Hà Nội hướng đến xây dựng thành phố thông minh

- Thứ Tư, 06/12/2017, 10:12 - Chia sẻ
Để không ngừng nâng cao hiệu quả, tạo nền tảng cho một thành phố thông minh, Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Những hiệu quả tích cực

Theo báo cáo của UBND thành phố, Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 (Chương trình) đã giúp cho bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Nhiều giao dịch giữa các cơ quan của chính quyền thành phố với công dân và các tổ chức được cải thiện, nâng cao chất lượng, qua đó nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.


Ảnh: IT

Để có được kết quả đó, trước hết là nhờ bước đầu Hà Nội hình thành được hạ tầng kỹ thuật. Thành phố đã chủ động thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu chính của Tập đoàn Viễn thông quân đội, kết nối mạng diện rộng (WAN) tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 584 UBND xã, phường, thị trấn. Trang thiết bị CNTT được tăng cường đầu tư, bảo đảm hạ tầng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ cán bộ, công chức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trực tuyến.

Song song với đó, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và đưa vào khai thác hiệu quả từ năm 2016; thực hiện hàng loạt ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công ích cho nhân dân. TP đã thí điểm ứng dụng tìm kiếm và trả tiền đỗ ô tô qua điện thoại (iParking) và sẽ triển khai trên tất cả các quận trong thời gian tới. Hà Nội là thành phố đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Từ năm 2016, hệ thống đã được triển khai ứng dụng tại 2.752 trường học. Năm 2017, hệ thống có hơn 250.000 gia đình tham gia với hơn 6,3 triệu lượt truy cập vào cổng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp đạt 70,68%...

Trong năm 2017, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số hệ thống điều hành thông minh. Trung tâm giám sát điều hành tập trung của thành phố, gồm 6 chức năng chính: giám sát - điều hành giao thông và an ninh công cộng; điều hành thông tin ứng cứu khẩn cấp; giám sát bảo đảm an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật; tổng hợp phân tích dữ liệu; thông tin hỗ trợ công dân và dịch vụ công ích; thông tin báo chí truyền thông. Hệ thống giao thông thông minh dự kiến được xây dựng với 8 chức năng: bản đồ giao thông; vận tải hành khách công cộng; an ninh, điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; hệ thống thu phí không dừng, điều tiết giao thông, hạn chế giao thông tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường...

Dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh

Việc điều chỉnh Chương trình trước hết sẽ góp phần xây dựng, triển khai các kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước bảo đảm tính thống nhất. Hoàn thành sớm một hệ thống đồng bộ là nền tảng "chính phủ điện tử" để bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, UBND thành phố đặt mục tiêu, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đối với nhiệm vụ ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, thay vì mục tiêu “kết nối ứng dụng một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông giữa các cấp”, thành phố đề nghị điều chỉnh thành “hoàn thiện, triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành”. Ngoài ra, với sự điều chỉnh mới, Chương trình sẽ có thêm nhiệm vụ là triển khai Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội và xây dựng thành phố thông minh gồm trung tâm giám sát - điều hành thông minh, điều hành một số thành phần cơ bản. Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến Hà Nội sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh.

Đại biểu Đỗ Thùy Dương (quận Cầu Giấy) cho rằng, thành phố thông minh là xu hướng tất yếu và con số 3.000 tỷ đồng cho mục tiêu quan trọng này là không nhiều so với các hiệu quả mang lại. Phân tích đây không chỉ là bài toán đầu tư tài chính, đại biểu nhấn mạnh cần có chính sách gì để thu hút người tài.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú cho biết, lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2016-2020: Hình thành cơ bản các thành phần như nền tảng cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống thông minh: Giao thông, du lịch, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh trật tự… Giai đoạn 2020-2025, coi người dân là trung tâm, người dân sẽ tham gia quản lý, hình thành kinh tế số cơ bản. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ là thành phố thông minh phát triển cao... Bà Phan Lan Tú cũng cho biết, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách cụ thể, lâu dài…

Xu hướng xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một xu thế toàn cầu, đặc biệt là ở các thành phố lớn, hội tụ tất cả những yếu tố cần thiết để trở thành thành phố thông minh. Xây dựng thành phố thông minh là chiến lược lâu dài của TP Hà Nội, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp môi trường sống ngày càng tốt hơn, người dân được phục vụ tốt hơn và tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.

Trương Ngọc