Hải Dương nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn

- Thứ Năm, 02/12/2021, 08:32 - Chia sẻ
Cùng với thiết lập các điểm đến an toàn, ngành du lịch Hải Dương cũng đang tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo điểm nhấn khác biệt để thu hút du khách sau thời gian dài "đóng băng" do ảnh hưởng của Covid-19.

Xây dựng 8 sản phẩm du lịch đặc thù

Hải Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch với sự kết hợp giữa các giá trị lịch sử - văn hóa từ lâu đời và cảnh đẹp tự nhiên thơ mộng. Nhiều địa điểm du lịch của tỉnh đã và đang được du khách trong, ngoài nước biết đến như: Côn Sơn - Kiếp Bạc, sông Hương - Thanh Hà, đảo Cò - Chi Lăng Nam. Tỉnh còn có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 144 di tích được xếp hạng Quốc gia. Đây được xem là lợi thế lớn để tỉnh phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái.

Tham gia các tour du lịch đặc sắc này, du khách có thể khám phá những di tích lịch sử văn hóa có kiến trúc độc đáo, giao thoa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Hoặc sẽ được trải nghiệm những nét đẹp rất riêng khi tới thăm các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Chạm khắc gỗ Đông Giao (huyện Cẩm Giàng), gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách), kim hoàn Châu Khê (huyện Bình Giang)… Đối với những người yêu lịch sử cổ đại, núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham sẽ là những địa điểm hấp dẫn khó cưỡng lại.

Dù tiềm năng lớn, song đến nay, ngành du lịch Hải Dương vẫn chưa thực sự phát triển như kỳ vọng. Việc có ít các sản phẩm du lịch đặc thù, dịch vụ chưa hấp dẫn cũng là nguyên nhân khiến thời gian lưu trú của du khách tại Hải Dương tương đối ngắn (từ 1,5 - 2 ngày) và lượng chi tiêu không cao. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vũ Đình Tiến, nhận thấy những hạn chế nêu trên, ngành du lịch Hải Dương đã có những định hướng phát triển mới. Trong đó, mục tiêu hướng tới là hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên tài nguyên du lịch nổi trội và nâng cao sức cạnh tranh. Tỉnh cũng xác định phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang được giao trách nhiệm xây dựng 8 sản phẩm du lịch đặc thù như: Về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng sông Hồng; Con đường khoa cử Việt; Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt... với vốn ngân sách hỗ trợ hạ tầng du lịch chiếm 10% và 90% từ nguồn xã hội hóa gắn với việc kêu gọi các nhà đầu tư và sự tham gia của chính người dân bản địa. Đối với những điểm du lịch tiềm năng, thời gian tới, sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ lên tầm tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Chùa Nhẫn - Kinh Môn

Ảnh: Thanh Bình 

Bảo đảm nguyên tắc du lịch an toàn

2021 được đánh giá là một năm "u ám" đối với ngành du lịch Hải Dương khi phải chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Theo thống kê, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh ước mới chỉ đón và phục vụ hơn 800.000 lượt khách, bằng 50% lượng khách trong cả năm 2020, doanh thu đạt trên 7,5 tỷ đồng. Trước thời điểm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trên địa bàn toàn tỉnh có 345 cơ sở lưu trú thì hầu hết đều tạm dừng hoạt động, công suất hoạt động bình quân chỉ đạt trên 10%. Hầu hết các cơ sở đều cắt giảm nhân sự, lao động; 100% các doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động hoàn toàn.

Thời điểm này, với những biện pháp quyết liệt, kịp thời từ chính quyền, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã trở lại trạng thái bình thường mới. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục khôi phục lại hoạt động và đà tăng trưởng của ngành du lịch, dịch vụ. 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Đình Tiến khẳng định: Ngành Du lịch Hải Dương đang nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn. Vì vậy, công tác bảo đảm phòng, chống dịch và thích ứng linh hoạt với tình hình mới được xem là hoạt động trọng tâm. Với trách nhiệm của mình, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các địa phương tiếp tục thực hiện tầm soát xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ tại các khu vực tập trung đông người và các đối tượng có nguy cơ cao như: Lái xe đường dài, lái xe taxi… trên tinh thần vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa bảo đảm không bỏ lọt các yếu tố dịch tễ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh trên hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội để người dân và du khách không lơ là chủ quan và chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch.

Cũng theo ông Tiến, trong năm 2022, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh kết nối du lịch nội địa, phối hợp cùng các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng và phụ cận để kết nối xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch địa phương. Mặt khác, sẽ tăng cường tổ chức các chương trình Famtrip, Presstrip kết nối doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia trải nghiệm thực tế tại Hải Dương để nghiên cứu, khảo sát xây dựng tour tuyến, viết bài tuyên truyền… Đây là những việc làm cụ thể góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Hải Dương trong bối cảnh thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thanh Bình