Hài hòa lợi ích giữa cộng đồng và quốc gia trong hoạt động lập pháp

- Thứ Tư, 03/11/2021, 11:34 - Chia sẻ
Sáng 3.11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Bảo đảm hài hòa lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia trong hoạt động lập pháp-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp” phối hợp tổ chức Hội thảo "Kinh nghiệm một số nước về bảo đảm hài hòa lợi ích giữa cộng đồng và quốc gia trong hoạt động lập pháp”.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Hải Đường chủ trì cuộc hội thảo
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường chủ trì Hội thảo
Ảnh: Hồ Long

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cho rằng, sự tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng luật phản ánh vai trò làm chủ của nhân dân thông qua cơ quan đại diện thực thi chủ quyền của nhà nước bằng việc ban hành luật - nguồn chủ yếu của hệ thống pháp luật các quốc gia bất luận thuộc "dòng họ" pháp luật nào. Quy trình xây dựng luật phù hợp sẽ đưa ra dự luật đáp ứng sự quan tâm của xã hội và lợi ích của Nhà nước.

Xã hội cần hệ thống luật pháp ổn định và các dự luật phải phản ánh nhu cầu và lợi ích của xã hội trong bối cảnh các mối quan hệ xã hội mà luật điều chỉnh thay đổi nhanh chóng. Để thực hiện được nhiệm vụ này, quá trình xây dựng luật phải dựa trên nền tảng dân chủ và khoa học để phản ánh cũng như quyết định sự phát triển của xã hội. 

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quy trình xây dựng luật của các quốc gia rõ ràng và chi tiết về trình tự, thủ tục nhưng chất lượng luật còn phụ thuộc vào hiệu quả chuyển tải ý chí, nguyện vọng của nhân dân - những người chịu tác động trực tiếp của các dự luật. Do vậy, quá trình chuyển tải đó diễn ra theo cách: các cá nhân, tổ chức, các nhóm gắn kết bởi lợi ích nhất định (nhóm lợi ích) có thể tiến hành vận động hành lang để tác động, chuyển tải nguyện vọng của mình vào các dự luật thông qua việc đệ trình dự luật hoặc tác động trong quá trình tham luận, chỉnh sửa tại các Ủy ban hoặc thảo luận tại các Viện (đối với mô hình lưỡng viện).

	Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Ảnh: Hồ Long

Như vậy, các nhóm lợi ích xuất hiện với mong muốn tác động đến chính sách là điều không tránh khỏi trong quá trình lập pháp nhưng mục tiêu hoạt động lập pháp là thiết lập công cụ pháp lý đáp ứng lợi ích chung của quốc gia, xã hội, cộng đồng và tính đến vị thế của các nhóm yếu thế trong xã hội. Vì lẽ đó, cần có sự hài hòa về lợi ích của một nhóm nào đó và lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng nói chung. Để bảo đảm sự hài hòa này trong quá trình lập pháp thì cần xây dựng “luật chơi” điều chỉnh nguyên tắc, nội dung, phạm vi, cách thức tham gia của các nhóm lợi ích vào quy trình lập pháp...

Do vậy, mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích khác nhau và trong mối quan hệ với lợi ích công, đặc biệt là đối với nhóm dễ tổn thương luôn được đặt trong một môi trường chính trị-pháp lý mà các quyền cơ bản của nhóm dễ bị tổn thương được bảo đảm và luôn là định hướng trong mọi chính sách, quyết định của nhà nước. Điều chỉnh mối quan giữa các nhóm lợi ích trong hoạt động lập pháp đòi hỏi Nhà nước phải tạo các cơ sở pháp lý quan trọng để các nhóm có thể biểu đạt ý kiến của mình, được tham vấn với các quyết định của cơ quan nhà nước để bảo đảm quan điểm, ý kiến của nhóm dễ bị tổn thương được phản ánh trước cơ quan lập pháp và thực sự trở thành “đầu vào” quan trọng trong quá trình ra quyết định. Điều này đòi hỏi quy trình cho sự tham gia của nhóm dễ bị tổn thương vào quy trình lập pháp phải được thiết lập rõ ràng, thực chất. Nhà nước cần thiết lập nhiều kênh thông tin, nhiều phương thức tương tác để thu thập, phản ánh các ý kiến, quan điểm của các nhóm yếu thế tốt hơn...

Hồ Long