ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm

- Thứ Năm, 22/07/2021, 20:30 - Chia sẻ
Trong buổi thảo luận tổ chiều nay, 22.7, cùng với các ĐBQH các tỉnh Điện Biên, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Buổi chiều, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ, đóng góp nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra trong năm và cả giai đoạn. Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao báo cáo của Chính phủ đã phản ánh kỹ lưỡng các kết quả đạt được và chỉ rõ các tồn tại hạn chế trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng đã đạt được là hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ ngoài khái quát các tác động của đại dịch Covid-19, cần thể hiện rõ nét hơn tác động tiêu cực của một loạt các yếu tố khác. Nêu các con số thống kê do ảnh hưởng của tình hình ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, thiên tai, hỏa hoạn, các loại dịch bệnh khác…, đại biểu Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh: Phải đánh giá toàn diện hơn về các yếu tố bất lợi này để thấy được bức tranh toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, phát biểu thảo luận tại tổ.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Lê Minh Chuẩn cũng đề xuất, trong công tác phòng, dịch hiện nay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế là thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại nhiều địa phương thì hai yếu tố: Truyền thông và công nghệ khi được áp dụng cùng đã mang lại những kết quả hết sức quan trọng. “Điều này cũng phù hợp với bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ vào cuộc sống hiện nay”, đại biểu Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh. Cho ý kiến thêm về tiến độ triển khai gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị, cần triển khai thật nhanh chóng. Mặt khác, cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn, giãn nợ thuế cho cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu, không triệt hạ nguồn thu. Đại biểu cũng đề nghị, cần chuẩn bị kịch bản để cho 2022 từ sớm trên nền tảng những kinh nghiệm đã đúc kết được ở năm 2021.

Chỉ tiêu tăng trưởng cao không có nghĩa là không thực hiện được

Tham gia ý kiến tại buổi thảo luận tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá đậm nét hơn về bối cảnh 6 tháng đầu năm. Trong đó, có việc tổ chức thành công nhiệm vụ kép vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Về phát triển kinh tế, nhấn mạnh đến mô hình cho công nhân ở lại nơi làm việc vừa được nhiều địa phương triển khai vừa qua, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây là những mô hình vừa chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh hết sức hiệu quả. Trong phòng chống dịch, thì giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã mở ra những cơ hội để hiện thực hóa các nội dung được Bộ chính trị đã đề ra. Trong đại dịch, cũng thể hiện tính thích nghi cao của các địa phương trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn có kiểm soát.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi thảo luận
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi thảo luận

Bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trong sáng 22.7, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đánh giá rất cao các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất. Theo đại biểu, chỉ tiêu tăng trưởng được Chính phủ trong cả giai đoạn 2020 – 2025 được đánh giá là cao song, cao không có nghĩa là không thực hiện được. Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề xuất, phải tăng cường lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi dậy các nguồn lực trong xã hội. Và tận dụng các cơ hội ngay khi mở cửa thị trường trở lại.

Phải khắc phục độ trễ trong ban hành chính sách

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của ngành nông nghiệp và đánh giá, đây vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp đã tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn chưa có dịch Covid - 19, đóng góp đến 8,17% vào mức tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị, cần có các nhiệm vụ cụ thể hơn, sâu sát hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận tại tổ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ 

Đối với công tác hoàn thiện thể chế, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, phải quan tâm hơn nữa công tác dự báo, phân tích để hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong xây dựng chính sách và đánh giá tác động đối với các đối tượng thụ hưởng. “Phải khắc phục được độ trễ trong ban hành chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống”, đại biểu Đỗ Thị Lan nhấn mạnh.

Sớm khắc phục các “điểm nghẽn” của nền kinh tế

Trước đó, Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội cũng bày tỏ tán thành với nhận định của Chính phủ về tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64% tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.

Dù vậy, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ: CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, sức cầu trong nước yếu, tuy nhiên CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo; tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô. 

Các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tại phiên thảo luận tổ
Các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tại phiên thảo luận tổ

Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%. Vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021. 

Cùng với đó, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4.2021 là 1,78%). Nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính. Về mặt bằng lãi suất giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ…

MẠNH TUÂN