Sổ tay:

Gộp thủ tục, giảm chi phí

- Thứ Năm, 15/07/2021, 05:43 - Chia sẻ
Mặc dù được đánh giá là có nhiều đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, song góp ý vào Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần thiết kế lại cơ chế cấp phép hoạt động của các cơ sở hoạt động giáo dục theo hướng gộp thủ tục cho phép thành lập và cho phép hoạt động vào thành một.
Thủ tục mở trường mầm non tư thục
Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Theo quy định của pháp luật về giáo dục như Nghị  định 135/2018/NĐ-CP; Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ... các cơ sở giáo dục (trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục; trường tiểu học; trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông; trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập; trung tâm ngoại ngữ, tin học) muốn hoạt động phải thực hiện hai nhóm thủ tục để có được hai loại giấy phép: giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động.  

Dự thảo đã đề xuất gộp hai thủ tục này vào thành một thủ tục, nhưng chỉ áp dụng đối với một số thủ tục như cho phép thành lập và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, mà chưa áp dụng đồng bộ các thủ tục cấp phép đối với các loại hình cơ sở giáo dục khác. 

Thực tế, đối với giấy phép thành lập, điều kiện chủ yếu là phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và phải có đề án về việc thành lập trường. Sau khi cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập thì nhà đầu tư sẽ chứng minh đáp ứng các điều kiện hoạt động và thực hiện thủ tục để được phép hoạt động. Việc quy định thực hiện hai thủ tục này đã tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư. Ở góc độ quản lý, mục tiêu cần kiểm soát là xác định việc thành lập các cơ sở giáo dục có phù hợp với các quy hoạch về mạng lưới cơ sở giáo dục (nếu có) và nhà đầu tư có đáp ứng được các điều kiện theo quy định không.

Mặt khác, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động của một số cơ sở giáo dục như trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; trường tiểu học; trường trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa rõ ràng về điều kiện tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực. 

Đơn cử, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục phải “bảo đảm về an toàn, vệ sinh môi trường; có đủ nguồn lực tài chính; có thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có đội ngũ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục”.

Góp ý vào quy định này, nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến, việc yêu cầu cụ thể về năng lực tài chính, hay số lượng nhân lực, cơ sở vật chất sẽ dẫn tới nguy cơ tạo ra rào cản khắt khe hơn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, việc quy định rõ ràng, chi tiết quy định về điều kiện kinh doanh còn phải đánh giá về tính hợp lý của điều kiện đó để xem xét nên giữ hay bỏ các điều kiện này.

Đơn cử, đối với điều kiện “có đủ nguồn lực tài chính”, nếu quy định rõ ràng sẽ phải áp đặt một số lượng vốn cụ thể mà cơ sở giáo dục buộc phải đáp ứng. Điều kiện này không cần thiết, bởi vì để có thể xây dựng được cơ sở vật chất theo quy định và duy trì hoạt động thì cơ sở giáo dục phải có nguồn lực tài chính. Hơn nữa, rất khó để xác định một chuẩn chung về tài chính áp dụng cho tất cả các trường trong phạm vi cả nước. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo  cần xem xét để bãi bỏ, chứ không nên sửa đổi theo hướng quy định cụ thể như tại dự thảo. 

Đình Khoa