Hà Nội: Ứng dụng công nghệ thông tin thành “lá chắn” phòng, chống Covid-19

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 17:20 - Chia sẻ
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đang phối hợp Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia và những tập đoàn công nghệ triển khai mạnh mẽ các nền tảng công nghệ trong phòng chống dịch bao gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR Code, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Hệ thống quản lý phân luồng F0, F1 và ứng dụng giám sát camera toàn diện các khu cách ly F1, khu điều trị thu dung F0, qua đó giúp công tác phòng chống dịch được kiểm soát tốt hơn.

Đặc biệt, qua hệ thống khai báo y tế của người dân, cơ quan y tế đã tiếp nhận hàng trăm khai báo ho sốt hàng ngày, từ đó chủ động tầm soát, xét nghiệm Covid-19 và phát hiện hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng.

Tiếp nhận thông tin nhiều chiều, đa hình thức

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 22.7.2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã vận hành 2 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn thành phố (0889.556.655 và 0889.557.755), cùng với đó là hòm thư phản ánh nguy cơ Covid-19 tại địa chỉ https://antoancovid.vn/phananhHN và tài khoản Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội” chuyên mục “Phản ánh Covid”.

Sở đã thành lập bộ phận trực, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn thành phố, với 16 cán bộ tiến hành trực 24/24/7. Từ ngày 22.7 đến 278, bộ phận này đã tiếp nhận 18.246 cuộc gọi, tin nhắn. Đã giải đáp 14.730 phản ánh, chuyển các cơ quan của thành phố xử lý 3.696 phản ánh của người dân.Thông qua các kênh tiếp nhận thông tin này, nhiều sai phạm trong việc thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương đã được kịp thời phát hiện, xử lý.Nhiều băn khoăn, kiến nghị của người dân liên quan đến điều kiện ra đường trong thời gian giãn cách xã hội, về công tác tiêm vaccine hay những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ đã được cán bộ tiếp nhận, xử lý và chuyển các cơ quan xử lý kịp thời, giúp người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Số lượng tiếp nhận thông tin phản ánh hàng ngày trên địa bàn Hà Nội
Số lượng tiếp nhận thông tin phản ánh hàng ngày trên địa bàn Hà Nội

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ, việc triển khai các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn đã phát huy vai trò giám sát của người dân. Giúp các cơ quan chức năng của thành phố kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh trong thời gian ngắn nhất, giảm thiểu tối đa các nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho người dân.

"Trong những ngày qua, số ca F0 trong cộng đồng tại Hà Nội đang đi ngang và có dấu hiệu giảm xuống. Đây là một tín hiệu đáng mừng, là thành quả của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, sự tuân thủ của các tầng lớp Nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả của hệ thống chính quyền. Trong đó, công nghệ đang góp phần là một "lá chắn" không thể thiếu, trở thành những "nền tảng quốc dân", ông Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.

Vận hành tổng đài 1022, tăng cường phân tích dữ liệu trên ứng dụng Bluezone và Tokhaiyte

Cùng với đó, từ ngày 19.8.2021, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục được UBND thành phố giao vận hành tổng đài 1022, với 4 nhánh kết nối đến: Trung tâm Cấp cứu 115; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Mạng lưới thầy thuốc đồng hành và Sở Thông tin và Truyền thông để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ sau 5 ngày vận hành, tổng đài 1022 cùng với 2 đường dây nóng do Sở Thông tin và Truyền thông vận hành đã tiếp nhận trên 2 nghìn cuộc gọi, phản ánh của Nhân dân. Trong đó có hàng trăm cuộc gọi được 300 y, bác sĩ thuộc Mạng lưới thầy thuốc đồng hành tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ những F0 đang điều trị và các trường hợp F1 trong khu cách ly tập trung.

Các y, bác sĩ Tổng đài 1022 tiếp nhận phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn TP. Hà Nội

Đặc biệt, từ đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận, phân tích dữ liệu trên ứng dụng Bluezone và Tokhaiyte. Tính đến ngày 26.8.2021, thành phố Hà Nội có tổng số tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm là 5.114.801 tờ khai. Từ hệ thống cơ sở dữ liệu này, bộ phận chuyên trách của Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành phân tích, bóc tách, đặc biệt là hàng trăm người khai báo có biểu hiện ho, sốt, khó thở mỗi ngày để gửi về Sở Y tế thành phố, các quận, huyện, thị xã kịp thời tiến hành xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện và bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Biểu đồ - Tổng số địa điểm và địa điểm tạo mới quét QR Code.
Biểu đồ - Tổng số địa điểm và địa điểm tạo mới quét QR Code.

Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến ngày 27.8.2021, đã có 40,63% số người dân cài đặt Bluezone. Tổng số địa điểm quét mã QR trên phạm vi toàn thành phố là 233.534 điểm. Tổng số lượt quét mã QR trên phạm vi toàn thành phố 6.858.511, tăng 203.370 lượt. Các địa phương có lượt quét nhiều nhất: Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.

Xử lý nghiêm "tin giả", thông tin sai sự thật

Song song với triển khai nhiều giải pháp công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời đấu tranh, phản bác, xử lý những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, từ đó tạo nên những "lá chắn" vững chắc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Bên cạnh việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội, các trang thông tin điện tử cùng tham gia công tác truyền thông, lan tỏa những thông tin về Hà Nội.

Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng phối hợp với Công an thành phố kịp thời đấu tranh, ngặn chặn, bóc gỡ và xử lý hàng chục tin giả, thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phối hợp bóc gỡ 219 video clip có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên mạng xã hội Youtube, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 68 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 671 triệu đồng.

Cùng với việc tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã nỗ lực tham mưu, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của Ngành. Nổi bật là, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành các chương trình, kế hoạch về ứng dụng CNTT, xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin... góp phần cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội.

Văn Anh