Hai kịch bản CPI năm 2022

- Thứ Tư, 05/01/2022, 06:24 - Chia sẻ
Các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay có thể tăng 2 - 3% và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; trường hợp “xấu hơn”, CPI sẽ tăng 4% - chạm trần Quốc hội đề ra.

Sức mua giảm kìm đà tăng giá

Cuối năm 2020, nhiều ý kiến dự báo CPI năm 2021 sẽ tăng cao nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022” sáng 4.1, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, CPI năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với năm 2020. Năm qua, có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 7 nhóm có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,71%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng cao nhất với 0,22%. 

Nguồn: ITN

Lý giải nguyên nhân, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng do tổng cầu yếu, sức mua sụt giảm mạnh, thể hiện qua việc tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58% trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%). Nói cách khác, dịch bệnh cùng các biện pháp giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thu nhập và sức mua của người dân giảm sút, từ đó kìm hãm đà tăng CPI.

Cùng với đó, theo đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, sự chủ động trong dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng giúp kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Về diễn biến thị trường giá cả năm 2022, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính PGS.TS. Nguyễn Bá Minh dự báo CPI có thể tăng 2 - 3%, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Lý do là tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chưa hồi phục như kỳ vọng do dịch Covid-19 xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn. Ở trong nước, sức mua vẫn yếu do thu nhập của người  lao động giảm và các cơ quan điều hành đều tỏ ra kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) nêu 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, CPI có thể tăng trên 4%, cộng hưởng từ các yếu tố: giá cả thế giới tiếp tục tăng do tác động của phục hồi kinh tế và các gói kích cầu khổng lồ, từ đó tạo sức ép lên mặt bằng giá trong nước; nhu cầu nội địa có thể tăng nếu kinh tế Việt Nam cũng phục hồi và không có biện pháp quản lý giá phù hợp và quyết liệt. Ở kịch bản thứ hai, đại dịch tiếp tục ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế toàn cầu khiến hoạt động sản xuất, thương mại trì trệ, giá thế giới và tác động không mạnh đến giá cả trong nước. Theo đó, CPI tăng 2,5 - 3%.

Theo đại diện Cục Quản lý giá, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng; biến động của giá nhiên liệu (xăng, dầu…) trên thị trường thế giới ở mức cao. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu cũng như rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng trong năm…

Để công tác điều hành giá cả thuận lợi, kiềm chế lạm phát, các chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường, đặc biệt trong dịp cuối năm để có các biện pháp điều tiết phù hợp. Đồng thời, tăng cường truyền thông để ổn định tâm lý tiêu dùng kết hợp đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm giảm bớt hiện tượng “té nước theo mưa” của một bộ phận thương lái, người kinh doanh. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế, xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Minh Trang