Sổ tay

Hạn chế phát sinh tranh chấp

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:50 - Chia sẻ
Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng ra đời đã góp phần đẩy mạnh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, chống thất thoát,lãng phí, giảm đáng kể nợ đọng, vốn,bảo đảm tính công bằng để nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng. Mặc dù pháp luật về xây dựng đã có nhiều tiến bộ, nhưng trong quá trình kiểm toán vẫn bộc lộ nhiều bất cập.

Điểm c, Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm soát, cấp phát, cho vay vốn, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác phải căn cứ vào nội dung hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng. Theo đó, bằng chức năng, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành đánh giá, xác nhận, kết luận đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong các dự án xây dựng có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. 

Theo nguyên tắc, Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào của dự án xây dựng có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Một thực tế cho thấy, thường Kiểm toán Nhà nước sẽ tham gia ngay từ giai đoạn đầu đối với những dự án lớn để kiểm soát những sai phạm, tránh gây thất thoát. Nhưng, đối với những dự án vừa và nhỏ rất nhiều trường hợp Kiểm toán Nhà nước sẽ vào tham gia kiểm toán vào giai đoạn cuối của dự án.

Có thể thấy, việc Kiểm toán Nhà nước đối với toàn bộ dự án xây dựng sẽ giúp Nhà nước có thêm kênh giám sát độc lập và hiệu quả hơn, không làm ảnh hưởng đến sự thu hút của các nhà đầu tư tư nhân, công tác quản lý cũng được thực hiện một cách minh bạch và đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu Kiểm toán Nhà nước chỉ tập trung vào kiểm toán các dự án lớn và bỏ lơ các dự án vừa và nhỏ sẽ dễ dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản đối với những dự án này. Đặc biệt, khi phát hiện có sai phạm thì việc khắc phục hậu quả cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, việc Kiểm toán Nhà nước tham gia kiểm toán vào giai đoạn cuối đối với dự án vừa và nhỏ; phát hiện có sai phạm nhưng bên đấu thầu đã xuất toán và chủ đầu tư đã thanh toán thì sẽ giải quyết như thế nào khi hiện nay luật chưa có quy định. Trong khi đó, Khoản 6, Điều 57, Luật Kiểm toán nhà nước quy định đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Vậy, vấn đề đặt ra là bên chủ đầu tư hay bên nhà thầu phải khắc phục hậu quả và kinh phí để thực hiện các biện pháp khắc phục đó sẽ do bên nào chi trả trong khi hợp đồng đã được thanh toán. Điều này dễ dẫn đến phát sinh các tranh chấp giữa các bên. Chính vì lẽ đó, các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng xây dựng cần đặc biệt lưu tâm và đưa trường hợp này vào hợp đồng để tránh phát sinh những tranh chấp có thể xảy ra. Hiện, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung, thiết nghĩ vấn đề này cần được sửa đổi theo hướng quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng cần có hướng dẫn đối với trường hợp nói trên này để bảo đảm quyền lợi của các bên.

Nguyễn Ngân