Hạn chế tối đa luật “khung”, luật “ống”

- Thứ Tư, 30/03/2022, 06:35 - Chia sẻ
Các đại biểu Quốc hội cần tập trung nghiên cứu hiến kế, cho ý kiến vào một số vấn đề và phương án quy định cụ thể các điều, khoản chi tiết, để hạn chế tối đa tình trạng luật “khung” và luật “ống”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về 4 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba tới.

Đây không phải lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến vấn đề luật “khung”, luật “ống”. Trong nhiều cuộc làm việc liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đều nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng này. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội thì luật “khung”, luật “ống” là một trong 2 khuynh hướng làm giảm “tuổi thọ” của luật.

Luật "khung", luật "ống" là văn bản luật có những điều, khoản quy định chung chung, muốn thi hành được phải có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn. Thực tế cho thấy, tình trạng luật phải chờ nghị định, còn nghị định phải chờ thông tư khiến một số vấn đề của đất nước không được xử lý đúng lúc. Sự chậm trễ này đã trở thành rào cản phát triển kinh tế - xã hội, làm cho luật chậm đi vào cuộc sống. Tình trạng luật “khung”, luật “ống” nếu trở nên phổ biến sẽ gây những tác động tiêu cực, làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước và giảm hiệu quả điều chỉnh pháp luật bởi các quy định của luật bị “treo”. Đây là tồn tại đã được nhiều đại biểu lên tiếng ở nhiều nhiệm kỳ Quốc hội.

Không khó để thấy được hệ quả pháp lý từ tình trạng luật “khung”, luật “ống”. Do có những cách hiểu khác nhau nên khi ban hành văn bản hướng dẫn luật đôi khi còn tạo ra sự thiếu thống nhất thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật, có những mâu thuẫn, chồng chéo. Có những văn bản có dấu hiệu trái luật, nội dung không đúng với yêu cầu được luật giao. Nếu không được kiểm soát kỹ, việc ban hành văn bản hướng dẫn rất dễ lọt các quy định có thể có lợi cho bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nói không với luật “khung”, luật “ống”. Vấn đề chưa đủ độ chín mà đã chốt chặt trong luật thì khi thực tiễn thay đổi sẽ không theo kịp. Luật vừa ban hành được thời gian ngắn lại phải sửa đổi, điều này ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật, gây nên sự tốn kém, lãng phí không nhỏ.

Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, cuộc sống luôn có sự thay đổi, phát triển, do vậy luật cũng cần có điều khoản giao cho Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành nhằm điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn một cách kịp thời. Chúng ta cũng không nên quá cứng nhắc khi soi xét có bao nhiêu điều trong luật giao cho Chính phủ hướng dẫn. Sự thống kê cơ học này sẽ không còn ý nghĩa nếu như việc giao nhiệm vụ cho Chính phủ là cần thiết và đúng luật. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng lưu ý, điều quan trọng không phải là có bao nhiêu điều khoản giao cho Chính phủ, các bộ, ngành; không phải là việc giao đó nhiều hay ít mà là giao như vậy có đúng không? “Nhiều điều mà giao đúng thì vẫn giao. Nhưng một điều giao mà không đúng thì cũng kiên quyết không giao. Vấn đề là, các vấn đề đó đã đủ rõ để quy định chi tiết, ổn định ngay trong luật hay chưa? - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Luật càng cụ thể, chi tiết thì càng dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ đi vào cuộc sống. Nhưng việc dự liệu hết các tình huống pháp lý và quy định chi tiết cụ thể ngay trong một đạo luật là điều không thể. Điều quan trọng là việc ban hành văn bản hướng dẫn phải đúng luật, không có độ trễ. Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tình trạng luật “khung”, luật “ống” không trở thành phổ biến. Tránh tình trạng những điều đã rõ trong thực tiễn nhưng lại cố tình không quy định trong luật mà “để dành” để quy định trong các văn bản hướng dẫn. Điều này sẽ làm giảm tính minh bạch của luật, dễ có nguy cơ cơ quan được giao chủ trì soạn thảo “cài cắm” lợi ích bộ, ngành mình vào trong các quy định.

Để hạn chế tối đa tình trạng luật “khung”, luật “ống”, trước hết cần tăng cường năng lực của đội ngũ làm công tác soạn thảo, đặc biệt cần nâng cao năng lực đội ngũ pháp chế của các bộ, ngành. Cùng với đó, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần cởi mở, lắng nghe nhiều hơn trong quá trình tiếp thu, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngay từ khâu dự thảo Luật.

Ngoài ra, cơ quan thẩm định là Bộ Tư pháp, và cơ quan thẩm tra là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội kiểm soát chặt chẽ để kiên quyết “tuýt còi” nếu thấy dự thảo Luật có những quy định “khung”, quy định “ống” không phù hợp, có thể mang lại lợi ích riêng cho bộ, ngành nào đó. Có như vậy, tình trạng một số quy định của luật bị treo nhiều năm mới không tái diễn.

Song Hà