Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Hạn chế tối đa nội dung giao Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:10 - Chia sẻ
Thẩm tra chính thức dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể chiều qua, 28.9, các thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự luật có ý nghĩa quan trọng, tác động rất lớn đến doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, đây cũng là dự luật phức tạp, có tính chuyên ngành cao, đòi hỏi cơ quan soạn thảo phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các nội dung có thể luật hóa được ngay, hạn chế tối đa các điều khoản giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn; đặc biệt là rà soát để loại bỏ ngay những điều khoản tưởng chừng chỉ mang tính kỹ thuật nhưng sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, trong khi không mang lại hiệu quả quản lý nhà nước.

Loại bỏ những quy định "vô nghĩa", bất hợp lý

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế đã ghi nhận nỗ lực tách bạch việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động (mang tính điều kiện kinh doanh chuyên ngành) và việc đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp (tương tự như quy định của Luật Chứng khoán). Nhưng, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khi triển khai, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu các quy định tại Luật Doanh nghiệp liên quan đến quy trình đăng ký doanh nghiệp, các yếu tố đặc thù (ví dụ có cần Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư không?). Đồng thời, bổ sung quy định tích hợp việc công bố nội dung hoạt động (giấy phép thành lập và hoạt động) và công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).

Tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật - đã có báo cáo giải trình và tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật. Dù vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với bản dự thảo Luật mới và yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục rà soát loại bỏ những điều kiện mà chỉ nhìn tên thôi cũng đã thấy không hợp lý và cũng không phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước.

Đơn cử như quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 68 dự thảo Luật yêu cầu thành viên, tổ chức của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải kinh doanh có lãi. Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật thì doanh nghiệp sẽ phải có lãi trong 3 năm, với số góp vốn phải ít nhất bằng hoặc lớn hơn vốn chủ sở hữu trừ vốn điều lệ. Các quy định này, theo ông Phan Đức Hiếu, là vô nghĩa về mặt toán học. Bởi, vốn điều lệ là số vốn ban đầu các thành viên góp lại, sau đó sẽ trở thành tài sản, vốn chủ hữu, nên không thể áp dụng thuật toán nào để thực hiện yêu cầu tại dự thảo Luật với hai loại vốn này.

Hơn nữa, khi cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sẽ trở thành tài sản của doanh nghiệp, không thể rút ra được. "Quy định như dự thảo Luật không để làm gì, vì quan trọng là cổ đông có tiền đóng cho doanh nghiệp hay không", trong khi đó, "quy định tại Luật hiện hành đã khá đủ để bảo đảm an toàn hoạt động doanh nghiệp". Mặt khác, theo ông Phan Đức Hiếu, quy định như dự thảo Luật có thể gây cách hiểu chỉ cần trong thời gian đầu có lãi, sau đó cổ đông không chịu ràng buộc này. Trong khi đó, một doanh nghiệp có thể hôm nay có lãi, ngày mai đã thua lỗ, tùy theo sự vận động của thị trường. Điều kiện này không tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp dễ dàng vượt qua và cũng không có tác dụng gì với quản lý nhà nước. 

Điều khiến ông Phan Đức Hiếu lo ngại hơn nữa là quy định về hồ sơ đăng ký thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải có phương án kinh doanh, chứng minh hiệu quả kinh doanh, lợi ích kinh tế hoạt động bảo hiểm. Bởi lẽ, điều kiện này nếu được thực thi sẽ đòi hỏi cơ quan cấp phép phải liên đới chịu trách nhiệm với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vì đã đồng ý với phương án kinh doanh gây hại cho khách hàng.

Từ những phân tích trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh với nghiệp vụ bảo hiểm, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng. Doanh nghiệp cũng sẽ rất khổ nếu giữ quy định này, vì doanh nghiệp bảo phương án kinh doanh hiệu quả nhưng lên cán bộ bảo không hiệu quả thì sẽ phải quay về sửa bởi không có tiêu chí nào để đánh giá phương án kinh doanh hiệu quả hay không. “Những quy định mang tính kỹ thuật này tưởng nhỏ nhưng lại là nguồn cơn làm phát sinh vướng mắc trong thực tế áp dụng pháp luật, nhất là với những câu chữ mang tính quy phạm pháp luật, song lại không có tiêu chí để xác định cụ thể như vậy”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh. 

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Trung Thành 

Nhiều quy định sẽ phải chờ văn bản hướng dẫn

Một vấn đề khác của dự án Luật cũng khiến thành viên Ủy ban Kinh tế và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lo ngại là việc có nhiều điều khoản giao Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định chi tiết. Theo thống kê của Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An, ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) và ĐBQH Vũ Tiến Lộc, dự thảo Luật có 21 nội dung phân cấp cho Chính phủ, 21 nội dung phân cấp cho Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết.

“Điều này khiến chúng ta có cảm giác luật này là luật khung. Hơn nữa, khi giao Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thì quy trình ban hành văn bản quy định chi tiết không thể minh bạch, thấu đáo như quy trình xây dựng luật”. Bày tỏ lo ngại này, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, các vấn đề đã và đang được triển khai thực hiện tốt trong các nghị định, thông tư hiện hành, được chứng minh hiệu quả, thì cần cố gắng đưa hết vào dự thảo Luật này. Vấn đề mới, không có tính dài hạn, có thể thay đổi trong thời gian thi hành của luật thì giao Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chi tiết. Cần cố gắng thực hiện đúng tinh thần Quốc hội mong muốn lâu nay là giảm luật khung, luật ống, giảm số lượng điều, khoản phải chờ Chính phủ, các bộ ngành ban hành văn bản quy định chi tiết.

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là dự án luật liên quan nhiều đến người dân. Do vậy, ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan đến giao kết bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, từ chối trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm vào dự án Luật. Từ đó, đưa Luật Kinh doanh bảo hiểm đến gần người dân hơn, để người dân đọc luật có thể hiểu được ngay, nhất là những quy định sát sườn với quyền và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm. Trong đó, cần đưa ngay vào dự thảo Luật các quy định về giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, hồ sơ chi trả tiền bảo hiểm cần những văn bản nào, hướng dẫn khi xảy ra tổn thất người tham gia bảo hiểm cần thông báo cho doanh nghiệp như thế nào, thời gian phải chi trả bảo hiểm cho doanh nghiệp... để người dân tiếp cận được và thực hiện được.

Có thể thấy, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có phạm vi tác động lớn, liên quan đến an sinh xã hội và nhận được sự quan tâm của người dân và các đại biểu Quốc hội. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần xác định dự án Luật này được xây dựng hướng đến mục tiêu đưa thị trường bảo hiểm phát triển, tạo nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội; tạo đột phá cho doanh nghiệp bảo hiểm trong nước; bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Qua đó, vừa đưa bảo hiểm trở thành một huy động vốn vào thị trường, vừa góp phần an dân.

Thanh Hải