Hài hòa lợi ích đôi bên

- Thứ Ba, 05/10/2021, 05:55 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tiến hành tổng hợp ý kiến của nhiều bên liên quan, trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc cho phép người sử dụng lao động không áp dụng giới hạn giờ làm thêm tối đa 40 giờ/tháng và áp dụng làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm cho các ngành nghề. Thông tin này nhận được sự quan tâm của người lao động và người sử dụng lao động.

Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, giờ làm thêm khống chế 40 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày và không quá 40 giờ mỗi tháng. Luật chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như: Sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử…

Dưới tác động của Covid-19, thiếu hụt lao động để phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm đang là nỗi lo của không ít doanh nghiệp sản xuất. Nếu không có những chính sách điều chỉnh kịp thời, thì nguy cơ đứt gãy nguồn nhân lực, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất hoàn toàn xảy ra. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, đó là vi phạm hợp đồng do không đáp ứng được đơn hàng, mất khách hàng, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp, mất uy tín với đối tác.

Trước những thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối diện, để bảo đảm chạy “nước rút” cho các doanh nghiệp sản xuất, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất tạm thời không áp dụng giới hạn làm thêm 40 giờ/tháng và tăng thời gian làm thêm tối đa lên 300 giờ/năm. Bởi lẽ, dịch đến nay được kiểm soát, doanh nghiệp cần tăng tốc để bù đắp cho những tháng phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm đóng cửa để bảo đảm yêu cầu cung ứng. Cùng với đó, người lao động cũng cần có thêm phần thu nhập để bù đắp khoản thu nhập bị thâm hụt do những tháng tạm nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên theo quy định giãn cách. Hơn nữa, do ảnh hưởng bởi dịch, một số doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng hết quỹ thời gian tăng ca trong năm. Câu hỏi đặt ra là, việc bỏ trần làm thêm giờ/tháng như thế nào là phù hợp?

Còn nhớ, khi thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, việc quy định khung làm thêm giờ theo tuần đã trở thành vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội. Và để chốt được giờ làm thêm/tháng, các nhà làm luật đã phải bàn thảo khá nhiều để quy định đáp ứng được yêu cầu bảo đảm hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động cũng như của người lao động.

Trong điều kiện hiện nay, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới doanh nghiệp và cuộc sống của người lao động. Do đó, việc xem xét điều chỉnh tăng giờ làm thêm/tháng ở thời điểm hiện nay là cần thiết. Một mặt, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, cung ứng sản xuất không bị đứt gãy. Mặt khác, bảo đảm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm như thế nào cần phải được cân nhắc thấu đáo. Nên chăng, việc nới trần làm thêm không quá 40 giờ/tháng phải có quy định khống chế số giờ cụ thể để người lao động tái tạo sức lao động. Bởi lẽ, nếu gỡ mức trần làm thêm/tháng mà không quy định cụ thể số giờ và không phân biệt ngành nghề, trong đó có ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ gây khó cho người lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, việc không quy định cụ thể số giờ làm thêm/tháng thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhưng về lâu dài người lao động sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe.

Trong điều kiện cụ thể của dịch Covid-19 hiện nay, việc điều chỉnh nâng giờ làm thêm/tháng là cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chỉ là một giải pháp mang tính tình thế, cấp bách, tạm thời, và sau đó doanh nghiệp cần phải thích ứng theo tình hình mới bởi sức mạnh nội lực như thay đổi cách quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ, đổi mới sản xuất.

Việc bỏ trần giờ làm thêm/tháng phải tính toán thấu đáo và bảo đảm cơ chế tiền lương thỏa đáng cho người lao động. Bởi việc tăng thời gian làm thêm cũng đồng nghĩa với nguy cơ suy giảm sức khỏe của người lao động. Và điều quan trọng là, việc điều chỉnh ấy bảo đảm được nguyên tắc: Người lao động và người sử dụng lao động cùng có lợi.

Song Hà