Phong trào “Xây dựng đê kiểu mẫu”

Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ đê điều

- Thứ Năm, 20/05/2021, 05:00 - Chia sẻ
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, cùng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ hệ thống đê điều. Trong cuộc trao đổi gần đây với Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Phạm Đức Luận cho biết, Tổng cục đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu nhiều mô hình mới, cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Một trong số đó là thông qua phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” (Phong trào).

Nhiều kết quả nổi bật

Nhận thức được những thành quả to lớn của các phong trào thi đua yêu nước mang lại, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) ban hành Quyết định số 52/QĐ-BNN-TCCB ngày 8.1.2016 về việc phát động phong trào với nhiều nội dung chính. Cụ thể, mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thu hút mọi tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, bảo vệ đê điều, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả của hệ thống đê điều phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu xây dựng nhiều “Hạt Quản lý đê điển hình” và nhiều “tuyến đê kiểu mẫu”. Phong trào này đã được diễn ra từ năm 2016 - 2020, hàng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện; giữa kỳ tổ chức sơ kết và cuối kỳ tổ chức tổng kết. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống đê điều thuộc phạm vi 19 tỉnh, thành phố có đê từ đê cấp III đến cấp đặc biệt, trong đó các Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Chi cục Thủy lợi), các Hạt Quản lý đê là nòng cốt.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai PHẠM ĐỨC LUẬN

Trên cơ sở hướng dẫn và các tiêu chí cụ thể do Bộ NN-PTNT ban hành, 19 tỉnh, thành phố có đê đã xây dựng kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu thi đua và triển khai thực hiện. Đến nay đã có 34 Hạt Quản lý đê đạt tiêu chí “Hạt Quản lý đê điển hình”. Đây là những điểm sáng về công tác quản lý, là mô hình thực tế nhất để các địa phương có thể chia sẻ, học hỏi, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai nhân rộng. Trong đó các tiêu chí chủ yếu đã đạt được là: Công tác quản lý được thực hiện nền nếp, bài bản; các vi phạm được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, hồ sơ vi phạm đúng quy định; thực hiện tốt việc tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố đê…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận thông tin, đến nay đã có 61 tuyến đê, tổng chiều dài 283,5km đã đạt tiêu chí “Tuyến đê kiểu mẫu”. Những tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng không chỉ bảo đảm an toàn chống lũ mà còn là những công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong đó các tiêu chí chủ yếu đã đạt được là tuyến đê bảo đảm an toàn chống lũ thiết kế. Giao thông trên tuyến đê phục vụ phòng chống lụt bão, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được thuận lợi. Mái đê được phát quang, chỉnh trang sạch sẽ, nhiều tuyến đê được kết hợp trồng hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Trên tuyến có đủ công trình phụ trợ, đáp ứng yêu cầu quản lý như điếm canh đê, kho bãi vật tư dự trữ, biển báo. Hành lang bảo vệ được quản lý tốt, những khu vực qua dân cư được xây dựng đường hành lang chống lấn chiếm vi phạm, kết hợp phục vụ dân sinh…

Trên cơ sở kết quả thực hiện Phong trào của các địa phương và qua công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, đến nay Tổng cục Phòng chống thiên tai đã báo cáo Bộ NN-PTNT quyết định khen thưởng đối với 17 tập thể và 25 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua để kịp thời động viên, khích lệ và biểu dương tại các Hội nghị tập huấn quản lý đê hàng năm.

Nhiều địa phương với mô hình, cách làm sáng tạo  

TP. Hà Nội và tỉnh Nam Định là hai trong số các địa phương có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước và cũng là hai địa phương điển hình trong việc thực hiện Phong trào với rất nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Những địa phương này đã huy động được sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự tham gia đóng góp của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.

Cụ thể, tuyến đê hữu Hồng đoạn qua địa bàn xã Điền Xá (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) trước kia không có đường hành lang chân đê, tình trạng vi phạm hành lang đê diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng đến an toàn đê và mất mỹ quan. Thực hiện Phong trào thi đua Xây dựng đê kiểu mẫu được Bộ NN-PTNT phát động, Chi cục Thủy lợi Nam Định, Hạt Quản lý đê Nam Trực đã bố trí kinh phí từ nguồn duy tu bảo dưỡng đê điều để cứng hóa mặt đê, xây dựng khung trồng cỏ mái đê, đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền xã Điền Xá tuyên truyền, vận động người dân sống ở ven đê hiểu được những lợi ích khi xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã tự giác tháo dỡ các công trình, vật dụng vi phạm hành lang bảo vệ đê trước kia, ngoài ra còn hiến đất, đóng góp phần lớn kinh phí để bê tông hóa đường hành lang chân đê, tổ chức trồng, chăm sóc hoa, cỏ mái đê.

Tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) trước kia tình trạng người dân sống ở ven đê đặt chậu cây cảnh, trồng rau màu, đổ rác thải trên mái đê diễn ra phổ biến, gây mất an toàn đê, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Trước tình hình đó, UBND quận Hoàng Mai đã chủ động bố trí kinh phí để cải tạo, chỉnh trang mái đê, đường hành lang chân đê, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thay đổi bộ mặt của đoạn đê. UBND phường, Hạt Quản lý đê, Hội Cựu chiến binh cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều. Sau khi mái đê, đường hành lang đê được chỉnh trang, cảnh quan đô thị như được thay mới, ý thức của các hộ dân ven đê được nâng cao, các hành vi vi phạm không còn tái diễn, thậm chí các hộ dân ven đê cùng với Hội Cựu chiến binh đã tự nguyện bỏ công sức tổ chức chăm sóc, bảo vệ hoa, cỏ mái đê, nhờ đó cảnh quan xanh, sạch đẹp luôn được duy trì.

Tiếp tục nhân rộng trong giai đoạn 2021 - 2025

Phong trào này đã được Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ NN-PTNT đánh giá là Phong trào rất thiết thực, có điều kiện để triển khai trên thực tế. Theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Đức Luận, để đạt được những kết quả thiết thực theo đúng mục tiêu đã đề ra, thời gian tới các địa phương cần tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn, chỉ ra những điểm tích cực để phát huy, nhân rộng, cũng như những tồn tại, hạn chế để sửa chữa, khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm thực hiện tốt hơn trong giai đoạn 2021 - 2025 tới. Tiếp tục huy động nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng Hạt Quản lý đê điển hình, Tuyến đê kiểu mẫu đã đăng ký.

Đối với các Hạt Quản lý đê, tuyến đê đã được xây dựng theo tiêu chí “Hạt Quản lý đê điển hình”, “Tuyến đê kiểu mẫu” cần duy trì, giữ vững và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện theo các tiêu chí quy định. Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng phương án, kế hoạch tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025.

Việc thực hiện phong trào thi đua cần chú trọng tăng cường công tác quản lý đê điều, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp Nhân dân để tham gia thực hiện. Lồng ghép các chương trình, dự án nâng cấp đê sông, đê biển; đồng thời sắp xếp, lựa chọn các hạng mục xây dựng đê kiểu mẫu trong kế hoạch duy tu, tu bổ đê điều hàng năm.

T.T