Gỡ từng nút thắt cho doanh nghiệp

- Thứ Hai, 11/10/2021, 07:42 - Chia sẻ
Còn nhiều đối tượng chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ an sinh xã hội, số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ ít; việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ hiệu quả thấp... Đây là ý kiến cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV xem xét.

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, dành nhiều gói hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 để ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất. Những chính sách như chiếc “phao cứu sinh” ban hành đúng lúc nhưng trong thực hiện còn lúng túng, giải ngân chậm, có đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận, bởi quy định cụ thể có chỗ cứng nhắc, "siết" quá chặt.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân gần 462 tỷ đồng, chiếm 6,2% kinh phí dự kiến chính sách về vay vốn của Nghị quyết 68/NQ-CP; hỗ trợ 922 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 132.400 lượt người lao động. Đây con số quá ít so với kỳ vọng.

Khảo sát nhanh của VCCI thực hiện tháng 8.2021 cho thấy: phạm vi và mức độ tác động của các gói hỗ trợ về thuế, tín dụng và an sinh xã hội đối với doanh nghiệp và người lao động còn rất hạn chế. Chỉ 35,29% doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp cận được với gói hỗ trợ về thuế; 30,7% doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về tín dụng và 23,55% doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về an sinh xã hội. Rõ ràng chính sách đã có, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ vẫn còn rất khiêm tốn.

Không ít doanh nghiệp cho rằng, để tiếp cận được gói hỗ trợ, doanh nghiệp phải trải qua nhiều thủ tục, trong đó có những điều kiện doanh nghiệp rất khó đáp ứng yêu cầu. Do đó, doanh nghiệp vẫn "chới với", chưa thật sự tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với gói hỗ trợ. Nguồn: INT

Theo quy định của Nghị quyết 68/NQ-CP để được hưởng chính sách cho vay trả lương ngừng việc, hay vay trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, đòi hỏi người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc quy định như vậy gây khó cho doanh nghiệp; trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp rất nặng nề, nhiều mặt. Sản xuất, lưu thông ngưng trệ kéo dài; nhiều khoản vay cần được giãn nợ, cơ cấu lại nợ nếu không tiếp tục trở thành "nợ xấu" và dòng tiền để trả nợ ngân hàng rất khó khăn.

Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 15.9, tại TP. Hồ Chí Minh, có 23 doanh nghiệp được vay trả lương cho 1.507 lao động với 6,4 tỷ đồng. Lý giải về việc còn quá ít doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn trả lương cho người lao động so với nhu cầu là bởi hiện tại còn đang giãn cách xã hội; mặt khác doanh nghiệp đang còn tập trung chống dịch. Tuy nhiên, ông Tiên cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp những khó khăn trong các điều kiện vay vốn, nhất là yêu cầu doanh nghiệp phải có quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và hiện không có nợ xấu. Theo ông Tiên, trong điều kiện dịch kéo dài, những yêu cầu này là quá khó với doanh nghiệp.

Nhằm kịp thời tháo gỡ nút thắt về chính sách cho vay để trả lương ngừng việc, mới đây, trong tờ trình, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  đề xuất Chính phủ bỏ quy định người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Bộ cho rằng, chính sách này chưa có nhiều doanh nghiệp đón nhận bởi việc vay tiền để trả lương cho người lao động không phải là chính sách hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn khá chặt chẽ dù đã được cắt giảm khá nhiều cũng khiến các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận chính sách này.

Vẫn biết rằng, các tổ chức tín dụng luôn thận trọng để bảo đảm an toàn về mặt tài chính. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn cần nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn, trong đó xem xét quy định không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn tác động như thế nào đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp. Từ đó sớm loại bỏ điều kiện này.

Bên cạnh gói hỗ trợ vay 0% lãi suất, gói giãn nợ, giảm lãi được nới lỏng các điều kiện, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần xây dựng một tổ hợp tín dụng có sự tham gia của tất cả các ngân hàng, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước. Tổ hợp này cho vay không cần thế chấp với lãi suất chỉ 3-5%/năm. Chỉ có cách này mới cứu được các doanh nghiệp vì hiện tại doanh nghiệp đang rất khó khăn. Để hạn chế rủi ro cho các ngân hàng từ việc vay tín chấp, thì tổ hợp này phải được bảo lãnh tín dụng bởi Quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương, nếu Quỹ này quá nhỏ thì cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Trường hợp doanh nghiệp không còn khả năng chi trả, Quỹ này phải bồi thường chi phí cho các ngân hàng và coi đây là chi phí Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hiếu đề xuất.

Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành ngày 1.7.2021 đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục, tạo điều kiện người dân và doanh nghiệp tiếp cận với gói hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện có những bất cập cần điều chỉnh. Trong đó "soi" kỹ điều kiện “không có nợ xấu ngân hàng” đối với doanh nghiệp khi tiếp cận chính sách cho vay trả lương ngừng việc có cần thiết không để loại bỏ. Nút thắt này được tháo gỡ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với chính sách hỗ trợ.

Lê Hùng