Sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng:

Gỡ vướng khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách

- Chủ Nhật, 20/06/2021, 05:32 - Chia sẻ
Công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương là một trong những nội dung còn nhiều vướng mắc trong thực tế và đòi hỏi phải có những sửa đổi trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Vì thế, vừa qua, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tổ chức riêng một phiên họp về vấn đề này, xem xét hướng hoàn thiện các quy định liên quan.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp ngày 17.6

Chưa tương xứng với đóng góp của đại biểu chuyên trách

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, để bảo đảm công bằng về chế độ, chính sách đối với cán bộ, năm 2019, 2020, Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội tham mưu, đề xuất và báo cáo với Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, khen thưởng đối với các đại biểu chuyên trách ở Trung ương và cán bộ thuộc diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý có thời gian giữ chức vụ từ 5 năm trở lên. Do đó, trong năm 2020 đã có 56 cá nhân được xem xét khen thưởng với các hình thức như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Chủ tịch Nước do có thành tích trong quá trình công tác.

Tuy nhiên, tại phiên họp của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, đại diện Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, công tác thi đua khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách thời gian qua vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa tương xứng với những đóng góp cả về công sức, trí tuệ của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hình thức khen thưởng phổ biến với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay là khen thưởng thường xuyên (khen thưởng hàng năm) nhưng lại không áp dụng được đối với đại biểu chuyên trách ở Trung ương và địa phương. Hiện nay, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách mới chủ yếu là khen thưởng đột xuất, khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đối ngoại, khen thưởng cống hiến khi đại biểu chuyên trách có thông báo nghỉ hưu.

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chỉ rõ, theo nguyên tắc, có thi đua thì mới có khen thưởng. Tuy nhiên, các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 và Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ quy định chi tiết, thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn lại không có quy định việc khen thưởng đối với đối tượng là đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, tiêu chí của các hình thức khen thưởng phù hợp với tính chất hoạt động hết sức đặc thù của đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng chưa có. Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh, theo Điều 38 Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 về Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì Bằng khen của Thủ tướng sẽ là cơ sở để xét khen thưởng cho hình thức cao hơn. Tuy nhiên, theo các tiêu chuẩn, tiêu chí có trong Điều 38 của Nghị định thì đại biểu Quốc hội chuyên trách rất khó có thể được xét khen thưởng. Bởi lẽ, Quốc hội không tổ chức phong trào thi đua nên không có cơ sở xác định thành tích để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn. Đặc biệt, các hình thức xem xét khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương cũng gặp nhiều vướng mắc do chưa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng thấp hơn liền kề.

Bên cạnh đó, nếu triển khai công tác thi đua trong Quốc hội để có cơ sở khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách thì theo các đại biểu tại phiên họp, cũng sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề khó thực hiện như: Bộ phận làm nhiệm vụ thực hiện phát động phong trào thi đua, sơ kết, tổng kết, đánh giá, bình xét; cơ quan nào sẽ công nhận danh hiệu thi đua, hình thức hàng năm cho các đại biểu chuyên trách; kinh phí thực hiện…

Chỉ "khen thưởng" không nên "thi đua"

Nhằm bảo đảm công bằng, khách quan, công khai và minh bạch đối với công tác khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần có nghiên cứu quy định khung tiêu chuẩn, tiêu chí khen thưởng phù hợp với đối tượng là đại biểu Quốc hội chuyên trách xuất phát từ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, đối với đại biểu chuyên trách ở Trung ương, không tổ chức thi đua, chỉ xét khen thưởng hàng năm hoặc theo nhiệm kỳ. Cơ quan giúp việc về chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội tham mưu trình Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đối với đại biểu chuyên trách tại địa phương, cần có quy định cụ thể và hướng dẫn thống nhất việc khen thưởng ở địa phương. 

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, trong đó, tại Điều 84 về thẩm quyền đề nghị khen thưởng có quy định: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương. Trong khi đó, Ban Công tác đại biểu là cơ quan tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý trong đó có công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách và quản lý hồ sơ đại biểu Quốc hội. Nêu thực tế này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh đề nghị, thẩm quyền trình khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương nên do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cấp có thẩm quyền về chủ trương, tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng; Văn phòng Quốc hội chỉ chủ trì việc tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Đại biểu không chỉ đại diện cho Nhân dân ở đơn vị bầu cử mà còn đại diện cho Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội; có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri. Do vậy, nhiều ý kiến tại phiên họp của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội nhất trí cho rằng, chỉ nên khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách chứ không nên thi đua. Bởi lẽ, thi đua thì sẽ phải có phong trào, phát động để rồi tổng kết và khen thưởng sẽ tạo ra những bất cập mới. Ngoài ra, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Lương Phan Cừ, người được bầu làm đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng là do Đảng giới thiệu để ứng cử và khi được mang danh hiệu là đại biểu Quốc hội đã là một vinh dự vô cùng lớn lao. Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã luôn đóng góp ở nhiều góc độ nhưng khi xem xét khen thưởng phải phân biệt được chất lượng ý kiến, đóng góp của những đại biểu tham gia Dự án Luật hay những vấn đề khác được đưa lên Quốc hội. Ông Lương Phan Cừ cũng đề nghị, cần xem xét sửa đổi thêm để có thể vận dụng hình thức khen thưởng, động viên, khuyến khích và ghi nhận những công trạng của các đại biểu Quốc hội nói chung chứ không chỉ mỗi đại biểu chuyên trách.

Hồ Long