Hài hòa hóa chính sách, pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

- Thứ Tư, 25/08/2021, 07:01 - Chia sẻ
Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia ASEAN lần thứ 42 (Đại hội đồng AIPA-42) do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến, tham dự Phiên họp của Ủy ban Kinh tế, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) là “xương sống” của nền kinh tế ASEAN. Nhằm thúc đẩy kết nối số và thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình chuyển đổi số, các nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường hợp tác trong hài hòa hóa chính sách, pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số ở ASEAN.
Nguồn: ITN

Thu hẹp khoảng cách phát triển trong chuyển đổi số

Tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang dẫn đến sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, sự gián đoạn của thị trường tài chính, thị trường và chuỗi cung ứng cũng tác động trực tiếp đến các lĩnh vực dễ bị tổn thương, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Chủ đề thời sự này là một trong hai nội dung được đưa ra thảo luận tại Phiên họp của Ủy ban Kinh tế, Đại hội đồng AIPA- 42.

Đoàn đại biểu Nghị viện các nước thành viên AIPA đều khẳng định, hội nhập kinh tế là một trong những chương trình nghị sự trọng tâm của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và được đề cập trong một số Nghị quyết của AIPA. Cụ thể như Nghị quyết 39GA/2018/ECO/03 về Hội nhập kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng trong ASEAN; Nghị quyết 40GA/2019/ECO/01 về Thúc đẩy phát triển bao trùm trong ASEAN; Nghị quyết 40GA/2019/ECO/03 về Cải thiện kết nối số nhằm hỗ trợ sự phát triển của các MSMEs và Nghị quyết 41GA/2020/ECO/01 về Vai trò của các Nghị viện trong thúc đẩy sự gắn kết và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tại các cuộc họp của ASEAN nhằm bàn cách ứng phó với đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo và quan chức các nước thành viên liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số bao trùm trong ASEAN như một trong những giải pháp đưa khu vực vượt qua khủng hoảng. ASEAN đã xác định 6 khu vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIFAP) 2019 - 2025. Trong đó có tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại liền mạch, bảo vệ dữ liệu trong khi hỗ trợ thương mại điện tử và đổi mới, cho phép thanh toán điện tử liền mạch, mở rộng các cơ sở tài năng trong lĩnh vực kỹ thuật số, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phối hợp hành động nhằm hỗ trợ thúc đẩy hội nhập kỹ thuật số trong ASEAN.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 27 cũng tán thành với 13 Mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) của ASEAN, được chia thành 3 nhóm giải pháp chiến lược gồm: phục hồi, số hóa và bền vững, nhằm thúc đẩy hội nhập và kết nối kinh tế nội khối ASEAN; tăng cường sự tham gia của ASEAN với cộng đồng toàn cầu vì hòa bình và phát triển bền vững; tăng cường khả năng đáp ứng và năng lực thể chế của ASEAN.

Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) khẳng định, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là “xương sống” của các nền kinh tế ASEAN, đồng thời nêu rõ, ASEAN đã chú trọng phát triển, thúc đẩy các doanh nghiệp này trong nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực. Kế hoạch tổng thể cũng tuyên bố, ASEAN sẽ tận dụng lợi thế công nghệ kỹ thuật số đang phát triển để làm "đòn bẩy" cho tăng cường thương mại và đầu tư cũng như cung cấp nền tảng kinh doanh dựa trên điện tử. Với lý do đó, các đại biểu khẳng định tầm quan trọng thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, bảo đảm mọi tầng lớp trong xã hội được bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và được trang bị kiến ​​thức, kỹ năng cần thiết để vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế kỹ thuật số. Thành viên Hội đồng Lập pháp Brunei cho rằng, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trong ASEAN sẽ là nơi "các cá nhân có thể tham gia và gặt hái lợi ích từ kinh tế số".

Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa 

Tham gia đóng góp vào Nghị quyết về Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam ủng hộ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp này. Là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã trở thành chủ thể trong các biện pháp phục hồi theo Khung Phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), trong đó nhấn mạnh việc cần phải tăng tốc quá trình phục hồi cho doanh nghiệp này thông qua nâng cao kỹ năng chuyển đổi số và phát triển tinh thần khởi nghiệp - kinh doanh và thúc đẩy sử dụng công nghệ kỹ thuật số và thương mại điện tử nhằm cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trụ vững trong suốt giai đoạn khủng hoảng. Ngoài ra, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang chịu tác động của Covid-19.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam kiến nghị, các Nghị viện thành viên AIPA cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách hướng tới hài hòa hóa hội nhập kinh tế và phục hồi xanh và bao trùm tại khu vực ASEAN, ưu tiên kết nối, đặc biệt là kết nối tiểu vùng, vùng sâu và vùng xa, nhằm đạt được mục tiêu hội nhập tại các ngành kinh tế có tính dẫn dắt cho quá trình hội nhập kinh tế tổng thể khu vực ASEAN. Đồng thời, huy động và phân bổ đủ ngân sách và nguồn lực cho kết nối kỹ thuật số, trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật số cho người dân trong khu vực ASEAN. Ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (4IR) cho ASEAN.

Nghị quyết về "Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN" nhằm tiếp tục ủng hộ các ưu tiên của ASEAN về kết nối, hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, bao gồm thông qua hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025), Sáng kiến ​​cho Kế hoạch Công tác giai đoạn IV về Hội nhập ASEAN, chuyển đổi kỹ thuật số, thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thúc đẩy hội nhập ngành chặt chẽ hơn và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.

Trong nghị quyết cũng khuyến nghị các Nghị viện thành viên AIPA sử dụng chính sách hiện có và hỗ trợ các đề xuất mới về phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Brunei và Malaysia hy vọng rằng, việc thông qua dự thảo Nghị quyết này sẽ tái khẳng định quyết tâm và cam kết của các Nghị viện thành viên AIPA trong việc trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN bằng cách thúc đẩy quá trình số hóa bao trùm của ASEAN.

Nghị quyết về "Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN" là một trong hai nghị quyết được thông qua tại Ủy ban Kinh tế, Đại hội đồng AIPA-42.

Với việc xem xét và thông qua Nghị quyết trong một lĩnh vực cụ thể, đó là thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN, Nghị viện các nước thành viên AIPA tiếp tục khẳng định sự ủng hộ với chủ đề của Đại hội đồng AIPA-42 lần này, tập trung thúc đẩy hợp tác nghị viện trong lĩnh vực số, để phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của AIPA và các Nghị viện thành viên đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, bảo đảm tăng trưởng ổn định, phục hồi bền vững của ASEAN, hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025. 

Nhật An