Hà Nội - âm và dương

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 07:36 - Chia sẻ
Không gian Hà Nội hạn hẹp, nhưng cuộc sống vẫn cứ diễn ra đồng bộ, hết ngày dài lại đêm thâu, hết cuộc vui tiếp đến sự buồn…

Sáng, qua phố Hàng Thiếc, ngồi nhà cậu bạn nhấm nháp ly cà phê mà tình cờ nhìn rõ toàn cảnh sống động ở một đoạn phố Hà Nội, vui buồn lẫn lộn, hỷ hiếu đan xen. Từ đó chợt ngộ ra Hà Nội mến yêu đã và đang sống trong một hiện thực của sinh tử trần gian, xa nhưng rất gần, gần mà lại xa, hiện thực quá sống động. 

Bà Hồng hôm nay làm lễ thành hôn cho con trai của mình. Bà dậy từ sớm trông coi nhóm người dựng một cái rạp chỉ hơn mét ra rìa đường. Trong nhà, những đồ lỉnh kỉnh được dẹp sang một bên để kê thêm vài cái bàn đón khách. Chẳng mấy chốc, hoa giăng khắp phòng, đèn điện sáng trưng, nhạc nổi tưng bừng, không khí hoan hỉ rộn ràng... Chếch bên kia đối diện là nhà ông Hoán cũng thợ thiếc, cũng dựng một cái rạp nhưng là màu tím than, bên ngoài ghim một tờ cáo phó, cụ Thành, bố ông năm nay 91 vừa "cưỡi hạc quy tiên".  Con cháu chít khăn tang trắng xóa, vào ra tấp nập, kèn trống bi ai. Một trắng một đỏ, một hiếu một hỷ trái nghịch nhau, nhưng lại hòa quện vào nhau thành một bức tranh nhân sinh đau buồn và hoan hỷ. Khiến tinh thần bỗng chốc tràn trề những suy tư, tràn trề những cảm xúc.

Cưới xin là hỷ, tang lễ là hiếu. Hà Nội nhỏ bé không lạ gì với cảnh tượng này. Bên kia khóc than chia buồn, bên này cười vui chúc tụng, hai cảnh tượng tưởng rằng rất khó gộp vào nhau trong ngay một khoảng khắc, ngay một không gian, nhưng người Hà Nội đã quen vậy. Suy luận sâu một chút thì đấy là cuộc sống, là vô thường, niềm vui không thể nào vĩnh cửu, nỗi buồn không bao giờ triền miên. Không gian Hà Nội hạn hẹp, nhưng cuộc sống vẫn cứ diễn ra đồng bộ, hết ngày dài lại đêm thâu. Hết cuộc vui tiếp đến sự buồn. Sáng nay nghe tin vợ thằng Thành ở phố Huế mới sinh con trai, chiều tối nghe tin cụ Ngọ ở Hàng Ngang đã về chốn bồng lai. Vừa đến mừng sinh nhật cháu Hiền ở ngõ Hàng Trống, lại quay sang đi viếng bà Sinh ở nhà tang lễ phố Phùng Hưng. 

Hà Nội linh thiêng, quay theo vòng đời. Đi khắp thế gian, tôi có cảm nhận rằng, Hà Nội thiêng liêng vô cùng. Mỗi một con phố, một gốc cây, một đình chùa hầu như đều chứa đựng những linh thể thiêng liêng ngày đêm dõi theo để độ trì cho các con cháu nơi đây được bình an khỏe mạnh, phù trợ cho bầu trời nơi đây mưa thuận gió hòa. Chính vậy, Hà Nội tuy đông đúc chật chội, bon chen, bề bộn, nhưng người dân vẫn sống vui vẻ, hòa thuận, nhường nhịn nhau. Khí hậu nơi đây cũng ít khi xảy ra giông tố bão lụt. B52 có giội bom thì Hà Nội vẫn tươi cười trong ánh nắng vàng, đạp xe rong chơi phố phường vẫn cảm nhận được sự sống mãnh liệt không sức mạnh nào dập tắt được. 

Hà Nội quen rồi những tháng ngày gian khổ, mang tiếng là thủ đô, là phố cổ, nhưng nhiều hộ sống chen chúc nhau trong một khu nhà, những ngõ hẹp bằng chỉ một người đi lọt, những gia đình ba đời người đến chết vẫn chưa được nằm giường lần nào, nhưng họ vô cùng lạc quan, vẫn mỉm cười, vẫn hóm hỉnh, vẫn như cây phong lan sống bám trên những cây cổ thụ già ẩm ướt, nhưng hoa vẫn nở, vẫn nhẹ nhàng tỏa hương, vẫn thản nhiên trước sự sống, sự chết.

Nguồn: ITN

Từ cuộc sống Hà Nội, ta nhìn thấu sống chết, như ta bắt gặp hỷ hiếu ngay cùng một điểm. Từ sống đến chết, có thể là dài, cũng có thể là ngắn trong gang tấc. Đại đa số chúng ta có thể chỉ muốn bàn về sống và kiêng kỵ nói về chết, bởi hiện thực của chết quá tàn nhẫn. Cụ ông ngồi bán ô mai quán nọ, cụ bà ngồi vỉa hè bán chè chén đã vài chục năm, rồi bỗng một hôm đi qua nhìn thấy hình ảnh cụ trên bàn thờ hương khói nghi ngút, khiến lòng se lại. Ngay cạnh cái chết là sự sống nẩy mầm mãnh liệt. Cái Thảo con bà Thoa Hàng Bột ngày nào còn để chỏm tung tăng theo mẹ ra Thủy Tạ ăn kem, bỗng một hôm đã thấy em chuyển mình thành một thiếu nữ Hà thành xinh xắn, chảnh đẹp trong chiếc áo dài lụa chuẩn bị về nhà chồng. 

Chết - một động từ, một tính từ, một thán từ phát ra lúc nào cũng cảm thấy bi ai, mang ý nghĩa sinh mệnh sẽ chấm dứt, biểu tượng của ly biệt. Nhưng sinh thì tương phản, là biểu tượng của một sinh mệnh mới bắt đầu. Hà Nội hàng ngày đều có bao người buông tay vĩnh biệt thành phố này, cũng có rất nhiều đứa bé chào đời đến với thủ đô. Hiếu, hỷ lẫn lộn, nếu luận nhân sinh mà chỉ nói sinh không bàn tử thì không thấy một sự đời hoàn chỉnh bởi chính bản thân Hà Nội là một tấm gương phản ánh sinh tử rất thực tế, rất sinh động. Người Hà Nội bởi thế rất ung dung tự tại, đến hẹn là đi, rũ sạch bụi bặm trần gian, giao lại cho con cháu tay hòm chìa khóa để chúng nối nghiệp cha ông rồi thanh thản lên đường. 

Tôi có đọc một tác phẩm của nhà văn Châu Tác Nhân có tựa đề “ Mặc tưởng của cái chết”, trong đó có câu: “Tìm tòi nguyên nhân sợ chết của con người thì phát hiện, một là sợ chết trong đau đớn, hai là không nỡ và luyến tiếc phải dang dở với những sự hoan lạc trên đời, ba là buồn bã phải chia tay với người thân”. Nhưng, những điều này đối với người Hà Nội hình như không sát nghĩa lắm, đặc biệt với hộ nhà nghèo phố cổ, họ như xem thấu cái chết, sẵn sàng ra đi để nhường lại một chỗ ở rộng hơn cho con cháu. Tôi gặp nhiều cụ sống chung với con cháu trong hộ gia đình chật hẹp, nghe các cụ tâm sự mà não lòng: “Tao chỉ muốn chết đi để rộng nhà cho con cháu”. Ôi, một nỗi buồn sâu lắng với một sự cầu xin giải thoát đầy tình máu mủ ruột gan đến khó cầm được nước mắt!

Tôi chắc chắn cái chết không “dọa” được người Hà Nội. Họ biết rằng cho dù chết đi, họ vẫn quay về bên con cháu, quay về với mảnh đất này. Họ sẽ dùng một hình thức khác để sống trong ký ức của người thân, phù hộ thân nhân của họ vượt lên những năm tháng éo le của cuộc đời. Đối với người đã khuất, cái chết chưa phải là hết, sự lãng quên mới đáng sợ. Nhưng may thay, người Hà Nội luôn kính nể thần thánh, luôn tưởng nhớ đến người đã khuất, ông bà, cha mẹ, vợ, chồng, bạn bè... Họ nhớ ngày mà người thân của họ ra đi, nấu mâm cơm, đốt vàng mã, uống chén rượu để tưởng nhớ người thân. 

Hà Nội có gì để hấp dẫn chúng ta đến vậy? Hà Nội, hai tiếng ngọt ngào! Nghe đã cảm nhận ra sự thiêng liêng trong đó. Dù đi xa ngàn dặm nhưng vẫn nhớ nhung vô vàn, có lẽ bởi sự linh thiêng của một thành phố âm dương cân bằng, sống chết tự tại, chứa chấp quá nhiều người và linh thể song tồn. Có thể hồn ta đã vẩn vơ nơi đây hàng nghìn năm trước và cuộc đời cứ lặp đi lặp lại ở một chỗ, tình cảm một đời nối một đời, một kiếp thêm một kiếp, càng sống động, càng sâu sắc, càng yêu thương da diết...

Tùy bút của Phó Đức An