Góc nhìn văn hóa

Hai vị chủ nhà

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:25 - Chia sẻ

      Một nhà thơ kể: Anh vừa được một huyện mời về thăm, nói chuyện, xem viết được gì (làm thơ, viết báo) cho địa phương không. Khi xe vừa đến sân trụ sở UBND huyện, phó chủ tịch phụ trách văn xã ra đón, tay bắt mặt mừng, nồng nhiệt. Đúng lúc đó, có một cô gái đi qua. Vị phó chủ tịch hướng sang tíu tít: “Em về khi nào vậy, chuyến đi có thành công không? Có rẽ được qua nhà không? Các cụ có khỏe không?...”. Anh ta vừa nắm tay nhà thơ, lại vừa quay sang cô gái. Trong một vài phút, nhà thơ đứng sững, trơ khấc vì bị “chủ” bỏ rơi. Khách không thể rút tay ra vì chủ vẫn nắm và siết chặt. Nhà thơ cảm thấy vô cùng khó chịu trước cử chỉ đó của phó chủ tịch.

    Đúng lúc ấy, một nhà báo cũng có mặt và tiếp lời. Anh kể rằng nhà thơ rơi vào tình huống gần giống với của anh. Lần đó, anh là nạn nhân của thói xun xoe cấp trên của một viên chức sở tại. Số là anh được mời đến dự họp tổng kết cơ quan nọ. Vừa gặp, đang bắt tay anh, thì thủ trưởng cơ quan nhìn thấy vị lãnh đạo cấp trên. Thế là ông buông luôn tay anh, lao đến cúi rạp người chào vị kia với vẻ rất khúm núm. Biết ông ta đang đón, bắt tay tôi, vị cấp trên nói với ông: “Cậu cứ tiếp khách đi. Khi khác gặp mình”. Ông ta đành trở lại tiếp tục hỏi thăm tôi, nhưng vẫn cứ hướng đến vị cấp trên kia, tỏ ý tiếc một cơ hội tiếp xúc. Kể xong, ông bạn nhà báo của tôi buông một câu: “Thèm được gần quan trên đến thế là cùng”.

***

   Ở câu chuyện thứ nhất, có thể phần nào thông cảm được máu đa tình của phó chủ tịch kia, nhưng ông ta lại quên bẵng tư cách của mình. Cử chỉ ông ta quá khiếm nhã, trong khi lẽ ra phải rất mẫu mực vì là lãnh đạo phụ trách khối văn hóa, giáo dục của địa phương.

   Còn câu chuyện thứ hai, người giám đốc kia đã quá quen với thói xun xoe, bợ đỡ cấp trên. Song vị cấp lãnh đạo cấp trên đã tỏ ra nhạy cảm, khéo “giáo dục” cấp dưới phép ứng xử xã giao.

TS. Nguyễn Đình San