Pháp luật một số nước về Chống lãng phí thực phẩm

Hàn Quốc: Hướng tới xã hội không rác thải thực phẩm

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:34 - Chia sẻ
Kể từ những năm 1980, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều nỗ lực lập pháp nhằm giảm lãng phí thực phẩm. Gần đây nhất, năm 2013, một luật mới đã được ban hành yêu cầu rác thực phẩm phải được bỏ trong túi phân hủy sinh học và yêu cầu mỗi hộ gia đình phải trả phí dựa trên trọng lượng rác mà họ thải ra. Mục tiêu của đất nước hơn 51,3 triệu dân này là phấn đấu trở thành xã hội không rác thải.

Khuyến khích “3 R”

Năm 1986, Luật Quản lý chất thải của Hàn Quốc được ban hành nhằm khuyến khích “3 R” nghĩa là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (reduce, reuserecycle). Năm 1992, Chính phủ soạn thảo dự thảo Luật Khuyến khích tiết kiệm và tái chế tài nguyên, trong đó đưa ra khái niệm “người gây ô nhiễm phải trả tiền” bằng cách yêu cầu mua các túi rác được chỉ định và quy định phí rác thải.

Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, quốc gia này bắt đầu chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về lượng chất thải thực phẩm do mức sống cao hơn, thói quen thường xuyên ra ngoài ăn và nhiều hộ gia đình độc thân hơn. Vì vậy, Hàn Quốc đã xây dựng Kế hoạch tổng thể về giảm thiểu chất thải thực phẩm. Sau đó hai năm, một chương trình tái chế được thiết lập và được cải tiến vào năm 2004, yêu cầu thu gom chất thải thực phẩm trong các khu dân cư và nhà hàng... Năm 2005, chất thải thực phẩm bị cấm chôn lấp. Năm 2010, Bộ Môi trường phối hợp với Bộ Lương thực, Nông lâm và Thủy sản và Bộ Y tế, Phúc lợi và Gia đình thực hiện dự án giảm thiểu chất thải thực phẩm bằng cách ký thỏa thuận với các ngành khác nhau như nhà hàng, khách sạn, trường học, khu nghỉ ngơi… để hợp tác tự nguyện. Các nhà hàng được khuyến khích sử dụng ít đĩa đồ ăn kèm hơn và áp dụng thực đơn thân thiện với môi trường. Nhà ăn ở các cơ sở công lập phát động “ngày không thừa” mỗi tuần một lần.

Cũng trong năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng hệ thống thu phí thực phẩm dựa trên khối lượng rác thải. Và đến năm 2013, “trả tiền khi bạn vứt rác” đối với rác thải thực phẩm đã được luật hóa và có hiệu lực, cùng với lệnh cấm vứt chất lỏng “còn lại dưới đáy túi rác” xuống biển. Ở nhiều khu vực trong nước, công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) được sử dụng để cân chất thải. Các tòa nhà dân cư mới được cung cấp các thùng nhôm, đặt trong các khu tái chế chung, để cư dân ký gửi rác thực phẩm. Mỗi cư dân được cung cấp một thẻ nhận dạng điện tử để sử dụng khi xử lý rác thải thực phẩm. Trọng lượng của chất thải được xác định mỗi khi thùng được sử dụng và cư dân sẽ bị tính phí cho chất thải của họ vào cuối mỗi tháng.

Chất thải thực phẩm hoặc được sấy khô để sử dụng làm phân trộn cho các khu vườn đô thị hoặc làm thức ăn cho gia súc, hoặc được đốt để tạo ra nhiên liệu sinh học. Việc tái chế rác thải thực phẩm tiết kiệm cho đất nước một khoản tiền lớn để xử lý rác ở các bãi rác hoặc nhà máy xứ lý nước thải. Mua các túi rác và trả tiền rác thực phẩm tốn khoảng 6 USD/ tháng cho một hộ gia đình bốn người, và các khoản phí này chi trả cho 60% chi phí duy trì hệ thống RFID và tái chế.

Nguồn: ITN

Chống lãng phí để bảo vệ môi trường

Sở dĩ Hàn Quốc rất chú trọng đến việc chống lãng phí thực phẩm vì đây là một trong số những quốc gia sản sinh rác thải thực phẩm lớn nhất thế giới, ngay từ năm 2005 đã tạo ra 17.100 tấn rác mỗi ngày. Nguyên nhân phần lớn là do quan niệm văn hóa về banchan, nghĩa là có nhiều món ăn phụ đi kèm trong mỗi bữa ăn, từ đó tạo ra một lượng thức ăn thừa đáng kể. Thực tế, hằng năm, mỗi người Hàn Quốc từng bỏ thừa hơn 130kg thực phẩm. Trong khi đó, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), con số này ở Châu Âu và Bắc Mỹ là 95 - 115kg/người/năm. Nhìn ra phương diện thế giới, FAO cho biết, mỗi năm, toàn thế giới thải bỏ hơn 1,3 tỷ tấn thực phẩm, trong khi chỉ cần chưa đến 1/4 lượng thực phẩm bị thải bỏ ở châu Âu và Mỹ đã đủ nuôi sống 1 tỷ người đang thiếu lương thực trên khắp hành tinh.

Giảm thiểu và tái chế chất thải thực phẩm không chỉ quan trọng đối với tài chính cá nhân và nền kinh tế Hàn Quốc nói chung, mà còn vì mục đích môi trường. Xử lý chất thải thực phẩm tại nhà máy xử lý nước thải góp phần tạo ra khí nhà kính đang gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay trên thế giới. Trên toàn cầu, rác thải thực phẩm chiếm gần tương đương với lượng phát thải như giao thông đường bộ.

Mặc dù chất thải thực phẩm được xử lý tại các nhà máy nước thải, chất lỏng của rác lại được thải ra vùng biển dọc theo bờ biển Hàn Quốc gây ô nhiễm và làm hại đời sống biển, nghề cá cũng như quần thể ven biển. Lượng nước chiếm 80% trọng lượng của chất thải thực phẩm, do đó, ngoài việc coi việc vứt nước thải từ rác ra biển là bất hợp pháp, người dân được khuyến khích giảm lượng nước rác thải thực phẩm của họ trước khi gửi vào túi. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí cho họ mà còn giúp chính quyền tiết kiệm ngân sách dành cho thu gom rác.

Ở Hàn Quốc, rác thải thực phẩm chủ yếu được tái chế để sử dụng làm phân bón cho các vườn đô thị ở Thủ đô Seoul, vốn đã nhiều gấp 6 lần so với năm 2012. Hiện tại, tổng diện tích các khu này vào khoảng 170ha, tương đương với kích thước của 240 sân bóng đá. Hầu hết các trang trại, vườn hoa nằm trên những khoảng đất kẹp giữa các khu chung cư, sân thượng của các trường học, hay tòa nhà của chính quyền thành phố. Thậm chí có cả một trang trại chuyên trồng nấm ở tầng hầm của một khu chung cư…

Hàn Quốc đang tái chế hơn 95% chất thải thực phẩm, tăng từ mức chưa đầy 2% vào năm 1995. Tuy nhiên, Chủ tịch của Mạng lưới phong trào không chất thải Hàn Quốc cho biết, nước này vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm chất thải thực phẩm, bởi vì lượng phân trộn và phân bón đang được sản xuất nhiều hơn mức có thể được sử dụng.

Linh Anh