Đọc sách

Hai mươi truyện thêm một

- Thứ Sáu, 19/03/2021, 05:37 - Chia sẻ
Nói đến văn chương cho thiếu nhi, người đọc Việt Nam chỉ nhớ đến ông Andersen viết truyện ngắn, thêm anh em Grim kể chuyện cổ, thêm ông Perrault kể chuyện thần tiên, thêm ông Aesop kể chuyện ngụ ngôn.

Nhưng nhà xuất bản Kim Đồng đã có nhiều nỗ lực để xóa bỏ định kiến này bằng cách cập nhật văn chương thiếu nhi hiện đại.

Nhà văn Italy, Gianni Rodari là một đại thụ như thế. Tập sách gồm hai mươi mốt truyện ngắn lần này chưa đủ nói lên tầm vóc của ông, nhưng vẫn khiến cho người đọc say mê.

Truyện cho thiếu nhi nhưng cách tư duy của người viết không hề giản đơn theo kiểu coi thường, “ăn dỗ trẻ con”. Cốt truyện phong phú, dẫn truyện sáng rõ, chi tiết sinh động, hóm hỉnh, có lúc gây được ấn tượng lắng đọng và cảm động. Một cô bé mất cha trong chiến tranh, thấy cuộc sống bất công nên không chịu lớn thêm nữa. Nhưng rồi trước những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, cô cứ phải nhượng bộ để lớn lên từng tí một cho đến khi hóa thành một cô gái khổng lồ dũng mãnh để đánh cướp (Teresìn không chịu lớn). Tác giả nhắn nhủ con người chớ đánh giá mọi vật qua hình thức bên ngoài khi mà người to tướng lại nhẹ và người bé nhỏ lại rất nặng (Anh nặng, anh nhẹ). Chuyện một tòa nhà chọc trời tiến ra biển và tự nhúng mình xuống nước - như một giấc mơ đẹp và lạ lùng (Tòa nhà chọc trời trên biển).

Trong khi kể chuyện, tác giả không quên cài vào đó những ý tưởng, không chỉ hướng đến trẻ em mà cả người đọc trưởng thành.

Lại có một ông vua bị lừa, tưởng không cần học chơi đàn mà khi cầm đến chiếc đàn ghi ta không dây thì tự nó tấu lên những bài ca. “Không có hình phạt nào cho một kẻ dốt nát tồi tệ hơn việc để cho hắn tưởng mình là người giỏi nhất, có trí tuệ nhất trên đời, bởi vì như thế hắn sẽ vẫn mãi dốt nát” (trang 77).

Chú thợ mộc kia tự đóng cho mình một cái nhà di động nhỏ, chỉ vừa cho một mình chú ở. Nhưng chú vui vẻ đón vào nhà mình tất thảy những người cơ nhỡ, và kỳ lạ là căn nhà nhỏ bé lại vừa cho tất cả. Chuyện ấy được nhà vua lý giải: “Có lẽ không phải ở loại gỗ mà là từ trái tim. Trái tim chỉ bé như nắm tay, nhưng nếu ai đấy muốn thì có thể để vào đó tất cả con người trên thế gian này mà vẫn còn chỗ. Hẳn là ngươi đã làm ra ngôi nhà này với cả trái tim” (trang 100).

Có một ông bác sĩ hay ngắm vuốt và thè lưỡi ra trước chiếc gương bỗng gặp sự lạ: mỗi lần ông làm như thế thì từ trong gương lại nhảy ra một bác sĩ giống hệt ông. Cứ thế, cả một đoàn bác sĩ xuất hiện gây ra bao cảnh trớ trêu. Và người kể chuyện lại bảo: “Thực sự thì gương có cần thiết đến thế không nhỉ? Để biết xem chúng ta có đẹp đẽ, dễ mến hay không thì chỉ cần nhắm mắt lại và tự vấn trái tim cùng khối óc của ta thôi mà” (trang 119).

Kể những câu chuyện theo kiểu “giả cổ” nhưng tác giả thường xuyên cập nhật những yếu tố hiện đại. Lễ đăng quang của vua sư tử nhưng dân chúng không ra đường mà ngồi nhà xem tivi. “Để xem được buổi lễ tốt hơn, không phải chịu những xô đẩy, không phải người nọ trèo lên đầu người kia. Họ khôn thật, cái đám thần dân này… Người dân quá yêu mến chiếc tivi đến nỗi xem tận mắt một buổi lễ đăng quang họ sẽ thấy như giả: chỉ có xem trên màn hình tivi mới là một lễ đăng quang ‘thật’” (trang 146). Dù biết đường phố không có người, nhà vua vẫn cúi đầu chào mỉm cười bên phải bên trái - thì ra vua, và nhiều người đọc, đã hiểu và quen với cuộc sống ảo mất rồi.

Một số câu chữ nên chỉnh lại:

- Chàng còn hay nhầm giữa Roma thành Toma (trang 38). Nên viết “nhầm giữa Roma và Toma”, hoặc “nhầm Roma với Toma”. Nếu vẫn muốn dùng chữ “thành” thì viết “nhầm Roma thành Toma”.

- Cô gái trẻ/ chàng trai trẻ: cụm từ này thừa chữ “trẻ”. Bản thân chữ cô gái/ chàng trai đã hàm ý trẻ rồi.

- Có phong tục tái hiện lại quang cảnh (chú thích trang 125). Thừa chữ “lại”. Đã “tái” thì không cần “lại”.

“Một cậu bé và một cô bé đang dắt tay nhau… Chúng chỉ còn lại một mình, không nhà…” (trang 158-159). Đã “chúng” tức là số nhiều, thì không phải là “một mình” nữa. Đây là kiểu văn nói phổ biến, thuộc số những điểm chưa chính xác của tiếng Việt (và cả một số ngôn ngữ phương Tây, ví dụ tiếng Anh: They were left alone).

Những câu dưới đây được viết theo kiểu văn nói, thừa chữ “các”:

- Một đoàn các quý tộc xuất hiện (trang 50):

- Có tới cả một đoàn các bác sĩ (trang 114).

- Hàng loạt các bác sĩ đồng thanh hô to (trang 116).

_______

* Hai mươi truyện thêm một, Gianni Rodari, Bùi Thị Thái Dương dịch, NXB Kim Đồng 2020.

Hồ Anh Thái