Hà Nội thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh

- Thứ Ba, 30/11/2021, 05:42 - Chia sẻ
Trước những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thời gian qua, TP. Hà Nội luôn chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên, lĩnh vực này được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố - nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển nông nghiệp thông minh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Những năm qua, các địa phương trên địa bàn thành phố đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng và thích ứng tốt với biến động của thời tiết vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, công nghệ, thiết bị thông minh chủ yếu được ứng dụng trong khâu quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng. Đơn cử, trong trồng trọt, trên địa bàn thành phố đã có những cơ sở xây dựng nhà màng, nhà lưới với hệ thống tự động hóa trong điều khiển tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại... Trong chăn nuôi áp dụng hình thức chăn nuôi chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi, dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động, công nghệ thụ tinh nhân tạo, xử lý môi trường bằng Biogas, đệm lót và chế phẩm sinh học.

Thực tế, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thiết bị thông minh đã xuất hiện ở hầu hết các quận, huyện và đem lại hiệu quả vượt trội so với canh tác truyền thống. Điển hình như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. HTX còn đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình. Nhờ sản xuất rau, quả bằng công nghệ cao, mỗi ngày, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn thu hoạch gần 2 tấn rau quả sạch mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết. 

Hà Nội hiện đang ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các thiết bị thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

Ảnh: Tường Vy 

Cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng 

Có thể khẳng định, kết quả bước đầu trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội đã góp phần thay đổi phương thức canh tác của người dân, làm gia tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội” mới đây, một số chuyên gia và nhà khoa học cũng nhấn mạnh: Số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng thiết bị thông minh trên địa bàn thành phố chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Bởi, Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hội, cùng với nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn để đầu tư phát triển.

Theo đó, một số nhà khoa học cho rằng, Hà Nội cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản, hướng tới làm chủ công nghệ. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp với nông hộ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc, có khả năng ứng dụng ngay trong thời gian ngắn. Tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Công tác khuyến nông cũng nên tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. 

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đặt ra yêu cầu cấp thiết phải phát triển một nền nông nghiệp thông minh, phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới. Thực tế, nhiều HTX, hộ cá thể gặp khó về vốn và kỹ năng trong việc tiếp thu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ trên địa bàn còn rất ít. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh. Đó là nguyên nhân khiến nền nông nghiệp thông minh của thành phố phát triển chưa được như kỳ vọng.

Thành phố đang đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tạ Văn Tường khẳng định: Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh. Thành phố mong muốn Chính phủ tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn đầy đủ để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi chính sách ở cơ sở, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền nông nghiệp thông minh đem lại giá trị kinh tế lớn và bền vững.

Đào Cảnh