Hai điểm mấu chốt

- Thứ Ba, 24/11/2020, 07:39 - Chia sẻ
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Chính phủ khẳng định, việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được đẩy mạnh và thực chất hơn, công khai, minh bạch hơn, theo cơ chế thị trường. Luỹ kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 8.2020, đã có 177 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị là 443.503 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng; thoái vốn DNNN đạt 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng. 

Tuy vậy, nếu so với mục tiêu, kế hoạch thì tiến độ cổ phần hóa DNNN hết sức chậm chạp. Tính đến tháng 6.2020, chúng ta mới chỉ hoàn thành 28% kế hoạch cổ phần hóa theo Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020. Mục tiêu cổ phần hóa DNNN đến nay chắc chắn đã không thể hoàn thành và nếu không có những thay đổi căn bản trong các quy định liên quan thì theo ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai), “chắc chắn năm 2021 cũng không thể hoàn thành được”.

Với vai trò vừa là đại biểu Quốc hội vừa là doanh nghiệp, nhìn vào thực tiễn cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN thời gian qua, đại biểu Hằng cho biết có 2 vấn đề mấu chốt mà nếu không có sự quyết liệt của Chính phủ, không có sự giám sát của Quốc hội thì chắc chắn không làm được.

Trước hết là câu chuyện định giá, xác định giá trị của doanh nghiệp. Trong đó, vướng mắc chủ yếu trong thời gian qua liên quan đến định giá đất đai, tài sản trên đất và các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chưa thể cổ phần hóa được hiện nay đều có nhiều diện tích đất  đai và tài sản trên đất phải xác định giá nhưng lại trải dài ở nhiều địa phương khác nhau, thậm chí, có những doanh nghiệp có đất đai và tài sản trên đất ở hầu khắp cả nước.

Trong khi đó, giá đất theo quy định 5 năm tăng 1 lần và do chính quyền từng địa phương công bố nên việc xác định giá đất nhiệm kỳ này khác, nhiệm kỳ sau đã khác. Bình thường thì không sao, nhưng dư luận cứ quy ra đất vàng, đất bạc, đất kim cương khiến cơ quan xác định giá trị đất là bao nhiêu trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp run tay, không ai dám làm. Mà có định giá đất và tài sản trên đất xong thì cơ quan phê duyệt giá trị đó cũng bị run tay theo, không dám ký, nhất là khi chúng ta chưa có một tiêu chí xác định cụ thể để làm bệ đỡ, hậu thuẫn cho việc định giá đó là đúng hay sai.

Với các dự án do doanh nghiệp đầu tư cũng tương tự như vậy. Dự án nằm ở giai đoạn nào, giá trị là bao nhiêu để xác định, đưa vào giá trị doanh nghiệp cũng là vấn đề rất phức tạp. Nhiều trường hợp chưa có gì, giấy tờ đất chưa có, mặt bằng chưa được bàn giao nhưng về nguyên tắc đã là của doanh nghiệp rồi thì vẫn phải xác định giá trị. Nhưng dự án chưa có đền bù, giải phóng mặt bằng đã rất khác so với dự án làm xong một phần hoặc hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Đối với doanh nghiệp lớn, câu chuyện này vô cùng nhiêu khê. Nhưng theo quy định hiện nay, thời gian để định giá doanh nghiệp vẫn đang “đánh đồng” với nhau, không phân biệt quy mô doanh nghiệp lớn, nhỏ nên thực tiễn khó mà làm được.

Trong khi đó, "cách nhìn nhận về các vấn đề trên còn chông chênh". Nêu nhận định này, đại biểu Hằng cũng cho biết, hơn 2 năm trước bà đã kiến nghị Chính phủ cần thành lập một cơ quan đổi mới doanh nghiệp, có thẩm quyền nhất định để quyết định những vấn đề cụ thể trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN thì câu chuyện này mới có thể nhúc nhích được. Nhưng đến nay, các doanh nghiệp, các địa phương vẫn phải đi vòng vòng hỏi han, xin ý kiến của hết bộ này đến ngành khác, cuối cùng cũng không biết hỏi ai. "Ông nào ký cuối cùng là ông đó phải chịu trách nhiệm, thành ra vô cùng khó”. 

Vấn đề mấu chốt thứ hai là những quy định bất hợp lý trong việc thực hiện thoái vốn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng xong kế hoạch thoái vốn nhưng không ai dám ký. Bởi theo quy định, dù doanh nghiệp đã lên sàn giao dịch Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng khi thoái vốn, nếu doanh nghiệp có vốn chi phối thì vẫn phải định giá lại. Không doanh nghiệp nào có can đảm để nói rằng chỉ định giá bằng giá ở trên sàn thôi vì sàn có biên độ giao dịch 5% từng ngày. Tuy nhiên khi xác định giá trị phải định giá vào năm kết thúc tài chính trước đó là trong khoảng 6 tháng. Đó là những trường hợp dễ nhất, đã có giao dịch trên sàn chứng khoán, đã có tham chiếu trên thị trường được công nhận mà còn khó làm thì với những đơn vị chưa được phép giao dịch, chưa được phát hành ra công chúng theo Luật Chứng khoán lại càng khó hơn nữa.

Vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN. Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vừa qua cũng cho rằng, đó chỉ là phần nổi, còn phần cụ thể, đi vào những quy định chi tiết thì vẫn không thực hiện được. 

Ngay trong báo cáo gửi đến Quốc hội về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế tại Kỳ họp thứ Mười vừa qua, Chính phủ cũng đã xác định rất rõ những điểm nghẽn trong thực tế cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN. Chính phủ cũng nêu rõ, trong giai đoạn tới sẽ đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Với định hướng như vậy, các cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề này phải khẩn trương rà soát và đề xuất sửa đổi nhanh chóng, căn cơ những quy định rất cụ thể như đã nêu ở trên thì câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN và tái cơ cấu DNNN mới có thể thực sự chuyển biến được. Song song với đó, phải xác định rất rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, khắc phục cơ bản tình trạng “khi đụng chuyện thì bộ này ở một góc, bộ kia ở một góc, cuối cùng không biết ai chịu trách nhiệm”.

Hải Lam