Hoạt động của Quốc hội Khóa XIV

Góp phần tạo dựng cơ đồ, vị thế và uy tín Việt Nam

- Thứ Hai, 29/03/2021, 05:53 - Chia sẻ
Quốc hội Khóa XIV hoạt động trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới: Phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phòng, chống đại dịch Covid-19. Trước tất cả yêu cầu đó, Quốc hội đã đạt được những kết quả đáng trân trọng trên cả ba phương diện lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần xứng đáng tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín Việt Nam như ngày nay.

Phục vụ đắc lực việc thực hiện 3 đột phá chiến lược

Công tác lập pháp của Quốc hội Khóa XIV đã phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XII của Đảng quyết định. Trong đó, phục vụ cho đột phá chiến lược thứ nhất về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội đã ban hành các Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Quản lý nợ công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... 

Phục vụ cho đột phá chiến lược thứ hai về phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ, Quốc hội đã ban hành các Luật An ninh mạng, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức... 

Phục vụ đột phá chiến lược thứ ba về huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Quốc hội đã ban hành các Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đường sắt, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Đo đạc bản đồ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều...

Phục vụ nhiệm vụ chiến lược bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Quốc hội đã ban hành các Luật Quốc phòng, Luật Công an Nhân dân, Luật Cảnh vệ, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật An ninh mạng, Luật Biên phòng Việt Nam... Phục vụ cho nhiệm vụ tăng cường hoạt động đối ngoại, Quốc hội đã ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài...

Đáng lưu ý là, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng nhân tố con người. Con người được đặt ở vị trí trung tâm, tất cả cho con người và tất cả vì con người. Trên giác độ lập pháp, đến nay Quốc hội đã hoàn thiện một chỉnh thể pháp luật khá hoàn thiện về con người. Theo từng giai đoạn phát trển của con người, ở tuổi thiếu thời có Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em; ở giai đoạn trưởng thành có Luật Thanh niên; về già có Luật Người cao tuổi. Theo quá trình tiếp nhận tri thức thì có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học. Bước vào quá trình lao động thì có Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để bảo vệ sức khỏe cho cả cuộc đời thì có Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo hiểm xã hội... Tất cả các đạo luật này đều nhằm phục vụ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về con người và sức khỏe con người là trước hết và trên hết.

Có thể nói rằng, tiếp nối các nhiệm kỳ trước, Quốc hội Khóa XIV đã góp phần đắc lực hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân...”.

Giám sát - “đòn bẩy” nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã triển khai 6/7 hình thức giám sát theo luật định (trừ hình thức thứ 5 về thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra). Điều quan trọng hơn là, nếu ở nhiều khóa trước chức năng giám sát của Quốc hội vẫn được đánh giá là “khâu yếu” thì đến nhiệm kỳ này, hiệu lực và hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội đã được nâng lên rõ rệt.

Các hình thức xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, đã phát huy hiệu lực và hiệu quả khá rõ nét. Các báo cáo của các cơ quan nhà nước, nhất là các báo cáo của Chính phủ (về kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm; báo cáo tình hình nợ công; báo cáo về tình hình phòng chống đại dịch Covid-19...) phản ánh khá rõ về tình hình, đầy đủ về cứ liệu, làm cho mức độ hài lòng của đại biểu và cử tri được nâng lên.

Lấy phiếu tín nhiệm và hoạt động chất vấn là hai hình thức giám sát tối cao gắn chặt với trách nhiệm cá nhân từng chức danh trong bộ máy nên có tác dụng rất lớn. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các thành viên Chính phủ đã quán xuyến khá đầy đủ và ngày càng trách nhiệm hơn trước các công việc trong phạm vi quản lý, điều hành của mình. Quốc hội đã trải qua ba lần lấy phiếu tín nhiệm (2 lần ở Khóa XIII, 1 lần ở Khóa XIV) cho thấy chức danh có tín nhiệm cao (từ 300 phiếu trở lên) tăng lên rất nhanh, lần thứ ba cao gấp hơn 1,2 lần so với lần thứ hai và cao gấp 3,3 lần so với lần thứ nhất.

Giám sát tối cao đã và đang trở thành một “đòn bẩy” góp phần đắc lực vào việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Vừa chiến lược, vừa cấp bách

Khóa XIV, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Trong đó, có 4 loại quyết định vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính cấp bách. Một là, những quyết định góp phần xây dựng phát triển đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh như Nghị quyết tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Hai là, những Nghị quyết về áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng chính quyền đô thị đối với Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

Ba là, các Nghị quyết tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, mở ra hướng “làm ăn mới”, như các Nghị quyết phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Bốn là, các Nghị quyết xử lý “tình huống”, tháo gỡ những “nút thắt” để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống đại dịch Covid-19 thành công, vừa vực dậy, phát triển nền sản xuất như các Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết kéo dài thời hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp...

Quốc hội các khóa nói chung, Khóa XIV nói riêng đã thực hiện đúng đắn, có hiệu quả “quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” mà Điều 69 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần xứng đáng vào việc tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế như ngày nay.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội