Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021:

Gói kích cầu, kích thích tài khóa phải đáp ứng yêu cầu trung hạn để duy trì ổn định vĩ mô

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 13:57 - Chia sẻ
Tham gia ý kiến tại Phiên toàn thể - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng nay, 5.12, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud nhận thấy, Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục kinh tế - xã hội cho dù đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành. Việc tiêm chủng, tăng cường năng lực của khối y tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục các hoạt động kinh tế, các chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời, đúng đối tượng có thể giúp giảm thiểu các tác động của đại dịch cũng như có công cụ tái cơ cấu để hỗ trợ sự phát triển trong dài hạn.
Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud phát biểu tại diễn đàn
Nguồn: diendankinhte.brandx.com.vn

Theo ông Francois Painchaud, về tầm nhìn kinh tế, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những biến động trên thế giới. “Chúng ta có thể nhìn trong tài liệu về tầm nhìn kinh tế thế giới gần đây nhất, đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường. Kinh tế một số khu vực trên thế giới bao gồm Đông Nam Á được dự báo tăng 5% trong năm 2021, khoảng 4% cho năm 2022. Tầm nhìn kinh tế tại châu Á trong năm 2021 bây giờ đã giảm xuống hơn 1,3% và chỉ còn còn 6,2 % so với mức dự đoán trước đây do đại dịch Covid-19”.

Khi chúng ta đẩy mạnh công cụ tiêm chủng vaccine thì tăng trưởng trong khu vực cũng tăng lên phần nào so với dự báo trước đây của năm 2022. Khẳng định điều này, song ông Francois Painchaud cũng chỉ rõ, mục tiêu chủ yếu là khi chúng ta nhìn vào tăng trưởng trên thế giới thì vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi cho tiến trình hồi phục của Việt Nam. Nhưng, chúng ta vẫn có thể đối mặt nhiều biến động khó lường do các đợt dịch mới, các biến chủng mới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như các biến động với tình hình tài chính toàn cầu. “Đây là áp lực tài chính ngày càng gia tăng khi các chính sách tài chính dần dần bị thu hẹp lại”, ông Francois Painchaud nói.

Tuy nhiên, ông Francois Painchaud cũng chia sẻ với quan điểm của nhiều diễn giả tại Diễn đàn lần này, đó là chỉ khi tiến trình hồi phục toàn cầu bắt đầu được đẩy mạnh, thì chỉ số giá sản xuất tăng dần trong bối cảnh giá đầu vào ngày càng tăng và chuỗi cung ứng vẫn đang bị gián đoạn. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã chứng kiến tình trạng lạm phát bao gồm cả Hoa Kỳ, châu Âu … Tuy tỷ lệ lạm phát gia tăng chỉ mang tính tạm thời, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với những biến động, tình hình lạm phát vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu… Theo ông Francois Painchaud, đây là “những điều cần cân nhắc khi đưa ra các biện pháp ứng phó và tránh những áp lực lạm phát về phía cầu khi chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều áp lực lạm phát từ nguồn cung”.

Về dự báo tăng trưởng giai đoạn 2021-2022, ông Francois Painchaud nêu vấn đề: Dự báo tăng trưởng giữa các nền kinh tế mới nổi đã và đang phát triển phụ thuộc nhiều vào tiến trình tiêm chủng vaccine. Chúng ta thấy rằng, các nền kinh tế phát triển cũng đang có lộ trình phát triển tương đối tích cực trong năm 2021-2022. Trong khi đó, tình hình của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở châu Á lại dự báo giảm đi rất nhiều trong năm 2021 và có thể tăng lên một chút trong năm 2022.

Nguồn: diendankinhte.brandx.com.vn

Đối với tiến trình điều chỉnh tăng trưởng GDP và việc tiêm vaccine, ông Francois Painchaud nhấn mạnh, “việc tiêm chủng đóng vai trò rất quan trọng để trở lại bình thường và kết nối lại các hoạt động giao thương cần thiết”. Sự khác biệt giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi, đó là sự hỗ trợ về mặt chính sách trung hạn, còn cơ chế của các nước đang phát triển và mới nổi nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với mức tiền đại dịch. Đặc biệt, việc tổn thất GDP được dự báo sẽ cao hơn rất nhiều so với các quốc gia mới nổi và phát triển.

Theo ông Francois Painchaud, tuy Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương nhưng mức độ triển khai các hoạt động kinh tế Việt Nam lại giảm như các nền kinh tế mới nổi khác. Do đó, “chúng ta cần có những cuộc thảo luận các biện pháp chính sách khác để giảm thiểu tác động trung và dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam”, ông Francois Painchaud khuyến nghị. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển có các biện pháp ủng hộ tài khóa mạnh mẽ hơn rất nhiều so với các biện pháp được thực hiện tại các thị trường mới nổi ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Từ thực tế này, ông Francois Painchaud cho rằng, “có một vài điểm cần lưu ý”, trước tiên là quy mô của các biện pháp hỗ trợ tài khóa của các nền kinh tế mới nổi và phát triển có thể không áp dụng được ở các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam. Thứ hai, chính sách hỗ trợ cần được “tinh chỉnh” dựa trên diễn biến của dịch bệnh cũng như tiến trình phát triển kinh tế của từng nước. Các biện pháp đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội cần đi kèm với sự hỗ trợ chính sách ở các ngành nghề cần thiết. Các biện pháp “hỗ trợ tạm thời nhưng kịp thời” cần được cung cấp cho các hộ gia đình, hay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nhất khi chúng ta dần hướng tới việc mở cửa trở lại. Đặc biệt, “khi tiến trình hồi phục đang được triển khai thì chúng ta phải tập trung vào tăng trưởng bền vững và có sức chống chịu cao”, ông Francois Painchaud chỉ rõ.

Về tình hình Việt Nam, ông Francois Painchaud nhận thấy, trong năm 2021, đại dịch đang diễn biến phức tạp hơn với quy mô lớn hơn và dai dẳng hơn. Việt Nam đang có tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 rất ấn tượng. Các biện pháp kiểm soát dịch cũng đang dần được gỡ bỏ. Việt Nam hiện đang dần có dấu hiệu phục hồi về kinh tế và có lẽ sẽ gỡ bỏ được phần nào các biện pháp kiểm soát bắt đầu từ quý IV này. Dần dần trong năm 2021, khi việc tiêm chủng vẫn được triển khai thì các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường để chung sống với đại dịch.

Với những nhận định nêu trên, ông Francois Painchaud dự báo: Việt Nam có thể tăng trưởng 2,5% trong năm 2021 và 6,6% trong năm 2022. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã và vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập cũng như thị trường lao động. Việc làm của người dân bị ảnh hưởng nặng nề gần đây, đặc biệt trong quý II.2020 trở đi. Tới quý IV.2020, người dân đã phần nào chuyển đổi việc làm nhưng những người lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề nhất, họ là những người không được cung cấp bảo hiểm, thu nhập không ổn định. Tiền lương của người dân không hồi phục rõ rệt vào quý IV.2020 và tiếp tục giảm trong năm 2021.

Dịch Covid-19 đã gây ra tác động tài chính và cũng có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng. Chỉ ra vấn đề này, theo ông Francois Painchaud, “phải có những biện pháp vận chuyển tiền mặt một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng có yêu cầu cấp thiết. IMF đã triển khai hệ thống tương tự các quốc gia như Cambodia, Philippines.... 

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp, ông Francois Painchaud cho rằng, cần có những biện pháp hỗ trợ thanh khoản tạm thời đúng đối tượng để giúp doanh nghiệp có thể tránh được ảnh hưởng về lâu dài do đại dịch. “Việt Nam có thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong những về chính sách tài khóa, tập trung vào biện pháp chi tiêu và có biện pháp về thuế; tăng cường chi tiêu về tiêm chủng vaccine, các liệu pháp điều trị cũng như nâng cao năng lực cho y tế…

Đặc biệt, theo ông Francois Painchaud, “gói kích cầu, kích thích tài khóa phải đáp ứng yêu cầu trung hạn cũng như khuôn khổ tài khóa để duy trì ổn định vĩ mô. Bởi các gói kích thích không nên tạo các áp lực lạm phát khi Việt Nam vốn đã và đang chịu nhiều áp lực lạm phát đến từ phía cung”.

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn có thể đạt được, nhưng cần cải thiện khả năng chống chịu, tránh tác hại về lâu dài và nâng cao năng lực cho các thể chế, duy trì ổn định vĩ mô, cải cách cơ cấu… Nhấn mạnh điều này, ông Francois Painchaud nêu rõ, “chúng ta có tin tốt là các chương trình phục hồi đã được cân nhắc, những cải cách đưa ra có thể giúp Việt Nam nâng cao năng suất, nhưng kế hoạch cải cách này phải làm một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn dự kiến”.

Phương Thủy