Hà Nội: Quyết liệt, nghiêm túc hơn nữa trong 15 ngày giãn cách tiếp theo

- Thứ Sáu, 06/08/2021, 20:48 - Chia sẻ
Chiều 6.8 tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì buổi họp báo thông tin về việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-UBND và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố trong 15 ngày giãn cách sắp tới theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6.8 của Chủ tịch UBND thành phố.

Chuẩn bị kỹ lưỡng trong 15 ngày tới

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cường tính từ 27.4 đến nay, toàn thành phố có 1.599 ca F0. Đặc biệt, từ 24.7, khi thực hiện giãn cách, Hà Nội ghi nhận hơn 900 ca và trong đó có hơn 500 ca ghi nhận trong cộng đồng. Hiện Thành phố đang điều trị 882 ca, luỹ tích 1.438 và đã khỏi bệnh 501 ca.

Dự báo Hà Nội vẫn còn những ổ dịch, trùm ca bệnh, diễn biến phức tạp nên trong thời gian sắp tới Sở y tế tiếp tục thực hiện 1 số nội dung nhằm đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch. Quản lý chặt chẽ người dân, thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND, truy vết, rà soát các trường hợp ho sốt khó thở, sàng lọc trên diện rộng có trọng tâm, cùng với đó đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cộng đồng. Chiều 5.8, Sở Y tế thành phố đã tiếp nhận hơn 500.000 liều vaccine từ Bộ Y tế phân bổ và sẽ triển khai tiêm diện rộng. Hiện nay thành phố đang triển khai 715 điểm tiêm bao gồm cả điểm tiêm cố định và các điểm tiêm chủng lưu động. Sở Y tế cũng cho biết cần siết chặt an toàn phòng, chống trong các bệnh viện.

Toàn cảnh buổi họp 

Quyền Giám đốc Sở Công thương thành phố Trần Thị Phương Lan cho biết Sở đã chủ động chỉ đạo các hệ thống phân phối, đảm bảo nguồn cung hàng hoá trên địa bàn, số lượng hàng tăng gấp 3 lần bình thường với tổng giá trị hơn 194.000 nghìn tỷ đồng. Sở Công thương thành phố thường xuyên nắm bắt thông tin với các nhà cung cấp, ủng hộ 28/30 quận, huyện đã phát phiếu đi chợ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Nhiều địa phương đã phối hợp thực hiện các điểm bán lưu động, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Thương mại điện tử, đội ngũ giao hàng cho các siêu thị, đơn vị cung cấp đều đã được Sở Công thương cấp mã vận chuyển hàng hoá, đảm bảo hoạt động vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Sở Công thương thành phố đã triển khai phối hợp với Sở Công thương các tỉnh thành phố nhằm đảm bảo nguồn cung cần thiết, dự phòng thay thế nguồn cung khi địa phương cung ứng bị ảnh hưởng bởi dịch.  

Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm thông tin Sở đã phối hợp với Phòng An ninh mạng Công an thành phố Hà Nội xử phạt rất nhiều trường hợp thông tin không chính xác phát tán trên mạng xã hội. Ông Liêm đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thành phố để thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch Covid-19.

Phòng chống dịch là ưu tiên số một hiện nay

Phó Bí thư thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố đã có kết quả tích cực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quân và dân Thủ đô cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành uỷ nhận định nguy cơ diễn biến dịch vẫn còn phức tạp, bởi thứ nhất Hà Nội là trung tâm, là đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia, vẫn có giao lưu, giao thương hàng hoá nên nguy cơ vẫn tồn tại thường trực. Thứ hai, các tỉnh xung quanh Hà Nội đều vẫn có dịch như Bắc Ninh và Bắc Giang. Thứ ba, hiện tại các ca bệnh đều đang nằm giải rác ở các địa phương, cũng như nhiều quận như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai,...

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tại buổi họp
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tại buổi họp

Dịch bệnh đã xâm nhập những nơi rất phức tạp như các khu công nghiệp, bệnh viện, chuỗi cung ứng thực phẩm như Công ty Thanh Nga, những khu dân cư đông đúc như với nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Việc Hà Nội thực hiện kéo dài thời gian giãn cách sẽ là thời gian quý báu để tiếp tục khoanh vùng, cách ly, điều trị những nơi có dịch và chuẩn bị cơ sở trang thiết bị y tế cũng như những nguồn lực cần thiết. Thành phố đã chuẩn bị cơ sở điều trị với 1.000 giường cho bệnh nhân thu dung tại Hoàng Mai, tăng thêm 5.000 giường nếu có phát sinh. Thành phố cũng yêu cầu mỗi quận, huyện phải chuẩn bị 3.000-5.000 chỗ cách ly bên cạnh việc nâng cao năng lực xét nghiệm, chủ động chuẩn bị các phuơng án về y tế.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị 17 của Thành phố, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố xác định đây là một việc mới, khó, chưa có tiền lệ, nên thành phố đã nhanh chóng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như việc giảm ùn tắc ở cửa ngõ, hoạt động vận chuyển hàng hóa, cấp phép cho các công trình xây dựng cấp thiết, đảm bảo an toàn... và sẽ tiếp tục điều chỉnh. “Tinh thần là chủ động, bám sát thực tiễn, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là các quận, huyện, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi người dân toàn Thành phố tiếp tục đồng hành, ủng hộ và tự giác chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND, tạo điều kiện cho Thành phố thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống Covid-19, sớm đưa đời sống trở lại bình thường.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30.7.2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19" và Kết luận số 31-KL/TU ngày 3.8.2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố".

Văn Anh