Hà Giang xóa "vùng trắng công nghiệp"

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 06:29 - Chia sẻ
Sự hỗ trợ đúng trọng tâm, trọng điểm của chương trình khuyến công đã "kích thích" các cơ sở công nghiệp nông thôn ở Hà Giang mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ để cải thiện năng lực sản xuất, sức cạnh tranh; qua đó góp phần xóa bỏ "vùng trắng công nghiệp" ở vùng sâu vùng xa.
Khuyến công góp phần xóa bỏ vùng trắng công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Các đề án hiệu quả, đúng tiến độ

Năm 2021, UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt 12 đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, ưu tiên thực hiện các đề án hỗ trợ sản phẩm OCOP, sản phẩm phục vụ du lịch và nông sản thế mạnh của tỉnh. Mới đây, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương tỉnh Hà Giang (Trung tâm Khuyến công) đã nghiệm thu 3 đề án.

Cụ thể, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất chế biến chè xanh” tại Hợp tác xã Thương mại vận tải Tuấn Băng, huyện Xín Mần; thiết bị được hỗ trợ gồm 3 máy sao chè bằng gas, công suất 50 tấn chè xanh/năm. Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, xây dựng đăng ký thương hiệu, tư vấn thiết kế nhãn mác bao bì sản phẩm bún khô” thực hiện tại hộ kinh doanh Trần Thị Hoài, huyện Vị Xuyên với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tư vấn thiết kế nhãn mác bao bì trong sản xuất và chế biến mật ong" tại Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông lâm nghiệp Cốc Rế, huyện Xín Mần, với kinh phí 100 triệu đồng; trong đó hỗ trợ mua sắm máy móc 65 triệu đồng, tư vấn thiết kế bao bì sản phẩm 35 triệu đồng.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công, các đề án đều được triển khai đúng tiến độ, thiết bị vận hành ổn định, giúp các doanh nghiệp hoạt động có năng suất, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận.

Giai đoạn 2014 - 2020, Hà Giang triển khai 170 nội dung khuyến công với tổng kinh phí 16,8 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, đăng ký xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn... Vốn khuyến công còn hỗ trợ đăng ký 15 thương hiệu; cải tiến thiết kế nhãn mác, bao bì cho 21 sản phẩm thế mạnh như chè, mật ong, tinh dầu lạc, tinh bột nghệ, rượu… Qua đó, chương trình khuyến công đã giúp các sản phẩm của địa phương có chỗ đứng trên thị trường, góp phần xóa "vùng trắng công nghiệp", nhất là ở vùng sâu vùng xa và chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ưu tiên hỗ trợ chế biến nông sản

Phát huy những kết quả đạt được, UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 với kinh phí trên 31 tỷ đồng. Tỉnh ưu tiên cho các đề án thực hiện tại địa bàn các xã nằm trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, ưu tiên các đề án hỗ trợ công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp cơ khí, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; đề án điểm, đề án nhóm, đề án phát triển sản phẩm mới, du nhập nghề mới… 

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Giang Đỗ Xuân Phúc cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa khuyến công, thương mại với khuyến nông và sản xuất, từng bước thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Đồng thời, tập trung hỗ trợ những ngành sản xuất chế biến sản phẩm có thế mạnh; huy động mọi nguồn lực tham gia hỗ trợ, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thu nhập tăng việc làm cho người lao động…

Bên cạnh đó, ông Phúc đề xuất Chính phủ rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở công nghiệp nông thôn miền núi, biên giới khu vực phía Bắc; hỗ trợ các sản phẩm địa phương lâu dài, bền vững; tránh tình trạng hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng không tập trung, sử dụng nhiều nguồn kinh phí bị chồng chéo. Bộ Công thương cần quan tâm hỗ trợ  các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa của tỉnh kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm có thế mạnh.

Hạnh Nhung