Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 00:01 - Chia sẻ
Ngày 21.10, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2011 – 2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị. Cũng dự các điểm cầu có đại diện các bộ, ngành và đại diện Lãnh đạo 13 địa phương vùng ĐBSCL. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị do Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, qua 17 năm (2003 - 2020) triển khai thực hiện, đến nay diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL cơ bản có sự thay đổi. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, kênh, rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu, dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài tạo thành những điểm nghẽn về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác lập quy hoạch, quy hoạch thiếu tính đồng bộ, chưa chú trọng tính liên kết giữa các phương thức vận tải; chưa hình thành các trung tâm logistics quy mô lớn trong vùng cũng như thiếu cảng biển có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn từ 50.000 DWT trở lên. Đặc biệt, tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc còn chậm, mạng lưới Quốc lộ chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, nhiều tuyến có tiêu chuẩn thấp…

Đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu đánh giá, góp ý về Nghị quyết

Tại hội nghị, hầu hết 13 tỉnh đều thừa nhận trong suốt thời gian qua việc đầu tư hạ tầng giao thông ĐBSCL còn "ì ạch, chắp vá", gần như chỉ có Quốc lộ 1A là con đường duy nhất và luôn trong tình trạng quá tải, trong khi hệ thống đường sắt chưa được đầu tư còn hệ thống cảng biển, cảng sông lại có quy mô nhỏ. Đặc biệt, toàn vùng ĐBSCL chỉ có một đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên xây dựng đường cao tốc, phát triển vận tải thủy vốn là đặc trưng và thế mạnh của vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh logistics để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Báo cáo tổng kết của Ngành GTVT; sự phối hợp, điều hành hiệu quả của các Bộ, ngành và 13 tỉnh ĐBSCL trong việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của ngành GTVT theo yêu cầu đề ra của Nghị quyết 21. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị được ban hành trong bối cảnh có nhiều cơ hội, thuận lợi đan xen với những thách thức, khó khăn, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, các địa phương cần lựa chọn thứ tự ưu tiên, trong đó cần huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. “Thay bằng việc mỗi tỉnh đơn phương vận động để xin Trung ương sân bay hay cảng nước sâu riêng thì cả 13 địa phương cần ngồi lại với nhau để đề xuất chính sách cốt lõi nhất về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, đồng bộ, chất lượng để kết nối với nhau và với Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Đại diện Lãnh đạo 13 địa phương vùng ĐBSCL góp ý thông qua trực tuyến

Đồng thời, rà soát, sớm xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đưa vào triển khai thực hiện. Cần căn cứ danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025, danh mục dự án trọng điểm theo các quy hoạch chuyên ngành 5 lĩnh vực giao thông liên quan đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đầu tư. Trong đó, phát triển trục đường cao tốc kết nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh cần phải trở thành ưu tiên hàng đầu của toàn vùng, cùng với đó quan tâm phát triển giao thông ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL thời gian tới.

Chí Tuấn