Singapore và Philippines

Hai mảng đối lập trong sống chung với dịch bệnh

- Thứ Ba, 19/10/2021, 06:16 - Chia sẻ
Hơn một năm rưỡi sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một số quốc gia đã tiến bộ vượt bậc trong chiến dịch tiêm chủng như Singapore đang tiến hành hiệu chỉnh lại chiến lược “Zero Covid”. Nhưng cả những quốc gia khác như Philippines, vốn đang phải đấu tranh để tránh nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ, cũng đang suy nghĩ tới việc mở cửa nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là “Zero Covid” có thể không còn khả thi nữa và việc chuyển sang những lựa chọn thay thế thực tế trong điều kiện “chung sống với Covid-19” ngay cả với các quốc gia chưa phủ sóng tiêm chủng cũng là một điều cần cân nhắc.

Thay đổi quan niệm của người dân

Cho đến gần đây, Singapore cũng như nhiều quốc gia khác đã thực hiện chiến lược “Zero Covid” (tiêu diệt hoàn toàn Covid-19) thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, giãn cách xã hội và truy vết đối tượng. Gần đây, quốc gia này đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược sang “chung sống với Covid-19”, trước những thiệt hại kinh tế ngày càng cao do các biện pháp phong tỏa, và sự tự tin ngày càng tăng nhờ tiêm chủng đại trà. Đến nay, Singapore đã tiêm chủng cho hơn 82% dân số và đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 90% trong thời gian ngắn sắp tới.

Bắt đầu từ tháng 9, Singapore đã lên kế hoạch giảm bớt các hạn chế về di chuyển để mang lại cho nền kinh tế một số dư địa để phục hồi, đặc biệt là bằng cách cho phép hoạt động ăn uống trở lại, nâng quy mô tụ tập theo nhóm lên 5 người đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, nới lỏng các quy tắc làm việc tại nhà, và nới lỏng việc đi lại không có kiểm dịch đối với những du khách đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại của các trường hợp nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 9 đã buộc các quan chức Singapore phải trì hoãn việc mở cửa nền kinh tế và đang theo đuổi tỷ lệ tiêm chủng thậm chí còn cao hơn. Họ cũng xúc tiến các mũi tiêm tăng cường cho người cao tuổi.

Một trong những thách thức đối với những thay đổi này, đặc biệt là đối với một quốc gia không chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 và tỷ lệ tử vong gia tăng trong một thời gian dài như Singapore, là làm sao thuyết phục người dân thay đổi quan niệm từ chỉ chăm chăm đếm số ca nhiễm bệnh sang quan tâm tới số ca bệnh nặng. Chính phủ nước này từng tuyên bố vào năm 2020 là sẽ "san phẳng đường cong Covid-19", điều này có nghĩa là khống chế tỷ lệ ca nhiễm mới bằng không hoặc gần bằng không. Theo đó, Singapore hiện đang đối mặt với thách thức này khi phải thuyết phục người dân rằng, trọng tâm mới của chiến lược chung sống với Covid-19 không phải là đếm số ca nhiễm mới, mà là giảm thiểu số ca bệnh nặng nhập viện và tử vong, do vaccine làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh nặng nhưng không bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ virus.

Đề cập đến chiến lược mới của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Singapore đã lưu ý, vào đầu tháng 10, có tới 98% công dân của đất nước có khả năng mắc bệnh vào một thời điểm nào đó, nhưng ông đồng thời trấn an rằng chỉ 2% có khả năng mắc các chứng nghiêm trọng và cần được chăm sóc tại bệnh viện.

Suy nghĩ lại về khả năng miễn dịch cộng đồng

Các bằng chứng về hiệu quả của tiêm chủng khá thuyết phục. Một nghiên cứu tiến hành ở 112 quận của Mỹ với tổng dân số khoảng 147 triệu người cho thấy, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng 10 điểm phần trăm có thể giúp tỷ lệ mắc Covid-19 giảm 28% và tỷ lệ nhập viện giảm 44%. Một nghiên cứu thực nghiệm gần đây về tỷ lệ tiêm chủng thực tế sử dụng dữ liệu trên 32 quốc gia ở châu Âu và bao gồm cả Israel cho thấy, tiêm chủng mang lại hiệu quả tới 72% trong việc hạn chế tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên, ngay cả đối với những quốc gia được tiêm chủng tốt như Singapore, vẫn có những rủi ro. Những quan điểm gần đây lưu ý rằng, khả năng miễn dịch cộng đồng - nghĩa là hầu hết dân số đạt được khả năng miễn dịch chống lại bệnh truyền nhiễm, trong trường hợp này là Covid-19, có thể cần được suy nghĩ lại vì nhiều lý do. Một trong số nguyên nhân là tình trạng tiêm chủng không đồng đều giữa các quốc gia, tính thiếu chắc chắn về việc vaccine có thể ngăn ngừa hoàn toàn khả năng lây nhiễm và hơn hết là sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng vô hiệu hóa vaccine hiện tại.

Một nghiên cứu được tiến hành trên 50.000 bệnh nhân ở Mỹ cho thấy, hiệu quả của vaccine Moderna chống biến thể Delta giảm từ 86% xuống 76%, trong khi hiệu quả của Pfizer-BioNTech giảm từ 76% xuống 42%. Ngày càng có nhiều chuyên gia y tế tin rằng cần có các mũi tiêm nhắc lại vì những bằng chứng này.

Trái ngược với Singapore, tính đến tháng 9, tỷ lệ tiêm chủng ở Philippines mới chỉ đạt khoảng 20%. Nguyên nhân một phần do tâm lý e ngại của người dân và sự chậm trễ trong nhập khẩu vaccine của chính quyền. Hơn nữa, công tác phòng, chống dịch của Philippines còn yếu. Quốc gia này đã phải đóng cửa ít nhất 4 lần trong thời kỳ đại dịch. Philippines cũng là nước đóng cửa nền kinh tế lâu nhất trên thế giới và là một trong 5 nước duy nhất đóng cửa trường học trong hơn một năm xảy ra đại dịch.

Kết quả là Philippines đứng ở cuối bảng xếp hạng về các biện pháp chống chịu đại dịch của Bloomberg (thứ 53 trong số 53 quốc gia) và bảng xếp hạng của Nikkei Asia (thứ 121 trên 121 quốc gia). Oxford Economics cũng xếp Philippines đứng cuối trong số các nước châu Á về ảnh hưởng kinh tế do đại dịch. Từ một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á trước đại dịch, Philippines đã phải hứng chịu một trong những suy thoái kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020 và chính phủ dự báo sẽ mất ít nhất một thập kỷ để phục hồi sau những tác động kinh tế do quản lý đại dịch kém. Đất nước này dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở cửa và chung sống với dịch bệnh bất chấp tỷ lệ tiêm vaccine còn hạn chế.

Xếp hàng để vào một khu chợ tại Philippines
Nguồn: Baguio Midland Courier

Cân nhắc bài toán chi phí

Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đã cao như Singapore phải đối mặt với lợi nhuận ngày càng giảm do các hạn chế về di chuyển. Khi người ta đẩy số ca nhiễm mới về gần bằng 0, chi phí kinh tế do những hạn chế này có thể bắt đầu lớn hơn lợi ích cận biên của các biện pháp nhằm tiếp tục kiểm soát tỷ lệ nhiễm bệnh, do tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục được cải thiện và tỷ lệ nhập viện (và tử vong) bắt đầu giảm. Khi cân nhắc bài toán chi phí này, các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung vào việc kiểm soát tỷ lệ nhập viện và tử vong. Tỷ lệ nhiễm mới vẫn sẽ cần được theo dõi, nhưng điều quan trọng là phải trấn an công chúng rằng hầu hết các ca bệnh đều ở thể nhẹ và có thể phục hồi nhanh chóng nhờ đã được tiêm chủng.

Dựa trên các số liệu mới nhất về tiêm chủng, với thực tế là vaccine có thể giúp giảm tới tới 72% tỷ lệ tử vong, điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong do Covid-19 bắt đầu xấp xỉ với các bệnh thông thường khác như viêm phổi. Các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương như người cao tuổi và những người mắc bệnh nền sẽ vẫn cần các biện pháp phòng ngừa bổ sung, nhưng các nhóm dân số khác hoàn toàn có thể lấy lại cảm giác bình thường.

Không chỉ các nước đã tiêm chủng thành công như Singapore, xu hướng chung sống với Covid-19 cũng sẽ gia tăng ở các quốc gia như Philippines, vốn đang phải trả một cái giá kinh tế quá cao do các đợt đóng cửa. Tuy nhiên, do việc quản lý đại dịch kém hiệu quả, chi phí cho một quyết định mở cửa có thể tàn khốc hơn về mặt sinh mạng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng, tình trạng đóng cửa nền kinh tế ở một quốc gia thu nhập thấp có thể giúp ngăn chặn 1 trường hợp tử vong do Covid-19 nhưng lại đồng thời gây ra 2 trường hợp tử vong ở trẻ do những hậu quả của suy giảm kinh tế. Tỷ lệ này ở những nước có thu nhập dưới mức trung bình là 0,59 trong khi ở các nước thu nhập cao là 0,06. Nghiên cứu mới này cho thấy rằng biện pháp đóng cửa ở các nước nghèo hơn có thể khiến tỷ lệ tử vong cao hơn thay vì làm giảm tỷ lệ này, chủ yếu là do tác hại về kinh tế.

Rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của một quốc gia là giảm thiểu thiệt hại, dù đó là thiệt hại về người do Covid-19 hay thiệt hại về người do khủng hoảng kinh tế. Vẫn còn nhiều ẩn số nhưng hiện các nhà lãnh đạo trên thế giới đều đạt được nhận thức chung rằng tiêm chủng nhanh và toàn diện là chìa khóa. Những nước đi sau như Philippines cần phải thu hẹp khoảng cách với các quốc gia dẫn đầu về tiêm chủng như Singapore trong nỗ lực mở cửa của mình.

Cộng đồng quốc tế cần đồng lòng trong quá trình bao phủ vaccine, đặc biệt là ở các quốc gia có nguy cơ tạo ra các biến thể mới. Những khúc mắc trong khâu cung cấp và phân phối vaccine cần phải được giải quyết ngay lập tức trên cơ sở sự công bằng và hỗ trợ giữa các quốc gia, bởi rõ ràng chỉ có phủ sóng vaccine để chung sống với dịch bệnh là con đường duy nhất hiện nay để cái giá cho cuộc chiến chống dịch bệnh thấp nhất với các nước.

Đạt Quốc
Theo The Diplomat