Hạn chế trong cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cơ bản được khắc phục

- Thứ Bảy, 14/07/2012, 08:36 - Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, UBTVQH đã tổ chức các đợt giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật, quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường ở một số địa phương. THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI NGHUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (TN-MT) NGUYỄN LINH NGỌC có cuộc trao đổi với PV Báo ĐBND về việc triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 với tư cách là đại diện ngành chức năng, tham gia đoàn giám sát.
- Qua các đợt giám sát của UBTVQH, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng cấp phép hoạt động khoáng sản?

- Đúng là trong những năm qua, việc cấp phép hoạt động khoáng sản (thăm dò, khai thác) có những hạn chế, nhất là liên quan đến thực hiện thẩm quyền phân cấp về cấp phép của các địa phương. Điều này đã được Bộ TN-MT tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ trong Báo cáo 14 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 1996 khi trình Quốc hội khóa XII dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Theo đó, Luật Khoáng sản năm 2010 đã đưa ra những quy định về phân cấp cũng như quy định khác liên quan trong quản lý nhà nước nhằm khắc phục cơ bản những bất cập, tồn tại trong cấp phép hoạt động khoáng sản.

Các đợt giám sát của UBTVQH mới đây cho thấy, những hạn chế trong cấp phép hoạt động khoáng sản đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, Luật mới có hiệu lực từ ngày 01.7.2011 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng mới có hiệu lực.  Các thông tư hướng dẫn thi hành các nghị định đang được Bộ TN - MT phối hợp xây dựng để ban hành trong thời gian sớm nhất. Chính vì vậy, nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, bất cập trong cấp phép khoáng sản như đã nêu trên chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.

- Luật Khoáng sản (sửa đổi) được đánh giá là tương đối đầy đủ trong quản lý, khai thác từ phân cấp trách nhiệm đến điều kiện khai thác hay lập quy hoạch... Tuy nhiên các địa phương vẫn kêu khó thực hiện, vậy theo Thứá trưởãng cần bổ sung thêm điều gì? 

- Với cách tiếp cận mới và đầy đủ hơn khi hoàn thiện pháp luật về sở hữu đối với tài sản là khoáng sản, Luật Khoáng sản năm 2010 đã có những quy định mang tính đột phá, những quy định chặt chẽ trong quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, do có nhiều quy định mới, thậm chí lần đầu tiên được đưa vào nội dung của Luật, nên quá trình xây dựng để ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật mặc dù được triển khai từ rất sớm nhưng tiến độ ban hành còn chậm. Đây cũng là một trong những lý do dẫn tới các địa phương còn lúng túng trong quá trình tổ chức tuyên truyền, phổ biến cũng như triển khai thực hiện Luật. Do đó, điều quan trọng là cần phải sớm xây dựng và ban hành đầy đủ trong thời gian sớm nhất các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010 làm cơ sở triển khai, đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.

- Chúng ta cần phải làm gì để tránh tình trạng khai thác tràn lan như hiện nay, thưa Thứá trưởng?

- Để chấn chỉnh những bất cập trong cấp phép hoạt động khoáng sản, tháng 9.2011, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc. Và đến ngày 9.1.2012, chỉ đạo về dừng cấp phép nêu trên mới được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Tuy nhiên, việc cấp phép hoạt động khoáng sản được quy định chặt chẽ hơn, trong đó chưa được cấp phép mới đối với hoạt động thăm dò, khai thác quặng titan sa khoáng, đá hoa trắng, không khai thác vàng sa khoáng và không cấp phép thăm dò mới các mỏ bauxit khu vực phía Bắc.

Như vậy, cùng với các quy định chặt chẽ của Luật Khoáng sản năm 2010, của Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09.3.2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản, các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02 nêu trên sẽ tạo khung pháp lý chặt chẽ cho quá trình tiếp nhận, thẩm định và cấp phép hoạt động khoáng sản. Điều quan trọng là phải tổ chức triển khai công tác cấp phép hoạt động khoáng sản một cách chặt chẽ, đúng trình tự. Ngoài ra, cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp khác như tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về khoáng sản; tiến hành thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tất cả các tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác cấp trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản theo đúng quy định.

- Bộ TN - MT là đơn vị chắp bút cho Đề án Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của bản Chiến lược này?

- Việc ban hành bản Chiến lược này có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như hoạt động khoáng sản trong thời gian tới, đó là: lần đầu tiên công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như hoạt động khoáng sản ở nước ta có một văn bản Chiến lược được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 20 năm thể hiện quan điểm chỉ đạo, chính sách, tầm nhìn dài hạn của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản (bao gồm các khâu từ điều tra cơ bản về khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản cho sản xuất trong nước và xuất khẩu...).

Chiến lược khoáng sản là cơ sở quan trọng để định hướng cho công tác lập quy hoạch khoáng sản giữa các bộ, ngành và địa phương, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các quy hoạch khoáng sản (giữa quy hoạch của các ngành sản xuất, giữa quy hoạch cả nước và quy hoạch cấp tỉnh, thành phố) như hiện nay. Chiến lược khoáng sản cũng định hướng rõ cho hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến đối với một số loại khoáng sản quan trọng như: than, quặng phóng xạ, khoáng sản kim loại (quặng titan - zircon, quặng bauxit, quặng sắt, quặng đất hiếm, quặng đồng, quặng chì - kẽm, quặng mangan, quặng cromit), khoáng sản vàng, khoáng sản không kim loại (khoáng sản nguyên liệu xi măng, đá vôi trắng, khoáng sản nguyên liệu gốm - sứ thủy tinh, nguyên liệu ốp lát, apatit)... Do đó, đây là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản định hướng hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Chí Tuấn thực hiện