là các chỉ đạo, các giải pháp này phải được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Nếu không, sẽ rất khó thuyết phục người dân thông cảm và ủng hộ trong những lần sau.
Điều thứ hai phải lưu ý là triển khai hỗ trợ khẩn cấp cho các nhóm cư dân bị tác động nặng nhất từ dịch bệnh. Có thể thấy sức chống chịu của người lao động, đặc biệt là nhóm hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, người lao động tự do đã vơi cạn rất nhiều sau hơn bốn tuần chiến đấu với dịch bệnh. Bản thân trong nhóm này, những người làm nghề tự do bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa - bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Họ chưa kịp phục hồi sau một năm nhiều biến động thì nay, dịch khiến thành phố phải giãn cách hơn một tháng và giờ là phong tỏa thêm nửa tháng nữa. Nhiều người đã mất việc làm, không có bảo hiểm và tiền tiết kiệm nên cực kỳ khốn khó. Vì vậy, các cấp chính quyền thành phố cần chủ động và trách nhiệm hơn nữa trong hỗ trợ nhóm này cho dù việc lập danh sách lao động tự do vốn không đơn giản và lại đặt trong điều kiện toàn thành phố phải giãn cách xã hội. Bằng mọi cách, thành phố cần bảo đảm tiến độ giải ngân nhanh nhất cho gói an sinh trị giá 886 tỷ đồng hỗ trợ người dân.
Thêm vào đó, tạo điều kiện để nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, từ các địa phương khác đến được tay những nhóm người cần hỗ trợ cũng là việc cần chú trọng. Chúng ta đã thấy, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của các đơn vị, tổ chức, địa phương về mặt nhân lực, thiết bị y tế… giúp TP. Hồ Chí Minh ứng phó với dịch, còn có rất nhiều hoạt động của các cá nhân, nhóm thiện nguyện nhằm chia sẻ khó khăn với người dân thành phố, nhất là người nghèo, người trong khu cách ly, khu phong tỏa. Những chuyến xe chở 3 tấn cá bà con Quảng Bình gửi đến người dân thành phố, mô hình phiên chợ 0 đồng, gian hàng nghĩa tình, những suất ăn miễn phí… thật ấm lòng và ý nghĩa. Vấn đề là, trong bối cảnh dịch, làm sao điều phối hoạt động thiện nguyện cộng đồng cho chuyên nghiệp và hiệu quả, để nguồn lực đến được những người cần hỗ trợ nhất. 

Để có sự ủng hộ và thông cảm của người dân đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn nữa từ phía chính quyền thành phố và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt trong việc giúp người dân vơi bớt khó khăn suốt thời gian phong tỏa. Làm được như vậy người dân chắc chắn sẽ hiểu và ủng hộ các chủ trương và giải pháp chống dịch khắt khe này.

Hà Lan