Gỡ vướng cho đầu tư công

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 12:32 - Chia sẻ
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án theo hướng phân quyền của Thủ tướng cho các bộ chủ quản là đề xuất thu hút được nhiều sự quan tâm tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật điện lực, Luật Doanh nghiệp,  Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Lắm thủ tục, nhiều dự án chậm tiến độ

Trong năm 2019 có 1.878 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,7% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (gồm có 49 dự án nhóm A, 502 dự án nhóm B, 1.327 dự án nhóm C). Trong đó có 1.267 dự án chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, 337 dự án chậm do thủ tục đầu tư, 248 dự án chậm tiến độ do bố trí vốn không kịp thời, 157 dự án chậm do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu và 545 dự án chậm do các nguyên nhân khác. (Nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo quy định tại Điểm b, c, d, Khoản 4, Điều 17, Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án: Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp: chương trình, dự án nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào các chương trình, dự án khu vực; Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.

Theo quy định tại Điều 25, Luật Đầu tư công, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư này phải trình Thủ tướng Chính phủ 2 lần để xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Thực tiễn thi hành Luật Đầu tư công cho thấy: Trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản điều chỉnh quyết định đầu tư. Theo các thủ tục này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và gửi lại cho cơ quan chủ quản để tiếp thu và giải trình trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: quy trình nêu trên phù hợp đối với dự án đầu tư nhóm A với quy mô lớn, có tính chất liên ngành, liên vùng, thường có tỷ lệ cho các địa phương vay lại cao và phải thực hiện theo các yêu cầu, điều kiện chặt chẽ tại hiệp định với nhà tài trợ lớn (như Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB) được ký kết nhân danh Nhà nước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Chính vì vậy, các dự án này cần được thực hiện theo thủ tục chặt chẽ hơn để bảo đảm tuân thủ mục tiêu, định hướng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cam kết với nhà tài trợ và an toàn nợ công bền vững.

Nhiều  dự  án  chậm  tiến  độ

Nguồn:  ITN 

Tuy nhiên, đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhóm B và C là nhóm dự án có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quản và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện (như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân) thì tính cả điều chỉnh, các dự án này sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ 3 lần (xem xét, phê duyệt đề xuất chương trình, dự án; quyết định chủ trương đầu tư; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư) dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ và phải gia hạn hiệp định.

Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư

Để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm đối với cơ quan chủ quản trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo, nhiều ý kiến đề xuất, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điểm b, c và d, Khoản 4, Điều 17; Điều 25 Luật đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với: Dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại; Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ  nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.

Phân  quyền  cho  người  đứng  đầu  cơ  quan  chủ  quản  đối  với  một  số dự  án  thuộc nhóm B và C

Nguồn:  ITN 

Việc sửa đổi theo hướng này phù hợp với Điều 33, Luật Đầu tư công. Theo  đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, Bộ này sẽ không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án nhóm B và nhóm C trong trường hợp phân quyền cho người đứng đầu cơ quan chủ quản như đề xuất nêu trên.

Vì vậy, việc thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài sau khi phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư nhóm B, C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ để cơ quan chủ quản thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là cần thiết để triển khai công tác thẩm định vốn, bố trí vốn hàng năm.

Để đảm bảo các dự án đầu tư nhóm B và C được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn khi phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung vào Khoản 2, Điều 33 Luật Đầu tư công quy định về việc Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau khi phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Đình Khoa